.

Các địa phương triển khai ứng phó với bão số 10

Thứ Năm, 14/09/2017, 16:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước dự báo cơn bão số 10 dự kiến sẽ đổ bộ vào Quảng Bình, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

. Bố Trạch: Để chủ động phòng, chống bão, UBND huyện Bố Trạch đã có công điện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các phòng ban, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung cụ thể nhằm chủ động ứng phó.

Các tàu, thuyền đã vào khu neo đậu an toàn.
Các tàu, thuyền đã vào khu neo đậu an toàn.

UBND các xã, thị trấn đã thông báo rộng rãi diễn biến tình hình mưa bão cho toàn thể nhân dân biết để chủ động đối phó trên cơ sở bám sát phương án phòng chống lụt bão năm 2017 với phương châm “4 tại chỗ” đã được phê duyệt.

Cùng với đó, các địa phương, phòng, ban của huyện đã chủ động tổ chức đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão trực tiếp tại nhiều xã, thị trấn. Lập danh sách, rà soát các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, để có phương án di dời khi có tình huống khẩn cấp. Sẵn sàng triển khai các phương án bảo đảm an toàn về người và tài sản tại khu vực du lịch ven biển, các hồ nuôi thủy sản và tại những vùng thường xuyên bị ngập lụt…

Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch, đến 9h40phút ngày 14-9, toàn huyện có 1.245 tàu, thuyền với 3.638 lao động đã vào bờ và neo đậu an toàn tại các khu neo đậu trên địa bàn tỉnh; còn 50 thuyền (Đức Trạch 30 thuyền, Hải Trạch 17 thuyền, Nhân Trạch 2 thuyền, Thanh Trạch 1 thuyền) và 350 lao động đang trên đường vào bờ, dự kiến đến chiều cùng ngày sẽ cập bến an toàn.

Lê Mai

. Thị xã Ba Đồn:  Tính đến 14 giờ ngày 14-9, có 421/428 tàu thuyền và các phương tiện vận tải hoạt động trên biển của thị xã Ba Đồn đã về nơi neo đậu và trú bão an toàn tại địa phương và các tỉnh bạn; 7 tàu thuyền còn lại đã nắm được thông tin về bão số 10 và đang khẩn trương di chuyển vào bờ để tránh, trú.

UBND thị xã cũng đã cử cán bộ nắm tình hình thực tế tại các địa phương và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại các công trình trọng điểm và vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tại các xã, phường, chính quyền địa phương đang theo dõi chặt chẽ diến biến của bão và cảnh báo cho nhân dân sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó. Đối với những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét, chính quyền địa phương đã chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ” và tập trung vận động người dân di chuyển lên vùng cao ráo, an toàn để tránh trú.

Qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, hiện nay, mọi người dân trên địa bàn thị xã đã nắm bắt được diễn biến và những thông tin mới nhất của bão số 10 để chủ động phòng tránh an toàn.

Hiền Chi

. Quảng Ninh: Chiều 14-9, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, huyện đã khẩn trương triển khai các phương án nhằm ứng phó với diễn biến của bão số 10 trên toàn địa bàn.

Ngư dân xã Hải Ninh đã neo đậu tàu thuyền lên bờ an toàn.
Ngư dân xã Hải Ninh đã neo đậu tàu thuyền lên bờ an toàn.
Huyện đã tổ chức đoàn đến kiểm tra và yêu cầu các chủ đầu tư dừng triển khai xây dựng công trình đang thi công nâng cấp, sửa chữa. Tại các hồ đập, huyện cũng đã chỉ đạo xả nước trước khi mưa bão đến. Kiểm tra các bến bãi đỗ thuyền bè ở Hải Ninh và Chợ Gộ (Vĩnh Ninh), đoàn kiểm tra của huyện cho biết, đến nay, 100% tàu thuyền của người dân Hải Ninh đã lên bờ an toàn; thuyền đánh cá của các địa phương cũng đang tiếp tục về trú ẩn tại khu neo đậu Chợ Gộ.
 
