.
Chào mừng Đại hội Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình lần thứ V (nhiệm kỳ 2017-2022):

Vượt lên tật nguyền

Thứ Tư, 22/11/2017, 15:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều người sinh ra và lớn lên không may mắn khi cơ thể bị khuyết tật, nhưng không vì vậy mà họ buông xuôi, phó mặc cho số phận. Từ chỗ bi quan và bế tắc, họ đã vươn lên trong cuộc sống và tỏa sáng giữa đời thường.

Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, Phan Xuân Phương (sinh năm 1973) ở thôn 3, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến năm 2000, không may anh bị tai nạn chấn thương sọ não, gãy chân, phải vào Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật, bao nhiêu tiền của tích góp được của gia đình cũng theo anh đội nón ra đi. Sau 4 tháng điều trị, anh được xuất viện với toàn thân tê liệt, thỉnh thoảng lại lên cơn động kinh. “Lúc đó, tôi bi quan lắm, cứ nghĩ chết cho xong, khỏi phải khổ vợ, khổ con. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, khuyên nhủ của vợ cũng như những người thân trong gia đình nên tôi vực dậy tinh thần, vận động tập tành đi lại, từ đó sức khỏe dần khá lên. Khi có sức khỏe, không muốn vợ con khổ vì mình nữa, tôi bắt tay vào việc tập trung phát triển kinh tế...” - anh Phương bộc bạch.

Thường xuyên theo dõi trên tivi, đọc các bài báo về chuyên mục khuyến nông, chăn nuôi gia súc gia cầm, cách thức phòng và chữa bệnh. Anh Phương đã bàn với vợ vay mượn của anh em, bạn bè mua máy về ấp trứng và phát triển đàn gà. Trời không phụ công người, đến nay trong chuồng trại gia đình anh luôn duy trì 3.000 con gà trở lên, mỗi tháng xuất bán từ 600 đến 650kg gà thịt. Ngoài ra, anh còn mở rộng chăn nuôi hàng chục con bò, hàng trăm con thỏ và bồ câu. Bên cạnh chăn nuôi, anh còn đấu thầu nhận 10ha đất rừng để trồng keo, tràm... đến nay 30% diện tích keo, tràm đã cho thu hoạch. Mỗi năm từ mô hình chuồng trại, đất rừng đem lại thu nhập cho gia đình anh gần 100 triệu đồng.

Cũng như anh Phương, ông Nguyễn Tiến Văn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa sinh ra cũng bình thường như bao người khác; nhưng trong quá trình làm công nhân giao thông đường bộ, ông không may bị tai nạn và bị vẹo cột sống. Trở về địa phương với cơ thể không lành lặn, nhưng không vì thế mà ông nản chí. Sau khi lập gia đình, ông chú trọng phát triển kinh tế gia đình. Khi trong tay có được một số vốn nhỏ, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Tiến Văn, với công việc xây dựng các công trình dân dụng công nghiệp, giao thông thuỷ lợi, mua bán vật liệu xây dựng và mộc dân dụng. Từ khi công ty được thành lập đã tạo việc làm cho 20 lao động ở địa phương với mức lương thu nhập 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Vượt lên tật nguyền, anh Lê Anh Tuấn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế.
Vượt lên tật nguyền, anh Lê Anh Tuấn là tấm gương sáng về phát triển kinh tế.

Được quần chúng nhân dân tín nhiệm, ông được bầu làm đại biểu HĐND xã  hai nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 và Uỷ ban MTTQVN xã hai nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021. Năm 2015, CLB người khuyết tật xã thành lập, ông được bầu làm Chủ nhiệm.  Từ khi thành lập CLB đến nay ông đã không quản ngại khó khăn, vất vả kêu gọi sự ủng hộ cho 16 hội viên khó khăn đặc biệt vay với số tiền 116 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản và kinh doanh hàng tạp hoá, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chính quyền và nhân dân tin tưởng, yêu quý.

Còn anh Lê Anh Tuấn, ở thôn Trung Quán, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, do tuổi trẻ nghịch ngợm nên trong một lần ngã anh bị thương nhưng không cho gia đình biết, đến khi gia đình phát hiện ra thì chân anh đã không thể cứu chữa được đành phải cắt bỏ, không mặc cảm với bản thân, anh đã không ngừng học hỏi, vươn lên trong cuộc sống, tự mình nuôi sống bản thân và tích cóp được một số vốn. Và điều anh hằng mong ước đã đến, cô gái xã bên tên Trần Hồng Hạnh do cảm phục nghị lực, bản lĩnh của chàng thanh niên tật nguyền đã đem lòng yêu thương và đồng ý cùng anh nên duyên chồng vợ. Từ đây, anh Tuấn bắt đầu tính toán làm ăn lớn hơn. Anh vay vốn của gia đình để chăn nuôi lợn thịt. Ban đầu, anh chỉ nuôi thử nghiệm vài con, sau khi đã rút được kinh nghiệm, anh bắt đầu nâng dần số lượng lớn hơn. Đến nay, chuồng trại nhà anh luôn duy trì 45 con lợn thịt, anh còn kết hợp nuôi gà và trồng hơn 1.500m2 vườn rau sạch. Giờ đây, gia đình anh đã có nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ.

Ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: “Đối với người bình thường, để vươn lên trong cuộc sống đã là một điều không phải dễ. Vậy mà trong xã hội có rất nhiều người thiệt thòi bất hạnh bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường họ đã cố gắng vượt lên số phận để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ là những tấm gương sáng để người khác noi theo và học tập”.

Phạm Hà