.

Bố Trạch vực dậy sau bão

Thứ Năm, 21/09/2017, 08:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Bão số 10 đã gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch. Hàng ngàn diện tích cao su, keo lá tràm bị gãy đổ, bật gốc, rau màu bị vùi dập, ao cá bị cuốn trôi… Hiện nay, tại các địa phương, chính quyền và người dân đang khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão với hy vọng “còn nước, còn tát”.

Trồng cây chưa ngày hái “quả”

Chúng tôi về xã Nam Trạch, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của cơn bão số 10 vừa qua. Dẫn chúng tôi ra ruộng mía hơn 1 ha của mình, anh Hoàng Xuân Đại (thôn Sao Sa) buồn bã nói: “Giờ đi đâu chứ ra ruộng mía là tôi lại buồn. Toàn bộ 1 ha mía mới trồng hơn hai tháng đã bị cơn bão xô ngã, gãy đôi gần hết”.

Anh Đại cho biết, vụ mía này nếu chưa kể tiền công bỏ ra thì riêng tiền phân bón, gia đình anh đã đầu tư 30 triệu đồng. Vậy nhưng, chỉ sau vài tiếng đồng hồ khi cơn bão đi qua, bao nhiêu công sức, tiền của gần như đổ xuống sông, xuống biển. Không chỉ có ruộng mía bị hư hỏng, 0,5 ha sắn sắp đến ngày thu hoạch của gia đình anh Đại cũng bị bão đánh bật gốc, củ trồi cả lên mặt đất, 500 gốc cao su cũng bị đánh gãy.

Cũng tại ruộng sắn thuộc thôn Sao Sa, giữa cái nắng oi bức ban trưa, chúng tôi thấy ông Nguyễn Hữu Túy đang ra xem lại vườn sắn bị ngã đổ của mình, lau vội mồ hôi đang chảy trên má, ông Túy than thở: “0,5 ha sắn của gia đình đã đến kỳ thu hoạch, cách đây mấy ngày, vợ chồng tôi đã tính kêu người đến nhổ bán và lên kế hoạch đầu tư cho vụ mới. Vậy mà chưa kịp bán thì bão đến, cả ruộng sắn gần như bị phá hỏng. Giờ mà không kịp bán sắn, sắn hỏng, cả nhà tôi không biết phải làm gì để trang trải mọi sinh hoạt”.

Nam Trạch là xã có diện tích trồng mía và sắn lớn của huyện Bố Trạch. Theo quan sát của chúng tôi, không chỉ gia đình anh Đại, ông Túy bị thiệt hại nặng, rất nhiều hộ dân trồng sắn, trồng mía nơi đây đang phải gánh chịu tổn thất nặng nề do bão số 10 gây ra. Theo thống kê của UBND xã Nam Trạch, diện tích sắn bị thiệt hại là 350 ha/ 377 ha; mía là khoảng 22 ha/43 ha, nhiều cây trồng khác, như: ngô, cao su cũng bị thiệt hại nặng.

Thị trấn nông trường Việt Trung, địa phương có diện tích trồng cao su lớn nhất huyện Bố Trạch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thị Ánh Ngọc, tổ dân phố Quyết Tiến, cho biết: “Gia đình tôi trồng được 1.500 cây cao su (3 ha) hiện được khoảng 9 năm tuổi. Sau cơn bão số 10 năm 2013, gia đình đã phải vay tiền để thuê người dựng lại những cây cao su bị ngã.

Nhiều diện tích mía ở xã Nam Trạch bị hư hỏng.
Nhiều diện tích mía ở xã Nam Trạch bị hư hỏng.

Sau gần 4 năm, cây cao su phát triển khỏe mạnh trở lại, giá mủ cũng được tăng lên đáng kể để người trồng cao su chúng tôi có chút lời khi thu hoạch. Hết mùa thay lá, gia đình tôi tranh thủ cạo mủ để trả nợ tiền vốn đầu tư. Mới được 2 tháng thì bão số 10 ấp đến, xóa sổ 1.000 gốc cao su. Giờ gia đình tôi xem như trắng tay”. Không chỉ bị thiệt hại về cao su, gia đình chị Ngọc còn bị gãy 1 ha keo lá tràm 3 năm tuổi, nhiều cây ăn quả khác và hồ cá bị trôi.

