Lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt
(QBĐT) - Nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Trước tình hình này, Công ty cổ phần đường sắt Quảng Bình đã tăng cường các giải pháp nhằm chấn chỉnh và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn.
Điểm nóng về tai nạn giao thông đường sắt
Trong thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các đường ngang, lối đi dân sinh trên địa bàn tỉnh ta có diễn biến phức tạp. Theo thống kê của ngành đường sắt, từ đầu năm 2017 đến nay, trên tuyến đường sắt đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 5 vụ tai nạn tại đường ngang và lối đi dân sinh, làm chết 2 người, 1 người bị thương; có 30 vụ tàu va, đâm trâu, bò, trong đó huyện Tuyên Hóa xảy ra 9 vụ, huyện Bố Trạch 4 vụ, huyện Quảng Ninh 4 vụ và huyện Lệ Thủy 5 vụ. Với con số này, Quảng Bình là tỉnh có số vụ tàu va đâm trâu, bò nhiều nhất trong cả nước.
Nhiều đường ngang đi qua đường sắt do người dân tự mở tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. |
Ông Lê Thanh Chương, Phó phòng Kỹ thuật- An toàn, Công ty cổ phần đường sắt Quảng Bình cho biết: Tuyến đường sắt chạy qua địa phận tỉnh ta có chiều dài khoảng 174km, đi qua 4 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã. Trong 174 km đường sắt này có 75 đường ngang qua đường sắt hợp pháp và 194 đường ngang không hợp pháp do người dân tự mở. Những lối đi dân sinh tự mở này là nơi tiềm ẩn gây nguy cơ mất an toàn rất cao.
Điển hình, vào lúc 7 giờ 20 phút ngày 3-9-2017, tại xã Cự Nẫm, Bố Trạch, tàu SE3 hành trình từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh khi chạy qua KM 491+ 837 có lối đi dân sinh tự mở đã đâm vào một máy đào do ông Hoàng Bình Sơn điều khiển đang băng qua đường ray. Vụ tai nạn khiến tài xế lái máy đào bị thương, 2 toa xe sát đầu máy bị đổ nghiêng và 1 toa tàu bị trật bánh.
Không chỉ có các vụ tai nạn xảy ra tại đường ngang dân sinh tự mở, mà ở các đường ngang hợp pháp, nhiều trường hợp tai nạn ngoài ý muốn cũng đã xảy ra. Vào lúc 20 giờ 8 phút ngày 14-8-2017, tàu SE 5 đã đâm vào một ô tô do tài xế Nguyễn Trung Trí điều khiển bị chết máy đột ngột trên đường ngang có gác chắn khiến ô tô bị hỏng nặng, còn tàu SE5 phải dừng lại sửa chữa.
Bên cạnh các vụ tai nạn đường sắt do người dân gây ra, nhiều vụ tai nạn do trâu, bò thả rông cũng đang đe dọa đến an toàn cho các chuyến tàu. Chị Trần Thị Hiền Tân, nhân viên gác chắn km 530 +750, xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh cho hay: “Đa số trâu, bò ở đây đều được người dân chăn nuôi bằng phương pháp thả rông. Vì vậy, nhiều trường hợp trâu, bò khi đến gần đường sắt đã xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc.
Đơn cử, vào ngày 27-1-2017, tại Km 529+700 thuộc địa phận xã Vĩnh Ninh, tàu SE 3 đã đâm phải một đàn bò đang đi qua đường sắt. Hậu quả 18 con bò bị chết, tàu bị hỏng vòi hãm toa xe phải dừng lại sửa chữa”. Đặc biệt, chỉ trong ngày 5-10-2017 vừa qua, đã xảy ra 3 vụ tai nạn tàu đâm phải trâu, bò tại xã Kim Hóa, Tuyên Hóa và xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn.
Giải pháp bảo đảm an toàn
Hầu hết nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian qua là do ý thức người dân chủ quan, không chịu quan sát mỗi khi qua đường có giao cắt giữa đường sắt và đường ngang. Ông Đậu Xuân Tân, nhân viên gác chắn km 531+320 xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh cho biết: “Hiện nay, ý thức chấp hành an toàn giao thông của không ít người dân vẫn còn rất kém. Ngoài những lối đi do người dân tự mở, thì ở những nơi đường ngang có gác chắn mỗi khi sắp có tàu đến gần, nhiều người vẫn cố ý nâng rào chắn để vượt qua”.
Ngoài nguyên nhân do ý thức người dân khi tham gia giao thông chưa cao thì ở các địa phương, hầu hết trâu bò đều chăn nuôi theo phương thức thả rông, không có người chăn dắt nên thường xảy ra nhiều vụ tai nạn va đâm giữa trâu, bò và tàu. Đặc biệt, hiện nay số lượng đường dân sinh tự mở còn tương đối nhiều, gây tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Nhiều người dân chăn thả trâu bò gần tuyến đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. |
Trước tình hình này, để giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, Công ty cổ phần đường sắt Quảng Bình đã tăng cường nhiều biện pháp, giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường sắt. Ông Lê Thanh Chương, Phó phòng Kỹ thuật- An toàn, Công ty cổ phần đường sắt Quảng Bình cho biết: Năm 2016, có 210 lối đi dân sinh tự mở, công ty đã xóa bỏ được 16 lối đi, hiện còn 194 lối đi.
Ngay từ đầu năm, công ty đã cắm các biển chú ý tàu hỏa tại các lối đi này, đồng thời tổ chức các đoàn làm việc với các địa phương thu hẹp rào chắn (từ 3m xuống còn 1,5 m để giảm các loại xe lưu thông) của 158 lối đi, sau đó bàn giao cho các địa phương tự quản lý. Công ty cũng đã tăng cường tổ chức kiểm tra tình trạng kỹ thuật đường ngang theo phân cấp quản lý, kiểm tra đột xuất hệ thống tuần gác và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Bên cạnh công tác lập lại trật tự an toàn tại các đường ngang dân sinh và bảo đảm an toàn kỹ thuật đường sắt, Công ty cổ phần đường sắt Quảng Bình còn tăng cường công tác tuyên truyền đối với những địa bàn thường xảy ra tai nạn và là điểm nóng về vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đường sắt, nghiêm cấm tình trạng thả rông trâu, bò trên đường sắt gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến thời gian chạy tàu...
Đ.Nguyệt