Hiện, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức trực 24/24 giờ; riêng UBND xã Vĩnh Ninh cũng có phương án ứng cứu sự cố hồ Trôốc Trâu. Các cơ quan chức năng đã tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông trực tại các điểm, khu vực bị ngập, các bến đò ngang, đò dọc ven sông để hướng dẫn người, phương tiện qua lại; kịp thời xử lý các tình huống bảo đảm giao thông thông suốt. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, hướng dẫn người dân trên địa bàn bảo vệ an toàn cho vật nuôi, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
 
Đặc biệt, huyện đã có phương án di dời dân để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân đối với các địa phương thường bị ngập khi mưa bão xảy ra, những vùng có nguy cơ sạt lở bờ sông, cửa sông, những vùng thường xảy ra lũ quét, lũ ống, vùng có một số hộ dân đang sinh sống chưa có nhà kiên cố...
H.Trà

. TP Đồng Hới: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, sáng 14-9, UBND TP. Đồng Hới đã họp triển khai phương án phòng chống lụt bão do đồng chí Hoàng Đình Thắng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố chủ trì.

Đoàn của đồng chí Hoàng Đình Thắng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố kiểm tra công tác phòng chống bão tại hồ chứa nước Phú Vinh.
Lãnh đạo TP. Đồng Hới kiểm tra công tác phòng chống bão tại hồ chứa nước Phú Vinh.

Thông qua các báo cáo nhanh của phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, phường cho thấy, hiện nay thành phố đang khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng chống bão. Đồng Hới đã kêu gọi được 100% tàu thuyền vào tránh trú bão và neo đậu an toàn tại các khu neo đậu trên địa bàn tỉnh và ở các tỉnh thành khác như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi…; cán bộ và nhân dân các xã, phường tích cực chằng chống nhà cửa, trụ sở cơ quan, kho tàng và các công trình xung yếu của thành phố; kiểm tra và chống đỡ hệ thống đường dây và các cột điện, hệ thống cây xanh có nguy cơ ngã, đổ; các trường học mầm non chủ động cho học sinh nghỉ học từ ngày 15-9 nhằm đảm bảo an toàn; có phương án chủ động phòng chống và di dời đối với những hộ dân ở vùng cửa sông, ven biển và các hộ dân có nhà cấp 4 không đảm bảo an toàn, vùng thường xuyên ngập lụt đến nơi an toàn...

Tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Đình Thắng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố nhấn mạnh: nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là cần nâng cao công tác tuyên truyền, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ, thông tin kịp thời đến từng người dân để chủ động các phương án phòng tránh; kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi và khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, bố trí vị trí neo đậu an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và phương tiện khi neo đậu; chỉ đạo nhân dân thu hoạch các diện tích lúa và hoa màu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; các doanh nghiệp và hộ dân nuôi trồng thủy sản chủ động thu hoạch trước mưa bão, đồng thời có biện pháp bảo vệ các lồng, bè và diện tích thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch; tổ chức rà soát và sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và người dân trên phương tiện lồng bè, vùng nuôi trồng thủy sản; đối với hồ đập, hồ chứa nước và công trình cần đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Các đơn vị địa phương trên địa bàn tăng cường phương châm “4 tại chỗ”, trong đó, bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu, nhất là các vị trí xung yếu; tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố và đình chỉ ngay các cuộc họp và các công việc chưa thực sự cấp bách để tập trung cho công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và triển khai các phương án ứng phó với bão số 10...

Ngay trong sáng 14-9, để chủ động ứng phó với cơn bão số 10, UBND TP. Đồng Hới đã ban hành Công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các xã, phường, trưởng các cơ quan, đơn vị thành phố chủ động ứng phó để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.

Chiều cùng ngày, TP. Đồng Hới đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại một số xã, phường và một số vị trí xung yếu trên địa bàn như: đê sông Mỹ Cương, hồ chứa nước Phú Vinh, đường tránh lũ tại Đồng Sơn...

N.L