.

Rộn rã lân-sư-rồng

.
20:48, Thứ Bảy, 22/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Những bạn trẻ ấy có niềm đam mê thật lạ: múa lân-sư-rồng. Đam mê ấy giúp họ bước qua được những rào cản, những khó khăn để sống trọn với lựa chọn của mình. Với nhiều người, múa lân-sư-rồng là nguồn thu nhập chính nhưng khi tôi mạo muội hỏi: “Thu nhập mỗi dịp Trung thu có ổn?”, họ chỉ lắc đầu cười: “Tết Trung thu, tụi em chỉ múa cho các cháu vui, tiền bạc bao nhiêu không còn quan trọng nữa”.
 
Nuôi dưỡng đam mê
 
Cậu thanh niên Trần Thanh Phi Long (Đồng Phú, Đồng Hới) năm nay tròn 25 tuổi. Bảy năm trước, khi vừa tốt nghiệp THPT, chênh vênh giữa những chọn lựa cho cuộc đời mình, Long quyết định thành lập nhóm múa lân-sư-rồng Phi Long Đường.
 
Thời điểm ấy, múa lân-sư-rồng còn khá mới lạ tại thị trường Đồng Hới nên quyết định ấy của Long vấp phải nhiều phản đối. Nhưng Long thật thà bảo, múa lân là niềm yêu thích của em từ khi lên 8. Đó là những ngày nhỏ, cứ mỗi dịp Trung thu đến, Long và bạn bè lại tụ tập nhau tập múa, rồi đi đến từng ngõ, từng nhà múa cho trẻ em trong xóm cùng xem.
 
10 năm trời, 10 mùa Trung thu đi qua, những cậu bé lên 8 ngày nào vẫn miệt mài với trống, với đầu lân rực rỡ sắc màu. Niềm yêu thích con trẻ dần dần trở thành đam mê lúc nào chẳng rõ.
 
“Khi tốt nghiệp, biết đã đến lúc bản thân được phép quyết định lấy cuộc sống của chính mình, em lập nhóm để thỏa sức với đam mê. Chị biết không, cứ nghĩ chẳng ai như mình, vậy mà nhóm lập ra, có đến xấp xỉ 50 bạn nữa tham gia. Có người gắn bó đến hôm nay, cũng có người theo đi học, đi làm, rồi bỏ. Người vào, người ra, đến giờ, số lượng vẫn giữ ở con số 50 người. Nhưng so với ngày mới thành lập, Phi Long Đường đã trưởng thành lên rất nhiều”, Long hào hứng chia sẻ.
Đoàn múa lân sư rồng Nhật Anh Đường ra đời vào tháng 9-2017.
Đoàn múa lân sư rồng Nhật Anh Đường ra đời vào tháng 9-2017.
Cũng như Long, Trương Viết Hải (20 tuổi, phường Nam Lý, Đồng Hới) có một niềm đam mê đặc biệt dành cho điệu múa lân-sư-rồng. Hải bảo, yêu thích và đam mê nhưng ý tưởng thành lập một nhóm múa của riêng mình chưa xuất hiện, cho đến một ngày nhìn thấy một nhóm múa tự phát của những bạn trẻ ở Đức Ninh biểu diễn. Đó là những người trẻ cũng có niềm đam mê đặc biệt nhưng vì chưa có người đứng ra tập trung, tổ chức nhóm và biên đạo nên nhóm còn khá non nớt.
 
Tháng 9-2017, Hải quyết định tập hợp nhóm lại, đặt tên là Nhật Anh Đường. Buổi ban đầu mới thành lập, chỉ với hơn 10 thành viên, không có kinh phí để duy trì nên hoạt động của nhóm còn khá rời rạc.
 
“Những ngày đầu, em phải đi vay mượn tiền bạc để mua sắm đồ diễn, nhưng cũng không đáp ứng  nhu cầu. Nhóm tưởng như phải giải tán giữa chừng, dù khi ấy, ai cũng háo hức và đam mê. Vậy rồi, chúng em được Hiệp hội lân-sư-rồng Hào Dũng Việt Nam hỗ trợ về tập luyện và phát triển thành một chi nhánh của Hào Dũng ở Quảng Bình. Có động viên về vật chất, tinh thần và nhất là có người hướng dẫn về kỹ thuật, so với ngày đầu mới lập nhóm, Nhật Anh Đường đã trưởng thành hơn từng ngày. Hiện Nhật Anh Đường có 30 thành viên. Người lớn tuổi nhất là 21 tuổi, trẻ nhất là 13”, Hải chia sẻ.
 
