.

Sau bão, người nông dân còn lại gì?

Chủ Nhật, 24/09/2017, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Chỉ mới năm ngoái thôi, người nông dân Quảng Bình phải chịu một trận lũ lịch sử, thì năm nay,  bà con lại phải “gánh” thêm một trận siêu bão. Nhiều giấc mơ thoát nghèo, dự định làm giàu bỗng chốc dang dở...

Sau cơn bão dữ, đặt chân đến những vùng quê chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão, chứng kiến những khung cảnh hoang tàn, những phận người nông dân cơ cực, chúng tôi đã không thể cầm được lòng... Cuộc sống của những người nông dân vùng bão lũ thật quá mong manh trước sự tàn phá của thiên tai...

Xác xơ rau sạch

Hai năm trước, vợ chồng anh Lê Đình Quả và chị Lê Thanh Thủy đã từ bỏ công việc Nhà nước, bán nhà ở phố về Bố Trạch, Quảng Bình mua đất trồng rau sạch. Từ bỏ một công việc với nhiều cơ hội thăng tiến để về quê làm “nông dân”, anh Quả và chị Thủy muốn thực hiện một ước mơ cháy bỏng là cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh nguồn rau sạch hữu cơ an toàn.

Nhiều nhà lưới trồng rau sạch tan hoang sau bão.
Nhiều nhà lưới trồng rau sạch tan hoang sau bão.

Vốn là những người con miền Trung, quá hiểu về sự khắc nghiệt của nắng gió mưa bão nơi đây, anh Quả và chị Thủy đã lường được những khó khăn thời tiết. Thế nhưng, anh chị cũng không ngờ được sức công phá khủng khiếp của cơn bão số 10. Chỉ trong vòng 3 giờ  đồng hồ quần thảo, toàn bộ trang trại rộng hơn 2ha của anh chị đã bị san bằng.

Chị Thủy kể: “Sáng ngày 14-9, trang trại vẫn đón gần 100 học sinh và phụ huynh đến tham quan, học tập. Nhưng đến hết buổi sáng ngày 15-9, cơn bão số 10 đã cuốn bay toàn bộ rau xanh, cao su, nhà lán. Bao nhiêu công sức, mồ hôi cùng những dự định, ước mơ trong phút chốc tan thành mây khói.”

Cùng làm nông nghiệp, cùng ước mơ đưa những nông sản sạch đến với người tiêu dùng, nhưng sau cơn bão, chị Nguyễn Thị Phương Lan, chủ vườn rau sạch ở Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) cũng không thể tin vào mắt mình khi nhìn cảnh hoang tàn của nhà vườn vào sáng ngày 15-9. Toàn bộ hệ thống nhà lưới, những luống dưa hấu đang cho thu hoạch, những dàn mướp đắng.... chỉ còn trơ lại thân cây xơ xác.

Chị tâm sự: “Vẫn biết bão qua đi, khó khăn sẽ ở lại. Nhưng nó quá khủng khiếp so với sức tưởng tượng của tôi. Bao hy vọng cho vụ rau đông – xuân sắp tới và những thử nghiệm khi trồng các loại rau sạch trong nhà lưới đã tan cùng cơn bão. Biết bao giờ thì những người nông dân như tôi mới có đủ tích lũy để dựng lại căn nhà lưới, hoàn thành ước mơ rau sạch trên vùng cát Quảng Bình”.

Nước mắt “vàng trắng”

Sau “siêu bão” số 10, có lẽ, những người nông dân trồng cao su chịu thiệt hại nặng nề nhất. Loài cây một thời được xem là “vàng trắng”, là “nữ hoàng” vùng đồi đã cho người nông dân ở đây thu nhập khá cao và ổn định nhưng cũng rất dễ gãy. Tuy nhiên, “vàng trắng” lại ở trên vùng đất lắm bão giông, thân lại dễ gãy nên chủ nhân của nó luôn trong tâm thế “đánh bạc với trời”.

Đã mấy ngày bão dữ đi qua, chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Trung Định, xã Phú Định, huyện Bố Trạch vẫn không nuốt nổi cơm. Cả khu rừng cao su rộng 2 ha của chị mới hôm qua đang còn xanh mướt, là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình, thế mà cơn bão dữ đã làm gãy từng vạt lớn. Tiếc của, tiếc công sức bao năm chắt chiu chăm sóc vườn cây vừa mới khai thác mủ, phút chốc bị bão đánh sập, chị Hiền cứ ra vườn đứng tần ngần dưới gốc cao su mà không biết làm gì.

