.

Cuối năm về với nhà

.
11:16, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhà ở đâu? Ở quê, ở góc làng, có người gọi tên là ở xó làng, có người gọi nhà ở chút mút làng, có người nói nhà ở giữa làng, có người gọi nhà ở đầu làng. Cuối năm về nhà là về với đất đai hương hỏa, về với miền thuốc thang, về với yêu thương, đùm bọc của nếp làng, về với gia phong dòng họ, về với nếp cũ mái xưa của gác nhà nhỏ. Nơi đó mọi thứ sần sùi, thô mộc, ngai ngái mùi của trâu bò, lợn gà, nằng nặng của ẩm ướt rơm rạ lấm sương gió, của rét ngọt bên bờ tre trĩu tiếng yêu thương...

1. Cuối năm dằng dặc bao ngày mưu sinh bên vách đời, bươn chải với eo sèo dâu bể, với ồn ào náo nhiệt của mênh mông chi khứ lại nhớ đến nhà ở quê. Ai chẳng nhớ da diết. Nhớ đến cồn cào không nói nên lời. Nhớ đến thương lạ cõi lòng.

Về nhà là về với hội hè làng xóm.
Về nhà là về với hội hè làng xóm.

Sâu trong trí nhớ, gác nhà xưa hiện lên tròn vạnh từng góc, từng cạnh, từng cột từng kèo, từng cái mạng nhện, từng viên ngói rêu xanh phủ kín, từng tiếng dế kêu giữa đêm hè, từng tiếng xào xạc ở góc vườn, từng tiếng chim sâu kêu chích chích trong kẽ lá, từng tiếng đuổi bắt của chó với gà, từng tiếng mồn một của lợn con bên máng nhỏ, từng tiếng thình thịch của ai đó cuốc đất ở bên vườn, từng tiếng dần sàng nong nia lúa gạo, từng tiếng tuốt lúa mùa vụ, từng tiếng hò trâu bò ra ruộng, từng tiếng cười vụ khoai vụ sắn, từng tiếng mồn một mùa ngô mùa lạc, từng tiếng của nương của rẫy, từng tiếng của sóng biển bên làng cát, từng tiếng í ới xa xa gần gần, từng tiếng hẹn hò sâu thẳm đâu đó, từng tiếng rượu chao chiêng bên mâm chiếu, từng tiếng eng éc của mùa làm heo đãi xóm giữa làng, từng tiếng nấc của trẻ nhỏ đòi bú, từng tiếng thương của hẹn hò, từng tiếng hát bội khe khẽ bên bờ ao, từng tiếng gàu múc nước bên ánh trăng đêm, từng tiếng vo gạo bữa xưa đến nao lòng.

Ngồi đâu trong góc phố cuối năm, đều nhớ mái nhà ở góc làng, nhớ từng ngày xưa chập chững biết đi, nhớ con cá con tôm người lớn cho trẻ nhỏ, nhớ bữa đòn roi răn dạy tiếng người. Nhớ cái chữ đầu tiên được học, nhớ góc nhà có trò chơi con nít, con chó lon ton hong mình bên bếp, chú mèo nằm trên chạn, ả gà mái quang quác trên ổ rơm đẻ trứng...

Nhớ quá mà có người thẫn thờ giữa phố xá dòng đời xuôi ngược, có người bần thần giữa đông đúc người qua, có người chảy dài nước mắt lòng hiu quạnh, có người ậng trào lên tiếng nấc thành lời bởi ám ảnh thầy bu một thuở nhọc nhằn chạy ăn từng bữa nuôi con cái lớn lên trong vô biên khó khăn...

2. Nhớ thế, nên cuối năm, làm ăn đâu, tha hương đâu, thất lạc đâu cũng cố công cách này cách khác về lại ngôi nhà của mình. Về để chèn lại liếp cửa, sửa lại mái ngói, sơn lại lớp áo mới cho căn nhà lên màu cũ xưa, quét hết lớp bồ hóng giăng bếp, dọn lớp mạng nhện giăng mắc nóc cao, đặt tay phủi bụi trên trang thờ ông bà tổ tiên, dọn lại góc vườn hoang hoải chờ đợi cả năm.

Nhà còn thầy mẹ, về được ngắm mái tóc bạc phơ của lớp thời gian vì con cái mấy chục năm chăm bẵm chúng. Về nhà ở góc làng chạm vào đất đai hương hỏa, chạm vào hồn cốt quê mùa, chạm vào nụ đoàn viên từng ao ước phía phố xá náo nhiệt.

Đi xa về thì nhà không chỉ là nhà mà nhà lúc đó là cả xóm, cả làng, cả các lối đi tắt từ nhà này sang nhà khác; nhà lúc đó là đồng làng, ao nước; nhà lúc về là bờ cây ngọn cỏ, là chiếc cầu bắc sông, là lũ trâu bò gặm cỏ, là hàng chè tàu xanh óng, là chuyến đò nhỏ vang tiếng cười trên mặt nước, là đãi đằng bước chân trên cát làng phía bờ biển Đông.