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 2018 vừa qua, liên hoan lân-sư-rồng có sự góp mặt của hơn 160 huấn luyện viên, vận động viên đến từ bốn nhóm múa chuyên nghiệp: Nhật Anh Đường, Phi Long Đường, Tứ Hải Đường và Vovinam Quảng Bình. Đây cũng là lần đầu tiên một sân chơi cấp tỉnh được tổ chức để những bạn trẻ yêu và đam mê với môn nghệ thuật đặc biệt này được giao lưu và học hỏi. Một số nhóm bắt đầu tham gia vào các giải đấu lớn ở khu vực và trong nước. Sự trưởng thành bắt đầu từ chính những sân chơi chuyên nghiệp ấy. Niềm đam mê cũng từ đó được nuôi lớn dần lên từng ngày.
 
Đam mê thôi, chưa đủ
 
Có mặt trong một buổi tập của nhóm Phi Long Đường, tôi mới thấm thía phần nào những khó nhọc của những bạn trẻ đặc biệt ấy. Với họ, nếu chỉ đơn giản là đam mê thôi thì chưa đủ, mà nói như Phi Long, trưởng nhóm Phi Long Đường thì đam mê chỉ giúp vượt qua những khó khăn mà thôi.
 
Để có được một tiết mục biểu diễn rực rỡ sắc màu trên sân khấu, những bạn trẻ này phải tự biên đạo, làm sao để những nội dung phù hợp với từng sự kiện. Tiết mục múa cho rằm Trung thu, Tết Nguyên đán hay các sự kiện khai trương, cưới hỏi đều phải được thể hiện theo màu sắc riêng. Khó nhất là múa rồng bởi cần đến 9 người cùng phối hợp nhịp nhàng và tập trung cao độ mới tạo ra những động tác uyển chuyển, đẹp mắt. 
Để có được một tiết mục biểu diễn rực rỡ sắc màu trên sân khấu, các nhóm lân-sư-rồng phải tập luyện rất vất vả.
Để có được một tiết mục biểu diễn rực rỡ sắc màu trên sân khấu, các nhóm lân-sư-rồng phải tập luyện rất vất vả.
Từ những đòi hỏi khắt khe đó nên các thành viên trong nhóm tập luyện rất vất vả. Để có được 15, 20 phút biểu diễn, họ phải mất cả tháng trời để tập luyện. Mồ hôi, nước mắt và cả máu đã rơi bởi với những động tác khó, nhiều lúc còn xảy ra chấn thương. Người múa phải có một sức khỏe dẻo dai, ngoài năng khiếu phải biết một chút võ thuật để thực hiện những động tác leo trèo, bay nhảy, đặc biệt cần có sự kiên trì để thực hành điêu luyện những động tác khó.
 
Viết Hải, trưởng nhóm Nhật Anh Đường bộc bạch rằng, nhiều năm tham gia múa lân-sư-rồng, đã không ít lần cậu bị chấn thương, nhất là những động tác lộn nhào ra sau, nếu không vững sẽ dẫn đến chấn thương cổ, rất nguy hiểm. Vết thương này lành, vết thương khác lại rướm máu.
 
Múa lân-sư-rồng ở Đồng Hới vẫn chưa thực sự phổ biến, chủ yếu xuất hiện ở các sự kiện khai trương, cưới hỏi, các dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. Mỗi sự kiện tham gia, trung bình mỗi người được chừng 200.000 đồng. Số tiền ấy không thấm gì với những nỗ lực, thời gian và công sức của họ.
 
Để duy trì hoạt động, khó khăn nhất vẫn là nguồn kinh phí. Các nhóm múa lân-sư-rồng phải tự xoay xở bằng nguồn thu ít ỏi từ các buổi biểu diễn. “Không có kinh phí nên trang phục, rồi các đầu lân, sư, rồng, tụi em đều tự may cả”, Long trải lòng. 
 
Khó khăn, thiếu thốn, thậm chí là nguy hiểm nhưng chưa bao giờ những thanh niên như Long, như Hải có ý định từ bỏ niềm đam mê của mình. Có lẽ bởi lân-sư-rồng cũng là bộ môn nghệ thuật đặc biệt khi dù xuất hiện ở sân khấu nào cũng mang đến sự rộn rã. Chỉ với tiếng trống giòn giã, đoàn lân-sư-rồng đi đến đâu cũng được sự đón chờ háo hức của nhiều người, bất kể già trẻ, gái trai.
 
Long bảo, chỉ cần mỗi ngày tập luyện, biểu diễn, được nhìn thấy những ánh mắt say mê của khán giả, nhất là các bạn nhỏ, những khó nhọc đều tan biến cả. Vậy nên, nguồn thu mỗi dịp Trung thu thường không tính bằng tiền mà bằng niềm vui, bằng những ánh mắt đen to tròn của con trẻ.
 
Nhìn họ mê mải với những động tác nhào lộn uyển chuyển, bất giác tôi tự hỏi: Tết Trung thu sẽ còn gì thú vị nếu thiếu đi tiếng trống hội rộn rã, những bài múa rực rỡ sắc màu kia và thiếu cả những con người với niềm đam mê bất tận ấy?
 
Ngọc Minh
,