.

Làm đẹp trường học bằng... rác

.
10:08, Thứ Năm, 15/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ những phế liệu tưởng chừng bỏ đi, như: chai nhựa, vỏ lon, ly nhựa…, cô giáo Nguyễn Thị Nga, giáo viên Trường THPT Hùng Vương (Bố Trạch) đã tái chế thành những hộp bút, đèn học, chậu hoa trang trí cho các lớp học. Không những vậy, cô còn thu gom rác thải trong trường để làm phân hữu cơ, vừa bón cho cây xanh, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Ý tưởng này vừa được trao giải nhất cuộc thi xây dựng ý tưởng, đề án thanh niên chung tay bảo vệ môi trường do Trung ương Đoàn tổ chức.

Tái chế rác để bảo vệ môi trường

Trường THPT Hùng Vương nằm ở xã miền núi Cự Nẫm nhưng khuôn viên trường khá khang trang. Ấn tượng nhất là màu xanh của cây lá, những giỏ hoa nhỏ xinh khoe sắc nối dài dọc hành lang của các lớp học. Và điều đặc biệt nằm ở chỗ những giỏ hoa này không phải được trồng trong chậu sành, chậu sứ mà là những chậu nhựa được tái chế từ chai nhựa, vỏ hộp nước mía...

Thoăn thoắt đôi tay bên những giỏ hoa xinh xắn, cô giáo Nga chia sẻ, trong quá trình giảng dạy tại trường, Nga nhận thấy lượng rác ở các lớp xả ra môi trường rất nhiều. Đa phần trong số đó là các loại rác hữu cơ khó phân hủy, như: bao nilon, vỏ bánh kẹo, chai nhựa, hộp bút, vỏ hộp đựng nước mía... Trong khi việc thu gom và xử lý chưa hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan trường học.

Từ những chai nhựa, vỏ lon phế thải, cô giáo Nga đã tái chế thành những chậu hoa xinh xắn.
Từ những chai nhựa, vỏ lon phế thải, cô giáo Nga đã tái chế thành những chậu hoa xinh xắn.

 

Bên cạnh đó, lượng rác thải tại mỗi gia đình cũng ngày một tăng, quá trình phân loại rác thải lại thiếu khoa học, những loại rác có khả năng tái sử dụng đang trộn lẫn với những loại không thể tái chế, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Với mong muốn nâng cao nhận thức của học sinh và người dân về tác hại của rác thải và giá trị của những sản phẩm được tái chế từ rác, đầu năm 2017, Nga bắt đầu thực hiện ý tưởng “Đoàn viên thanh niên Trường THPT Hùng Vương chung tay tái chế rác thải thực vật, nhựa ở trường học và gia đình” thông qua việc tái chế những chai nhựa, vỏ lon, hộp đựng nước mía.. thành những vật dụng sử dụng được. Đồng thời, Nga lập luôn kế hoạch thu gom các loại rác hữu cơ, như: lá cây, thực vật, để ủ làm phân bón cho cây xanh trong trường.

Cô Nguyễn Thị Phi Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết, nhà trường rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Lâu nay, cũng nhìn thấy các loại rác thải hàng ngày vứt ra đó, nhưng nhà trường chưa có cách nào để số rác này trở thành có ích. Sau khi nghe cô Nga trình bày ý tưởng, Ban giám hiệu nhà trường rất ủng hộ và cho triển khai ngay.

 Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn trao giải nhất cho cô giáo Nguyễn Thị Nga.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn trao giải nhất cho cô giáo Nguyễn Thị Nga.

Điểm đặc biệt của ý tưởng này là cả học sinh và giáo viên cùng làm. Lớp do Nga chủ nhiệm được huy động giúp Nga đào hố để ủ rác. Nhóm thì được giao nhiệm vụ đi gom rác thực vật (lá cây, cỏ ở các bồn hoa). Nhóm khác cùng Nga đi xin phân bò về để ủ rác. Bên cạnh đó, ba chiếc thùng lớn được đặt ở cuối dãy phòng học để gom các chai nhựa, vỏ lon. Nga và nhóm học trò cùng nhau cắt những chai nhựa này tạo thành những chiếc chậu để trồng hoa và treo thành từng hàng trước cửa lớp. Nhờ dùng chính phân hữu cơ từ hố rác để trồng nên giàn hoa độc đáo của Nga và các học trò luôn tươi xanh.

