.

Trăn trở Tân Sơn!

.
07:53, Thứ Ba, 07/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thôn Tân Sơn (xã Quảng Sơn, TX.Ba Đồn) nằm ngay trên tuyến đường chính chạy từ xã Quảng Sơn lên xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hoá), với một bên là núi đá, bên kia là dòng chảy của con sông Rào Nan. Dù Tân Sơn hôm nay đã có nhiều đổi thay, nhưng vẫn còn đó những trăn trở để nâng cao mức sống của người dân, ổn định sản xuất...

Người dân Tân Sơn (trước đây gọi là làng Chay) vốn sinh sống ở vùng đất nằm sâu trong núi, giao thông đi lại cách trở nên đời sống rất khó khăn. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ra nơi ở mới.

Phát huy tinh thần đoàn kết và với quyết tâm của bà con, từ khi chuyển đến nơi ở mới, đời sống người dân đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, chính quyền, hiện nay, thôn Tân Sơn đã có đường bê tông, điện, trường học, nhiều hộ dân có nhà cửa được xây dựng kiên cố… Trước đây, người dân Tân Sơn chỉ biết vào rừng khai thác gỗ, thì nay họ đã biết trồng rừng, chăm sóc và khai thác rừng trồng; chăn nuôi gà, trâu, bò…

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn Tân Sơn cho biết, thôn hiện có 156 hộ dân với 693 khẩu, trong đó có 57 hộ nghèo. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng theo ông Minh, đây là sự nỗ lực lớn của các cấp chính quyền và người dân để giảm hộ nghèo từ 102 hộ/148 hộ dân (năm 2016), xuống còn 57 hộ/156 hộ dân (năm 2018).

Nhiều hộ dân ở thôn Tân Sơn phải di dời nhà cửa sau trận lụt năm 2010.
Nhiều hộ dân ở thôn Tân Sơn phải di dời nhà cửa sau trận lụt năm 2010.

Tuy vậy, do đặc thù là thôn miền núi, có địa hình phức tạp, đồi núi dốc nên việc sản xuất, sinh hoạt của người dân Tân Sơn vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Minh trao đổi thêm, đất canh tác của thôn đa phần là đất lâm nghiệp (hơn 80 ha), những diện tích đất còn lại quá cằn cỗi, dốc đá nên không thể trồng lúa, hoa màu.

Cũng vì thế, người dân sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng, hộ nào có đất lâm nghiệp thì trồng rừng, không thì đi làm thuê, khai thác gỗ cho các vùng lân cận hoặc vào miền Nam kiếm việc làm…

Ông Hoàng Huy Định (xóm 1, thôn Tân Sơn) tâm sự: “Chúng tôi không có đất canh tác nông nghiệp, các hộ dân đều chủ yếu sống dựa vào rừng, nếu có rừng trồng còn đỡ, chứ đi làm thuê, khai thác rừng trồng cho người khác thì thu nhập càng bấp bênh, mùa mưa chỉ biết ngồi ở nhà vì không có việc làm.

Như gia đình tôi, cả nhà làm mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 4 triệu đồng, trong khi nhà có đến 6 miệng ăn, nên rất chật vật. Mấy đứa lớn đã phải nghỉ học để đi làm thêm, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ”.

Không chỉ khó khăn về nguồn thu nhập, trong đời sống sinh hoạt, thôn Tân Sơn cũng gặp nhiều vấn đề khi chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng; trường cấp 2, cấp 3 quá xa, cách thôn gần cả chục cây số nên nhiều em đã phải bỏ học giữa chừng vì không có phương tiện đi lại; nhiều hộ dân phải tự đấu nối điện sáng vì đường dây điện chính chưa được kéo đến khu vực sinh sống…

Vất vả hơn, Tân Sơn là thôn 135, một bên là núi nhưng một bên lại là khe Nước Mặn, nơi dòng nước Rào Nan chảy vào. Do đó, mỗi mùa mưa lụt đến, các hộ dân sống ven khe Nước Mặn đều bị ngập lụt, sạt lở rất nguy hiểm. Tuy nhiên, người dân cũng chưa có giải pháp khắc phục bởi thôn không còn quỹ đất để di dời, mà tự mua đất thì bà con không đủ khả năng.

Khó chồng khó, nên dù đã rất cố gắng nhưng chính quyền và người dân Tân Sơn vẫn còn rất nhiều trăn trở với vùng đất này. Tâm sự với chúng tôi, ông Minh cho biết, mong ước lớn nhất bây giờ của người dân Tân Sơn là được giao thêm diện tích đất lâm nghiệp để trồng rừng, phát triển và bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Các cấp, các ngành tạo điều kiện, quan tâm hỗ trợ việc làm cho con em Tân Sơn đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học (hiện thôn có 5 em tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng chỉ có 2 em có việc làm), giúp các em ổn định cuộc sống, đồng thời việc làm này cũng sẽ tăng thêm động lực để các em khác quyết tâm học hành đến nơi, đến chốn.

Bên cạnh đó, thôn Tân Sơn cũng mong muốn được chính quyền cấp trên tiếp tục quan tâm hỗ trợ, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất…, giúp bà con trong thôn thuận lợi hơn trong việc sinh hoạt, ổn định cuộc sống.

Cát Nhiên
 

,