Chị Hiền nói trong nước mắt: “Mất hết rồi, mất hết sạch rồi. Tiền bạc, công sức bao năm chăm sóc vườn cây, giờ bão đã làm đổ gãy hết rồi. Cao su đổ gãy, khoản nợ vay ngân hàng để trồng, chăm sóc cây trong nhiều năm qua không biết lấy từ đâu để trả...”

Chị Hiền kể, những năm trước, cùng với người dân vùng gò đồi xã Phú Định, vợ chồng chị chọn cây cao su trồng cho diện tích 2 ha đất gò đồi của mình với nhiều hy vọng. Đến năm 2012, sau gần 7 năm chắt chiu vay mượn trồng và chăm sóc, gia đình chị Hiền đã có một nguồn thu lớn từ vườn cây cao su với số tiền mỗi ngày hơn 1 triệu đồng. Khó có thể nói hết niềm vui của chị Hiền trong thời điểm đó.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, tháng 10 năm 2013, một cơn bão lớn đã quét qua xã Phú Định làm gãy đổ phần lớn diện tích cây cao su của  gia đình chị. Không nản lòng trước sự tàn phá của bão, gia đình chị Hiền tiếp tục đầu tư phục hồi, chăm sóc vườn cây. Thế mà, giờ đây cơn bão số 10 lại xô đổ vườn cây cao su của chị một lần nữa, đẩy gia đình chị vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Không riêng gì gia đình chị Hiền, hàng ngàn hộ nông dân trồng cao su ở các vùng gò đồi các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Tuyên Hóa... sau cơn bão dữ đều có chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Hữu Sâm ở xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) phải mất gần 7 năm, tốn hàng trăm triệu đồng để trồng và chăm sóc được 1 ha cao su đến kỳ khai thác mủ. Thế nhưng, cũng chưa đầy 3 tiếng đồng hồ quần thảo, cơn bão dữ cũng đã cuốn bay toàn bộ vườn cây của ông Sâm, cắt đứt nguồn thu nhập chính của gia đình...

“Đẩy” người nông dân đến cái nghèo

Không chỉ những người trồng cao su, nhiều năm làm báo, tôi nhận ra rằng, cứ qua mỗi cơn thiên tai bão lũ, chính  nông dân là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Anh Nguyễn Bình San ở xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới, một thời được mệnh danh là “vua gà”. Bởi, anh là người chăn nuôi gà giỏi, có trong tay cả tỷ đồng.

 Vườn cây cao su của chị Hiền tan hoang sau bão số 10.
Vườn cây cao su của chị Hiền tan hoang sau bão số 10.

Thế nhưng, trận lũ lịch sử tháng 10 năm 2016 đã đẩy anh vào cảnh trắng tay khi cuốn trôi toàn bộ trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh. Vốn là một người nông dân cần cù, không chịu khuất phục cái nghèo, một năm qua, anh San đã nỗ lực vay mượn gây dựng lại đàn gà... Thế mà cơn bão số 10 lại làm cho đàn gà hơn 2.000 con của anh San bị chết. Thiên tai có thể đẩy một người nông dân đang là tỷ phú, triệu phú trở thành tay trắng chỉ sau một đêm... 

Chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Bình, một lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tâm sự: “Nhìn trên bình diện chung, bà con nông dân vẫn là những người có thu nhập thấp nhất trong xã hội. Ngoài những tài sản bị thiệt hại ngoài ruộng đồng, trang trại, những nếp nhà của người nông dân ít được xây dựng kiên cố, nên những lần có bão, lũ thường bị đẩy sập, cuốn trôi, ngập úng... Những lần như vậy, người nông dân rất dễ bị thiên tai đẩy đến cái nghèo...”

Trên thực tế, sau cơn bão số 10, phần lớn những ngôi nhà bị sập, hư hỏng nặng lại rơi vào trường hợp người nông dân nghèo. Nhiều năm qua, cuộc sống của 6 con người trong gia đình anh Hà Công Thuật và chị Hà Thị Hài ở thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh trong vào mấy sào ruộng ít ỏi. Những lúc nông nhàn, vợ chồng anh chị phải làm thêm đủ nghề mới trang trải được cuộc sống.

Thế nhưng, năm ngoái, trong một lần đi làm thợ về, anh Thuật bị tai nạn giao thông, thương tật không làm gì được. Đã thế, ngôi nhà vốn đã xuống cấp của anh chị lại bị bão làm tốc mái. Bão đã đi qua mấy ngày, nhưng ngôi nhà của anh chị vẫn trống hoác vì chưa được lợp lại mái ngói, bởi đối với gia đình anh chị, đó là cả một khoản tiền lớn... Những ngày sau cơn bão số 10, nhiều làng quê vốn đã nghèo, nay còn nghèo hơn khi cơn bão dữ đi qua.

Phan Phương