“Giàn hoa của cô giáo Nga và học trò không chỉ tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp mà điều quan trọng là các loại rác thải trong trường đã bỗng nhiên trở thành những thứ có giá trị”, cô Phượng chia sẻ.

Ý tưởng đơn giản nhưng thực tế

Ngay chính Nga cũng không nghĩ rằng ý tưởng của mình được chấm giải nhất ở một cuộc thi mang tầm quốc gia, với 185 ý tưởng cùng tranh tài. Tại buổi trao giải, ban tổ chức cho rằng có nhiều ý tưởng lớn trong cuộc thi nhưng ý tưởng của Nga đơn giản và có tính ứng dụng thực tế cao nên được chấm giải cao nhất.

Khi thực hiện Nga cũng thấy nó đơn giản thật. Bởi những chất liệu để làm nên ý tưởng ở ngay trước mắt, ai cũng có thể cầm được, nhìn được. “Có lẽ chỉ là không ai nghĩ đến việc biến thứ rác thải đơn giản này trở thành vật dụng có thể sử dụng được và sử dụng tốt”, Nga nói. Ngay khi gặp chúng tôi, Nga cũng rào đón ngay từ đầu rằng đừng thất vọng vì ý tưởng này không phải là điều gì lớn lao hay cao siêu, mà chỉ đơn giản là ai cũng có thể thực hiện được. Khi đưa ý tưởng đi dự thi Nga cũng chỉ mong nhiều người biết đến cách làm đơn giản này để thực hiện để vừa bớt đi lượng rác thải xả ra môi trường hàng ngày, vừa tạo thêm một không gian mới lạ. “Chỉ cần đơn giản mỗi trường làm mỗi hố phân từ rác hữu cơ và gom chai nhựa, vỏ lon lại làm một giàn hoa thế này, thì môi trường sẽ đỡ đi một lượng rác vô cùng lớn”, Nga nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga và nhóm học sinh đang ủ rác thải hữu cơ thành phân bón để trồng hoa.
Cô giáo Nguyễn Thị Nga và nhóm học sinh đang ủ rác thải hữu cơ thành phân bón để trồng hoa.

Để nâng cao nhận thức của học sinh trong toàn trường về tái chế rác thải và sử dụng các sản phẩm được tái chế từ rác thải, hướng tới bảo vệ môi trường sống, Nga và các thầy cô trong Ban Chấp hành Chi đoàn đã tổ chức các buổi học ngoại khóa bằng những bài giảng đa dạng, như: sử dụng tài liệu, tranh ảnh về rác thải, sơ đồ thu gom; tập trung tuyên truyền tác hại của rác thải đến môi trường... Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của học sinh để các em trở thành những tuyên truyền viên tích cực về ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Bên cạnh đó, ý tưởng tái chế rác thành đồ dùng học tập, như: hộp đựng bút, trang trí các vỏ bút với những hình thù khác nhau, đèn mini từ chai nhựa, thiết kế mẫu chậu hoa, chậu cây bằng giấy, bằng chai nhựa để trang trí ở lớp học, góc học tập ở nhà..., đã được các bậc phụ huynh nhiệt tình hưởng ứng, thực hiện tại các hộ gia đình cũng như trong các công trình, phần việc thanh niên tại cộng đồng.

“Tôi chỉ mong mỗi trường học, mỗi nhà, mỗi người đều ý thức được việc tái chế những loại rác thải sinh hoạt hàng ngày theo cách đơn giản này là đã góp phần cải thiện được rất nhiều môi trường sống của chúng ta”, cô giáo Nga bộc bạch.

Lan Chi

,