.

Tăng cường cứu hộ, cứu nạn trên biển

Thứ Ba, 26/09/2017, 08:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Sở hữu vùng ngư trường đánh bắt rộng lớn, Quảng Bình có nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú. Toàn tỉnh hiện có 5.288 tàu thuyền tham gia đánh bắt thủy hải sản trên biển, trong đó, tàu tham gia khai thác xa bờ là 1.332 chiếc với công suất từ 90CV trở lên. Do diễn biến thời tiết ngày càng thất thường, công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển đóng vai trò rất quan trọng đối với ngư dân.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc đánh bắt hải sản, để bảo đảm tính mạng và tài sản cho ngư dân khai thác trên biển, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh bám sát phương châm "Chủ động phòng tránh - Đối phó kịp thời - Khắc phục khẩn trương và có hiệu quả".

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng đã ban hành quy chế và thường xuyên phối hợp các địa phương tuyên truyền vận động ngư dân kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá trước khi ra khơi (áo phao, phao cứu sinh, đèn tín hiệu, thông tin liên lạc hoạt động tốt...); nâng cao ý thức chủ động phòng tránh thiên tai, rủi ro, hỗ trợ giúp nhau khi có sự cố trên biển; phối hợp với Đồn Biên phòng, Cảnh sát Giao thông đường thuỷ, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh khi có sự cố xảy ra; đồng thời, củng cố và phát triển tổ đoàn kết, tổ hợp tác sản xuất trên biển và nghiệp đoàn nghề cá.

Ngoài công tác tuyên truyền, Chi cục còn tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra theo định kỳ các trang thiết bị an toàn tàu cá khi ra khơi và kết hợp lồng ghép tuyên truyền công tác PCTT và TKCN trên biển cho các chủ tàu, ngư dân trong các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho ngư dân.

Qua kênh đài Trạm bờ, Chi cục thường xuyên tuyên truyền, thông báo cho các chủ tàu cá tham gia vùng biển xa biết diễn biến thời tiết khi có bão, áp thấp nhiệt đới và cập nhật thông báo đến các tàu cá khai thác trên biển khi có tai nạn xảy ra để kịp thời ứng cứu.

Lực lượng chức năng kêu gọi ngư dân chủ động neo đậu tàu thuyền khi mùa mưa bão đến.
Lực lượng chức năng kêu gọi ngư dân chủ động neo đậu tàu thuyền khi mùa mưa bão đến.

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh, từ tháng 8 năm 2016 đến tháng 8 năm 2017, trong các đợt bão vừa qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng lực lượng Kiểm ngư đã phối hợp với các ngành liên quan kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp cho 15.000 lượt tàu/80.000 lượt lao động vào bờ tránh trú, neo đậu an toàn tại các cảng, bến thuyền tránh trú bão trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, lực lượng chức năng điều động trên 700 lượt cán bộ chiến sỹ giúp nhân dân phòng chống mưa, lũ; di dời được 569 hộ/2.512 khẩu đến nơi an toàn. Trong thời gian này, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã điều động được 19 lượt tàu, ca nô tổ chức cứu nạn 13 tàu/52 ngư dân bị nạn trên biển.

Để hạn chế rủi ro cho ngư dân trên biển, ngoài việc làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật khai thác cho ngư dân được quan tâm. Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức 4 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng hạng IV cho 125 ngư dân, chứng chỉ thuyền viên cho 417 ngư dân, góp phần trang bị các kỹ năng về khai thác và đáp ứng đúng, đầy đủ chứng chỉ hoạt động cho ngư dân.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, lực lượng cứu hộ, cứu nạn trên biển phải xác định ngoài bảo vệ tàu thuyền và ngư dân trên biển còn có thêm nhiệm vụ cao cả là bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững an ninh trật tự trên vùng biển, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để ngư dân khai thác có hiệu quả nguồn lợi, thực hiện chiến lược kinh tế biển.

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng và ngư dân, nên tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn trên vùng biển tỉnh ta cơ bản giữ vững ổn định, hiệu quả kinh tế từng bước được nâng cao, công tác bảo vệ, hỗ trợ ngư dân, dự báo, cảnh báo thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên biển ngày càng được chú trọng.

Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội trên biển Đông nói chung và vùng biển tỉnh ta nói riêng đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Các hoạt động tranh chấp vi phạm chủ quyền, buôn lậu, chấn cướp, tranh chấp ngư trường, sử dụng trái phép vật liệu nổ để khai thác hải sản... ngày càng gia tăng. Trong khi đó, ý thức của ngư dân và các lực lượng hoạt động trên biển còn hạn chế.

Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị về chiến lược kinh tế biển và công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên biển chưa đầy đủ. Việc tổ chức và phối hợp các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong bảo đảm chủ quyền, an ninh trật tự vùng biển.

Hiền Phương