Về để chìa tay ra với xóm làng có mất mát tai ương, về để vui vầy đám cưới bạn bè trong lứa, về để hưởng phúc kỵ giỗ xóm họ, dòng tộc, về để vun lên nấm mộ bậc sinh thành lòng biết ơn. Về để biết mình có nhà, có cha mẹ, có quê hương bản quán, không thất lạc trong tâm trí, không thất lạc giữa cuộc đời dâu bể...

Cuối năm về nhà, chọn cho mình một góc ở bậc thềm, suy nghiệm về cuộc sống, lắng lại giữa tâm cuộc đời sôi nổi ngoài kia để tính toán lại cách nhập thế, tính toán lại tiềm lực, tính toán lại bao ấp ủ, bao dự định, bao yêu thương chưa thành. Về nhà như đứng giữa “tâm bão”, nơi “tâm bão” là yên tĩnh, ngoài kia náo nhiệt, ngoài kia ồn ào thì ở nhà là tĩnh tâm, tĩnh tại, về để được lắng lại, được yên bình, được thanh thản, được ngoái nhìn để tiếp bước cho tương lai, lấy sức cho ngày mai mạnh mẽ, dấn thân đầy tự tin.

Cuối năm về nhà để được nghe thầy bu, bọ mạ, tía má giáo huấn đường đời, hướng nếp gia quy, biết gốc tích tường tận họ hàng nội ngoại, dày thêm hiểu biết văn hóa ở góc làng hiền như cổ tích. Về nhà là về nơi được chao chân bến nước, về nơi chợ làng oang oang mua bán quê mùa, về nơi rau cỏ xanh sạch dưới rặng tre già, về nơi thảo dã ngàn năm cha ông gầy dựng, về nơi không gian phố thị không thể có, về nơi một tàu lá chuối có gặp cũng reo cười vẫy chào trước gió.

Về nhà là về với bản quán, với đất đai hương hỏa, về để lòng vơi đi nặng nhọc, nhẹ gánh bao bận bịu. Về để chất thêm năng lượng của lòng yêu nước ở phía làng. Về để ngắm nhìn ngàn vạn lớp người dựng ra hương thôn, đắp dày niềm tự hào làng nước.

3. Cuối năm về nhà, nếu nhà ở làng biển, lòng nhớ bao khôn xiết. Nhớ từng chiếc vảy cá, từng cái mắt lưới, từng hạt cát bên hè, từng đụn cát sau cửa sổ, từng vụn cát trước mặt, từng rú cát của làng. Nhà ở làng biển, về là miên man vô biên bao nỗi nhớ.

 Cuối năm về nhà là về với quê hương bản quán.
Cuối năm về nhà là về với quê hương bản quán.

Nhớ gánh cá làng, nhớ tấm lưới ngào lên mùi biển, nhớ con thuyền vươn khơi chắc chắn, vững chãi, nhớ bao phận đời, phận người bám biển để ra hình hài làng xóm, để ra hình hài đất nước, để ra hình hài Tổ quốc nhìn từ phía biển, để ra truyền thống làng biển xây trên cát mà không bao giờ dã tràng, mãi đắp bồi, mãi dày thêm tầng vỉa văn hóa trên cát, niềm yêu trên cát, nỗi thương trên cát, tôn kính trên cát, thiêng liêng trên cát, mưu sinh trên cát. Về nhà để nghe lời thề phía biển, từng người, từng đứa nhỏ hỏn mới sinh thành đã có lời thề trên cát.

Cát dễ vùi lấp, cát dễ chạy, cát dễ nhảy nhưng lời thề trên cát không bị cuốn theo gió mà khắc chặt trong tâm trí mỗi người, khắc sâu trong thớ thịt mỗi cuộc đời, chạm vào huyết quản từng thế hệ để di truyền cho muôn đời sau.

Lời thề góc nhà ở làng phía cát như mỏ neo kết lại từng hạt cát, kết lại từng mảnh người, kết lại từng xóm nhỏ, kết lại từng dòng họ khai canh, kết lại nhà này sang nhà khác, kết lại làng này sang làng khác, kết lại từng rú cát, kết lại từng con thuyền, kết lại từng chân sóng, kết lại cả mặt nước mênh mông biển Đông để giữ gìn bờ cõi.

Về nhà ở làng là về để nghe câu dân ca da diết, để biết tiếng hò đưa nôi, để biết điệu ru ầu ơi chưa mòn vẹt bởi cuộc đời. Về để biết lễ trọng gia tiên, để biết cách làm hành kiệu tỉ mẩn, để biết minh triết của làng lộng lẫy nhưng hiền hậu vô cùng, tự nhiên vô cùng, sâu đậm vô cùng, cuốn hút vô cùng. Nhà ở làng biển, về bữa cuối năm được nghe điệu hò mở biển, điệu hò phơi cá, điệu hò làm ruốc, điệu hò cất mắm, điệu hò đẩy thuyền trước sóng. Cuối năm về nhà, nhà bất luận ở làng nào cũng được gói ghém bánh chưng, bánh tét, về nhà để được chạm sâu vào truyền thống: Đón Tết.

Minh Phong



 

,