.

Ngôi nhà chung ấm tình người

Thứ Năm, 22/06/2017, 08:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Là ngôi nhà chung của trẻ mồ côi, người tàn tật và người già không nơi nương tựa, thời gian gần đây, Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có nhiều đổi thay tích cực. Một trong những đổi thay đó chính là trung tâm đã tổ chức trồng rau, chăn nuôi gà, lợn với sự tham gia của các thành viên. Những việc làm tuy nhỏ nhưng vừa góp phần cải thiện bữa ăn cho các thành viên, vừa tạo không gian thân thiện, ấm áp tình thân cho những số phận gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống.

Trung tâm Bảo trợ xã hội hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 43 người, gồm 16 người già, 2 người tàn tật và 24 trẻ mồ côi. Với mức tiền ăn là 810.000 đồng/người/tháng, lãnh đạo trung tâm và đội ngũ nhân viên bếp ăn phải luôn tính toán để bảo đảm bữa ăn cho mọi người được tươm tất khi các đối tượng ở đây đều cần được chăm sóc đặc biệt. Trung tâm đã nỗ lực huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh để cải thiện bữa ăn. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức tốt việc chăn nuôi, trồng trọt trong khuôn viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn và tạo niềm vui cho các đối tượng, nhất là những người già.

Có mặt tại trung tâm vào chiều cuối tuần, chúng tôi bắt gặp hình ảnh các cụ già chăm chỉ thu hoạch các loại rau, làm cỏ và tưới cây. Trên diện tích đất khiêm tốn chỉ khoảng vài trăm mét vuông, các loại rau muống, mồng tơi, khoai lang... đang phát triển xanh tốt. Sáng sớm tinh mơ và chiều muộn, không khí vườn rau rộn ràng hẳn lên khi các cháu học sinh thay nhau tưới cây, người già cần mẫn cuốc xới.

Bà Trần Thị Lộc, 71 tuổi và ông Lê Văn Nuôi, 77 tuổi, là những cựu thanh niên xung phong. Họ được tiếp nhận về trung tâm từ năm 2015. Trước đó, họ được anh Trần Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP đón về và chăm sóc trong ngôi nhà của anh tại xã Thuận Đức cùng với một số cựu TNXP khác. Sau khi anh Sơn mất, bà Lộc và ông Nuôi được trung tâm đón về. Họ đều là những người đã có nhiều cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, nhưng cuộc sống riêng tư gặp nhiều bất hạnh, cuối đời không người chăm nom, săn sóc.

Các cụ già ở Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc vườn rau...
Các cụ già ở Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc vườn rau...

Dù sức khỏe hạn chế, nhưng bà Lộc vẫn thoăn thoắt làm cỏ vừa "khoe": “Từ khi có vườn rau, tôi và các ông bà già ở đây thấy vui hơn. Làm vườn, chăm sóc cây cỏ là công việc hợp với người già vì vận động vừa phải. Vừa làm vừa nói chuyện, ngắm bọn trẻ tưới cây, tôi thấy trung tâm giống như nhà mình. Vừa vui lại vừa có rau sạch để ăn, ai cũng ưng!". Ông Nuôi hiền lành, ít nói, đôi tay ông nhiều năm trước bị bệnh thần kinh, co quắp khó cử động, nhưng giờ đây đã đỡ nhiều. Ông là một trong những thành viên tích cực chăm vườn rau. Vừa làm, họ vừa rủ rỉ trò chuyện, bàn mai mốt sẽ trồng tiếp đậu cô ve, bí đao, bí đỏ, dưa chuột... để mọi người có thêm nhiều món ngon. Rau trồng nhiều thì thu hoạch rồi mang bán để mua bánh trái, đường sữa cho mọi người...

Cùng với vườn rau, trung tâm còn nuôi lợn lấy thịt và nuôi gà lấy thịt, đẻ trứng. Bà Lộc, ngoài tham gia chăm nom vườn rau còn cùng với bà Nguyễn Thị Hợi, 68 tuổi, nuôi một đàn lợn. Rau già thì dùng cho lợn, gà. Đàn lợn vừa thoáng thấy bóng dáng quen thuộc của hai bà cùng rổ rau khoai xanh tốt nhộn nhạo hẳn lên. Bà Lộc cho biết, tháng trước mới xuất chuồng hai con lợn. Lợn được mổ thịt và chế biến nhiều món ngon cho mọi người trong trung tâm liên hoan, ngoài ra còn được bán cho cán bộ, nhân viên trung tâm. Ai cũng vui vì vừa có việc làm, đỡ buồn tay buồn chân lại có thêm đồ ăn ngon và bổ dưỡng!

Và không chỉ có các cụ già, một thành viên mới của trung tâm là Hoàng Thị Lĩnh (26 tuổi, phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới), mới vào trung tâm gần một tuần, đã nhanh chóng gắn bó với môi trường mới. Bố mẹ mất vào năm 2011, hai em gái của Lĩnh là Hoàng Thị Liên (sinh năm 1998) và Hoàng Thị Lụa (sinh năm 2004) được trung tâm đón về nuôi từ năm 2011. Riêng Lĩnh, thời gian gần đây có các dấu hiệu nghiêm trọng về sức khỏe, không thể sống một mình được nên xin vào trung tâm. Lĩnh tâm sự: "Vào đây, em thấy vui và yên tâm hơn khi được sống cùng em gái út. Em gái giữa của em thì được đi học đại học rồi. Mọi người ở đây ai cũng đều có những chuyện buồn nhưng có nhiều người sống chung, nhiều việc để làm nên bớt buồn hơn!". Vừa tưới rau, Lĩnh vừa khoe chỗ nọ, chỗ kia nghe mấy ông mệ nói sẽ trồng rau dưa bầu bí...

Những ngày này, vườn rau của trung tâm đang xanh tốt, mọi người tranh thủ thu hoạch và mang bán. Nhiều chị em nội trợ đã tìm đến mua ủng hộ và rất yên tâm khi đây là nguồn rau sạch được chăm sóc kỹ lưỡng. Bà Hợi và bà Lộc còn khoe: “Mai mốt mổ heo mời mấy o lên mua, heo cũng sạch như rau!”.

Chị Trần Thị Mỹ, Phó Giám đốc trung tâm Bảo trợ xã hội cho biết, mục đích của việc trồng rau, nuôi lợn, gà là để góp phần cải thiện bữa ăn cho các thành viên của trung tâm khi nguồn kinh phí còn nhiều hạn hẹp. Bên cạnh đó, việc tạo một không gian ấm cúng như gia đình cho người già, trẻ em khi sống ở đây cũng là mục đích không kém phần quan trọng, bởi người già thường dễ tủi thân và nếu không có việc gì làm sẽ mặc cảm, cho rằng mình vô dụng. Không chỉ chăm sóc vườn rau và nuôi lợn gà, lúc rảnh rỗi, các cụ còn tham gia chăm sóc trẻ, nhất là đối với các bé sơ sinh bị bỏ rơi. Nên dù còn nhiều khó khăn, nhưng trung tâm đã và đang là mái ấm thật sự cho những mảnh đời bất hạnh, giúp họ có những khoảng thời gian vui vẻ, yên tâm!

Ngọc Mai