.

Thắp sáng bản nghèo

.
09:01, Thứ Năm, 01/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trên con đường độc đạo bết bùn đất, gập ghềnh đá sỏi xuyên giữa rừng, tôi phải mất gần hai tiếng đồng hồ cho chuyến trở lại thăm bản PLoang, xã biên giới Trường Sơn (huyện Quảng Ninh).

Nằm gọn bên con suối nhỏ, bản PLoang là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều với 25 hộ, 105 khẩu. Như thường tình, gia đình tôi đến thăm đầu tiên là Hồ Văn Thiên, đảng viên trẻ của bản, sinh năm 1986. Trong thâm tâm cứ nghĩ, Thiên vẫn đang giữ chức trưởng bản PLoang. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, Thiên bảo: “Tao thôi cái chức trưởng bản rồi. Bây giờ thay tao là Hồ Thị Thi, nhà phía đầu bản”.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời đưa vào sử dụng tạo điều kiện để đồng bào mua sắm các phương tiện nghe nhìn phục vụ cuộc sống.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời đưa vào sử dụng tạo điều kiện để đồng bào mua sắm các phương tiện nghe nhìn phục vụ cuộc sống.

“Rứa là chị thay Thiên giữ chức trưởng bản PLoang đúng hai năm”- Hồ Thị Thi bắt đầu câu chuyện - “Trong hai năm qua, cuộc sống bà con có nhiều sự thay đổi đáng mừng. Đồng bào ở bản thì em biết đó, 100% hộ dân không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu nhờ vào trồng lúa rẫy, trồng sắn, ngô, hái măng, săn mật ong rừng...

Tất cả thuộc diện hộ nghèo, đời sống phần lớn nhờ sự trợ cấp từ Nhà nước. Nhưng nếu so với khoảng 5 năm trở lại đây, bản PLoang thay đổi rất nhiều, đặc biệt trong năm 2017. Thứ nhất, các hộ dân được giao trên 100 ha rừng. Thứ hai, điều mơ ước của nhiều thế hệ nay trở thành hiện thực khi được dùng điện sáng từ dự án điện năng lượng mặt trời.

Thứ ba, công trình nước sạch về tới tận bản và cuối cùng là số lượng con em trong bản đến trường đông dần lên, nhiều cháu về tận Trường PTDT nội trú tỉnh tiếp tục học chữ. Khó khăn trước mắt và chắc chắn sẽ còn lâu dài đối với bản là con đường. Mà không riêng gì PLoang, đồng bào các bản Rìn Rìn, Dốc Mây cùng chung lối đi đều mơ ước như vậy”.

Điện sáng đến với các bản xa, như: PLoang, Rìn Rìn, Dốc Mây ở xã Trường Sơn là một kỳ tích khi những người tham gia thực hiện dự án năng lượng mặt trời phải trèo đèo, cắt rừng, lội suối bám bản, chạy đua cùng thời gian để thi công. Sau nhiều lần trễ hẹn, cuối cùng, đồng bào Vân Kiều cũng đoạn tuyệt được với ánh đèn dầu leo lét từng gắn chặt lấy đời mình. Thăm bản PLoang, bà con ai cũng mừng. Ông Hồ Văn Lời bảo:

“Đóng điện từ hồi tháng 8, nhưng đến tận dịp cuối năm ni mới ổn định. Riêng công trình nước sạch cũng là một kỳ tích khi phải đặt ống kéo nước từ trên đỉnh núi xa về bản, khoảng chừng 2 km. Chắc chắn rằng từ đây trở đi, vào mùa khô hạn, bản sẽ không còn khô khát”.

Trên hành trình định canh định cư, ổn định cuộc sống, bản PLoang nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành. Riêng xã Trường Sơn khi có chủ trương giao đất, giao rừng cho đồng bào đã bố trí 102 ha thuộc về bản Ploang, hiện tại bình quân mỗi hộ sở hữu khoảng 3 ha đất rừng trồng keo, tràm, sắn. Ngoài ra, mỗi gia đình còn nhận một con bò, số lượng bò ở bản trên 30 con. Vụ đông-xuân năm 2017-2018, UBND xã Trường Sơn vận động đồng bào thực hiện mô hình trồng lạc thí điểm với diện tích 3 ha.

Trong chuyến trở lại bản PLoang với tôi lần này còn có Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trường Sơn, anh cùng với trưởng bản Hồ Thị Thi đưa tôi lên khu vực quy hoạch để trồng lạc. Sâu thẳm giữa rừng hiện ra một vùng đất khá bằng phẳng, đất đai tươi tốt, vừa tiến hành cày ải xong.

“Để có diện tích này, xã Trường Sơn cử cán bộ vào cắm bản, cùng bà con phát quang cỏ dại, thuê máy cày đất, sau đó phân chia cho đồng bào. Nếu mô hình thành công sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định lâu dài, giúp bà con Vân Kiều bản PLoang có thêm một hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài mô hình lạc, xã tiếp tục nhân rộng mô hình trồng đót, cây khoai dong”- Nguyễn Văn Tráng cho biết.

 Vận chuyển lạc giống vào cho bà con chuẩn bị vụ trồng đầu tiên.
Vận chuyển lạc giống vào cho bà con chuẩn bị vụ trồng đầu tiên.

Cùng chung tay “thắp sáng” bản PLoang trên hành trình thoát nghèo phải kể đến những tấm gương, như: Hồ Thị Tha, kinh tế vững nhất bản; đảng viên trẻ Hồ Văn Thiên, nguyên trưởng bản; Hồ Văn Lời, người uy tín trong bản và nữ trưởng bản Hồ Thị Thi... Hồ Văn Lời có 2 ha đất rừng trồng keo tràm, mới nhận thêm 3 sào đất lạc, ông bảo: “Cái bụng bà con bản PLoang bây giờ không còn đói, nhưng để giảm bớt sự trồng chờ vào Đảng và Nhà nước thì cần giao đất rừng thêm cho dân, mỗi hộ khoảng 5 ha trồng rừng, xem như công ăn việc làm ổn định. Nhà nước cứ tin dân bản PLoang đi, đã từ lâu bà con chỉ biết trồng rừng, giữ rừng, chứ không còn phá rừng nữa”.

Gia đình trưởng bản Hồ Thị Thi có ngôi nhà sàn khang trang ngay đầu bản. Nhà chị có 5 người con, ngoài con gái đầu Hồ Thị Muôn đã lấy chồng thì các con còn lại đều đang đi học: Hồ Thị Chuôn lớp 12, Hồ Văn Thuôn lớp 10, học tại Trường PTDT nội trú tỉnh; Hồ Văn Choi lớp 8, Hồ Thị Thể lớp 3 đều ra học ở trung tâm xã. Hai vợ chồng trưởng bản nhận 3 ha đất trồng rừng, nuôi 3 con bò, 3 sào đất lạc. Còn lúa rẫy thì không tính được, mỗi mùa gieo khoảng 3 thúng lúa giống... “Mình nói được, làm được, có như vậy bà con mới nghe theo. Chức trưởng bản lại là nữ... khó lắm chứ phải chơi đâu”- Hồ Thị Thi cười giòn tan!

Tôi vui chung với những đổi thay nơi bản nghèo biên giới. Cho dù cuộc sống đang còn muôn vàn khó khăn, cách trở như con đường gập ghềnh, xa ngái nối bản với miền xuôi thì hành trình thoát nghèo của đồng bào cũng đã có những căn cơ vững chắc, lâu bền.

Thanh Long








 

,