Ông Nguyễn Đức Phong, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết: “Toàn thị trấn có 1.475ha trồng cao su. Sau cơn bão số 10, 70% diện tích đã bị gãy đổ, bật gốc. Hiện, công tác kiểm tra, khắc phục đang gặp nhiều khó khăn bởi đường vào vườn cao su bị tắc nghẽn do số lượng cây gãy quá nhiều, công cụ hỗ trợ khắc phục chưa đáp ứng đủ cho các hộ dân”.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, thiệt hại nặng nhất trong sản xuất nông nghiệp của huyện sau bão số 10 là cao su và sắn. Cụ thể, diện tích cao su bị gãy đổ của toàn huyện là 6.200 ha, ước tính thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng; diện tích sắn bị thiệt hại là 3.500 ha, thất thu trên 77 tỷ đồng. Bên cạnh đó, rừng trồng thiệt hại 14.970 ha; cây ăn quả 500 ha; tiêu 100 ha; gia súc chết 927 con; gia cầm chết 127.680 con.

Tập trung khắc phục khó khăn

Cơn bão số 10 đi qua đã để lại những thiệt hại, hậu quả nặng nề cho người dân, đặc biệt là nông dân. Tuy vậy, với phẩm chất của con người miền Trung đã quen “một nắng, hai sương”, chịu thương, chịu khó, luôn biết vượt lên khó khăn, những ngày này, chính quyền cùng nông dân toàn huyện Bố Trạch nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, để ổn định cuộc sống.

Với suy nghĩ “còn nước, còn tát”, anh  Hoàng Xuân Đại, cho hay: “Mấy ngày nay, vợ chồng tôi đang tập trung dựng lại 500 gốc cao su. Vợ chồng tôi đang tính một hai ngày nữa sẽ ra ruộng dựng lại những diện tích mía bị bão xô ngã và cắt bớt lá để cây mía có hi vọng tái sinh lần hai”.

Cũng giống anh Đại, chị Ánh Ngọc chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 gia đình tôi bị bão tàn phá nặng nề như thế này. Vợ chồng tôi cũng buồn và kiệt sức rồi, nhưng giờ không tự mình vực dậy thì gia đình không biết sống dựa vào đâu. Đánh liều vay mượn tiền để thuê người, máy móc dựng lại vườn cây, may ra chúng tôi còn hi vọng”. Cũng theo chị Ngọc, cây cao su cần phải được dựng lại sớm, vì rễ cây rất nhanh khô, đặc biệt với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nếu không làm kịp sẽ không còn cơ hội cứu cây.

Trước những thiệt hại mà cơn bão số 10 gây ra, ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho biết: “Hiện tại, xã đang động viên và chỉ đạo nông dân tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 10 gây ra. Đối với cây mía, xã đang chủ trương kêu gọi bà con tiến hành dựng lại cây bị ngã và cắt phần thân bị gãy, đổ sau đó bón phân để cây phát triển đâm chồi trở lại. Riêng với cây sắn, xã đang liên hệ với nhà máy sản xuất tinh bột sắn đến thu mua cho bà con với giá hợp lý nhất. Sau khi bà con thu dọn xong sẽ chỉ đạo triển khai trồng lại vụ mới”.  

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết: “Ngay sau khi hết bão, chúng tôi đã khẩn trương rà soát, nắm bắt tình hình thiệt hại của người dân và có hướng chỉ đạo khắc phục các cây trồng. Đặc biệt, đối với cây cao su, cây trồng chủ lực có giá trị lớn của huyện, chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể cho từng mức độ gãy đổ của cây để đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả.

Để giải quyết khâu tiêu thụ sắn cho nông dân, nhất là các vùng trồng sắn có nguy cơ bị ngập lụt và diện tích bị ảnh hưởng sau bão, UBND huyện đã có công văn đề nghị Công ty CP Focover Quảng Bình và Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Long Giang Thịnh có chính sách ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi thu mua kịp thời cho nông dân trồng sắn trên địa bàn huyện Bố Trạch...”.

Lê Mai-Đoàn Nguyệt