.

Để thanh niên chậm tiến hòa nhập cộng đồng

Thứ Sáu, 28/07/2017, 14:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Thanh niên chậm tiến, thanh niên vi phạm pháp luật là gánh nặng của gia đình và là nỗi lo chung của toàn xã hội. Tiếp cận, giáo dục, cảm hóa thanh niên chậm tiến là việc làm khó, nhưng các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã có những cách làm hiệu quả, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.

Đồng hành cùng thanh niên chậm tiến

Hiện nay, tình trạng phạm tội trong thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Đặc biệt, một số thanh niên sau khi chấp hành xong án phạt tù lại tiếp tục quay về con đường phạm pháp do bị xã hội phân biệt, kỳ thị. Trước thực tế đó, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh đoàn xác định công tác tiếp cận, hướng nghiệp, dạy nghề, giúp đỡ và tạo cơ hội cho thanh niên chậm tiến được tái hòa nhập cộng đồng là rất quan trọng. Vì vậy, BTV Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm pháp luật, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức để thanh thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật và để cộng đồng chia sẻ với đối tượng này, nhất là những thanh niên mới  mãn hạn tù trở về địa phương.

Để công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến đạt hiệu quả, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, lực lượng Công an tiến hành khảo sát, phân loại thanh niên chậm tiến ở mỗi địa phương. Cùng với đó, mỗi Đoàn cơ sở đảm nhận cảm hóa, giúp đỡ ít nhất 1 thanh thiếu niên chậm tiến thành công dân tốt, tích cực tham gia các phong trào Đoàn, hoạt động xã hội tại cộng đồng.

Mặt khác, Hội LHTN Việt Nam tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với Trại giam Đồng Sơn tổ chức chương trình giao lưu, chia sẻ với các phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, qua đó giúp các phạm nhân tự tin hơn, tránh mặc cảm với quá khứ để yên tâm cải tạo tốt, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và làm lại cuộc đời.

Xác định, việc làm chính là “con đường sáng” để giúp đỡ thanh niên chậm tiến tái hòa nhập với cộng đồng, BTV Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên tổ chức tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm cho hàng trăm thanh thiếu niên mới ra tù trở về địa phương.

Bên cạnh đó, các cơ sở Đoàn, Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như: thăm hỏi, động viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của gia đình và thanh niên sau khi ra tù; lồng ghép với các buổi sinh hoạt Đoàn là các hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng... từ đó, giúp họ cảm nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của xã hội và trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong các hoạt động truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội.

Đoàn Thanh niên và Công an tỉnh ký kết phối hợp phòng chống tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên.
Đoàn Thanh niên và Công an tỉnh ký kết phối hợp phòng chống tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên.

Hiệu quả từ sự quan tâm

Theo số liệu thống kê từ Tỉnh đoàn, năm 2016, toàn tỉnh có 217 thanh niên chậm tiến và thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật. Hiện tại, các cấp bộ Đoàn vẫn duy trì hiệu quả 150 mô hình, câu lạc bộ (CLB) giúp đỡ thanh niên chậm tiến, như: CLB “Thanh niên tình nguyện phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội”, “Hạnh phúc gia đình trẻ”, “Tuyên truyền pháp luật và phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Dân số - sức khỏe sinh sản”, “Đội kỹ năng sống phòng, chống HIV/AIDS”, “Làng không ma túy”...

Các cấp bộ Đoàn đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác giáo dục, cảm hóa thanh niên chậm tiến tái hòa nhập cộng đồng ở địa phương. Tiêu biểu như Xã đoàn Duy Ninh đã phối hợp Công an xã giáo dục, cảm hóa thành công hàng chục thanh niên lạc lối.

Anh Lê Văn Đặng, Bí thư Xã đoàn Duy Ninh cho biết, những thanh niên này đa phần là thanh thiếu niên bỏ học, tụ tập lêu lổng, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, trong đó đáng chú ý là trường hợp anh P.M N. Với bản tính ham chơi, lười học, P.M.N đã nhiều lần lấy trộm điện thoại, xe đạp của bà con đem bán để mua thuốc và chơi điện tử. Không những vậy, anh còn nhiều lần quậy phá trong gia đình gây mất an ninh trật tự. Nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội của anh N, lực lượng Công an xã và Đoàn Thanh niên xã Duy Ninh đã cùng với gia đình gần gũi động viên, giúp đỡ anh tiến bộ; đồng thời lập sổ theo dõi giữa gia đình và nhóm công tác để phản ánh thường xuyên những chuyển biến tâm lý, ý thức chấp hành của anh N., từ đó có những biện pháp giáo dục, quản lý hiệu quả. Sau một thời gian được sự quan tâm, chia sẻ, động viên của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương, anh N. đã nhận ra sai lầm và từng bước thay đổi suy nghĩ đến hành động. Hiện nay, anh đang làm việc tại một cơ sở hàn xì ở thị trấn Quán Hàu với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Chị Lê Thị Hồng, Trưởng ban Tuyên giáo, Tỉnh đoàn cho biết, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến là việc làm khó và là một quá trình lâu dài. Bên cạnh những tín hiệu vui thì trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến còn gặp một số khó khăn nhất định. Nguồn vốn để cho vay, hỗ trợ thanh thiếu niên phát triển kinh tế còn ít; một số ngành nghề được đào tạo không phù hợp với địa phương sinh sống; doanh nghiệp trên địa bàn chưa tạo điều kiện để thanh niên có việc làm...

Vì vậy, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục duy trì tốt hoạt động các mô hình, câu lạc bộ nhằm cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến có hiệu quả, đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp mới, chú trọng đến các đối tượng có nguy cơ phạm tội; đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên sau cảm hóa; biểu dương, khen thưởng những mô hình, cách làm hay, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác cảm hóa, giúp đỡ thanh niên chậm tiến. Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức đoàn thì vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Vì vậy, các gia đình cần quan tâm, nhắc nhở, động viên để con em mình không sống cách biệt và không tái phạm trở lại.

L.C-L.Q