.

Giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn-Bài 2: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

.
09:00, Thứ Ba, 28/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên đã được các cấp bộ Ðoàn trong tỉnh triển khai bằng nhiều hình thức, phù hợp. Vấn đề này cũng không làm cho tình trạng thất nghiệp của lực  lượng lao động thanh niên nông thôn (TNNT) giảm đi; cần nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng thất nghiệp cho TNNT là việc thiết yếu...

Tín hiệu vui từ xuất khẩu lao động

Anh Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Tổ chức-Cán bộ, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh cho biết: Một trong những giải pháp được xem là hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho TNNT là đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Hiện tại, đã có nhiều địa phương “thay da, đổi thịt” nhờ XKLĐ như: xã Quảng Xuân (Quảng Trạch), Hải Trạch và Nhân Trạch (Bố Trạch), Quang Phú (TP. Đồng Hới).

Trong năm 2017, trung tâm đã giới thiệu làm việc có thời hạn tại nước ngoài cho 586 lao động, chủ yếu ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Rumani và các nước Trung Đông.

Tất cả các lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định, bình quân thu nhập chuyển về nước từ 20-25 triệu đồng/tháng, góp phần ổn định kinh tế gia đình và đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trung tâm đang đẩy mạnh truyền thông đến từng gia đình ở nông thôn thông qua lực lượng cán bộ Đoàn và các tổ chức chính trị, đoàn thể địa phương. Bên cạnh đó, việc tham gia XKLĐ của thanh niên hiện nay khá  thuận lợi và công tác này được UBND tỉnh, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn đặc biệt quan tâm.

Thông qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh đã cấp kinh phí cho trung tâm tổ chức các buổi truyền thông, định hướng việc làm cho người lao động trong toàn tỉnh. BTV Tỉnh đoàn đã chỉ đạo trung tâm và các cơ sở Đoàn trực tiếp phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho TNNT có nhu cầu tham gia XKLĐ và phát triển kinh tế.

Định hướng đào tạo nghề ngay từ khi còn học phổ thông là giải pháp cần thiết để giảm tình trạng thất nghiệp trong thanh niên nông thôn.
Định hướng đào tạo nghề ngay từ khi còn học phổ thông là giải pháp cần thiết để giảm tình trạng thất nghiệp trong thanh niên nông thôn.

Thời gian qua, trung tâm cũng tổ chức các lớp dạy tiếng Nhật, tiếng Hàn và đào tạo kỹ năng khi tham gia XKLĐ cho thanh niên ngay tại trung tâm. Việc này giúp giảm chi phí cho người lao động, cũng như nâng cao các kỹ năng chuyên môn cho người lao động khi làm việc tại nước ngoài.

Rất nhiều thanh niên sau khi XKLĐ trở về đã mạnh dạn đầu tư mở các xí nghiệp, công ty, nhà hàng để phát triển kinh tế. Nhiều người đã thành công và trở thành những giám đốc trẻ với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, họ còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều thanh niên, người lao động trên địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty may TTQ là một điển hình như vậy. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã biển Hải Ninh (Quảng Ninh). Ở quê không có việc làm, anh quyết định đi XKLĐ ở Nga và sau 3 năm bôn ba xứ người, anh học được nghề may và dành dụm được số vốn trở về quê hương để lập nghiệp.

>> Bài 1: Thanh niên nông thôn gian nan tìm việc

Ban đầu anh khởi nghiệp bằng nghề nuôi tôm nhưng may mắn đã không đến với anh, sau nhiều bận lao đao vì tôm chết, anh đã phải ngừng nuôi tôm với một số nợ không nhỏ. Với khát vọng vươn lên, đầu năm 2017, anh đã vay thêm vốn mua sắm máy móc và mở xưởng may. Từ một cơ sở may nhỏ chỉ may đồng phục và nhận gia công một số đơn hàng xuất khẩu thì nay đã trở thành Công ty may TTQ có tiếng trên thị trường với 6 chi nhánh ở các xã lân cận.

“Hiện tại, công ty của tôi đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 160 lao động, với mức thu nhập từ 4,5-9 triệu đồng. Không chỉ tạo việc làm cho thanh niên trên địa bàn, tôi còn hỗ trợ, đào tạo nghề cho các em học sinh lớp 10, 11 có nhu cầu làm thêm mỗi dịp hè, để kiếm thêm tiền mua quần áo, sách vở”, anh Toàn chia sẻ.

Chú trọng đào tạo nghề

Để định hướng nghề nghiệp và tạo việc làm cho TNNT, những năm qua, BTV Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh tổ chức tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên trong toàn tỉnh.

Cụ thể, năm 2017, trung tâm đã tư vấn, định hướng về nghề nghiệp và việc làm cho 5.650 học sinh tại các trường THPT trên địa bàn; tư vấn cho 11.588 lượt người về học nghề, việc làm và XKLĐ; cung ứng và giới thiệu được 3.892 lượt lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức dạy nghề may công nghiệp, hàn công nghệ cao và kỹ thuật trồng nấm cho 309 lao động nông thôn.

Anh Nguyễn Anh Đức cho rằng,  giải pháp giảm bớt tình trạng thất nghiệp và tạo việc làm cho TNNT là tổ chức các lớp dạy nghề có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước. Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên phối hợp giải quyết cho hàng trăm thanh niên đi XKLĐ nhưng chủ yếu là lao động phổ thông.

Trong khi đó, các thị trường lao động ổn định, thu nhập cao chỉ tuyển dụng lao động có tay nghề. Chính vì vậy, trung tâm đã phối hợp với các trường đào tạo nghề có uy tín trong nước tăng cường mở các lớp đào tạo nghề chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động quốc tế. Đồng thời, trung tâm cũng đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho những lao động được trung tâm bồi dưỡng, đào tạo nghề.

Theo anh Nguyễn Văn Sáu, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, để giảm bớt tình trạng  TNNT không có việc làm, trong thời gian tới, BTV Tỉnh đoàn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền trong đoàn viên thanh niên các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giải quyết việc làm, học nghề và XKLĐ để thanh niên biết và chọn lựa ngành nghề phù hợp; tăng cường các hoạt động hướng dẫn, xây dựng mô hình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế và các hoạt động hỗ trợ, trang bị kiến thức cho TNNT.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn tiếp tục tạo mọi điều kiện để thanh niên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất kinh doanh, giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp; hỗ trợ thanh niên thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn, cũng như tạo điều kiện để thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh.

Anh Nguyễn Thanh Bình, ở xã Quảng Tùng (Quảng Trạch) chia sẻ: "Chúng tôi rất muốn được đào tạo nghề để phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là những ngành nghề liên quan đến nông nghiệp”.

Để giải quyết việc việc làm cho TNNT, cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó việc xây dựng các cụm công nghiệp nhỏ và vừa, phát triển các ngành nghề phụ, gia tăng các hoạt động dịch vụ ở nông thôn là điều rất cần thiết.

Đây là cơ sở cho việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phân công lao động ở nông thôn. Việc định hướng, đào tạo nghề phải dựa trên nhu cầu, gắn với việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lan Chi
 

,