.

Làm theo lời Bác

Thứ Sáu, 16/06/2017, 08:54 [GMT+7]

(QBĐT) - “Mình được sống trong tình yêu của Đảng thì phải một lòng theo Đảng, được mang họ Hồ của Bác thì phải học Bác. Mình không được học nhiều, nhưng cố gắng học cách làm kinh tế để có cơm no, áo ấm, con cái được đến trường như Bác từng mong muốn”.  Đó là tâm sự của chị Hồ Thị Thon, người Bru – Vân Kiều, ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) mỗi khi nhớ về Bác.

Hồ Thị Thon xuất thân trong một gia đình nghèo đông anh em. Do gia đình rất khó khăn, nên chị phải tạm gác việc học hành để lên rẫy cùng cha mẹ trồng củ sắn, bắp ngô nuôi đàn em khôn lớn. Hơn 18 tuổi, Thon lập gia đình và ra ở riêng. Tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ ngày ấy là một ngôi nhà sàn nhỏ đơn sơ, không có tài sản giá trị. Qua 7 năm chung sống, vợ chồng chị sinh được hai mặt con.

Anh Hồ Phằn, chồng chị Thon nói: “Nhiều lúc mình bảo vợ sinh thêm vài đứa cho đông vui nhưng vợ nhất quyết không đồng ý. Vợ bảo, nhà “có nếp, có tẻ” rồi sinh nữa chỉ thêm vất vả, phải làm ăn kinh tế, nuôi cho con ăn học đàng hoàng”.

Để phát triển kinh tế, anh chị bắt đầu bằng chăn nuôi và trồng trọt. Năm 2013, Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số mỗi hộ 5 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Chị Thon nhớ lại: “Lần đầu tiên cầm số tiền lớn như vậy, tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì Chính phủ hỗ trợ cho số tiền lớn, lo là không biết phải đầu tư vào công việc gì cho có lãi. Vì từ trước đến nay, quanh năm vợ chồng chỉ biết bám vào nương rẫy, nhờ vào bắp ngô, củ sắn để sống qua ngày!”.

 Chị Hồ Thị Thon đang chăm sóc đàn lợn của mình.
Chị Hồ Thị Thon đang chăm sóc đàn lợn của mình.

Khi được cán bộ xã và bà con trong bản tư vấn, chị đã xin đi học lớp đào tạo chăn nuôi ngắn hạn. Sau một thời gian ngắn, chị đã nắm rõ kỹ thuật chăn nuôi và quyết định đầu tư mô hình chăn nuôi lợn Khùa (một giống lợn bản tại địa phương). Với số tiền hiện có, chị mua 2 con lợn bản giống về nuôi vỗ béo. Chỉ 6 tháng sau, hai con lợn nhà chị đã cho xuất chuồng với giá 7 triệu đồng.

Thấy được hiệu quả của nuôi lợn, chị tiếp tục vay Ngân hàng chính sách và quỹ tiết kiệm thôn bản thêm 10 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, mua lợn giống và đầu tư trồng rừng. Với phương châm “tích tiểu thành đại, lấy ngắn nuôi dài”, chị đã đầu tư mua 11 con lợn thịt giống về nuôi và trồng được 3 ha rừng keo lai. Trung bình mỗi năm, chị Thon xuất chuồng 3 lứa lợn, cho thu lãi trên 50 triệu đồng.

Chị Thon tâm sự: “Lợn mình nuôi không bao giờ cho ăn bột, chủ yếu là sắn, ăn rau và các loại lá cây lấy từ rừng. Nhờ đó, lợn được các thương lái rất ưa chuộng và đến tận nhà để mua, mình cũng đỡ tốn kém tiền đầu tư. Nhờ nuôi lợn mà gia đình mua được ti vi, xe máy, làm nhà cửa, cho con cái đi học đàng hoàng chứ không phải lo ăn từng bữa như trước đây nữa”. Đến nay, chị luôn duy trì đàn lợn từ 10 đến 15 con.

Cùng với việc đầu tư chăn nuôi lợn, gia đình chị Thon còn nuôi gà thả vườn, làm lúa nương, trồng sắn, trồng ngô. Năm 2011, gia đình chị bắt tay trồng cây keo lai, đến nay số lượng keo lai đã lên tới 12.000 cây. Trước đó, chị cũng đã bán được một lứa keo và thu về được 15 triệu đồng.

Ngoài tấm gương vượt khó đi lên, chị Hồ Thị Thon còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội ở địa phương. Với sự năng động, nhiệt tình của mình, chị được chị em trong bản tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản La Trọng 1. Trên cương vị của mình, chị luôn tranh thủ thời gian đến từng hộ gia đình để động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hướng dẫn chị em cùng nhau chăn nuôi, trồng rừng và giữ vệ sinh làng bản sạch sẽ.

Chị Hồ Thị Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trọng Hóa cho biết: “Nhờ chị Thon hướng dẫn, giúp đỡ nên có nhiều nông dân trong bản, trong xã đã biết vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng rừng, góp phần xây dựng chi hội ngày càng vững mạnh”. Chi hội phụ nữ bản La Trọng 1 hiện có 100 hội viên, trong đó có hàng chục hội viên điển hình trong phát triển kinh tế, như: chị Hồ Thị Keo, Hồ Thị Bua, Hồ Thị Mười, Hồ Thị Đầm..., đã vươn lên nhờ chăn nuôi lợn và trồng rừng.

Vượt qua bao gian khó, luôn đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, chị Hồ Thị Thon xứng đáng là gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. “Được mang họ Hồ của Bác đó là cả niềm tự hào của người Bru – Vân Kiều chúng tôi. Vì vậy, trong cuộc sống lẫn trong công việc, tôi luôn nỗ lực hết mình để xứng đáng là con cháu của Bác, vươn lên thoát đói nghèo và lạc hậu như Người từng mong muốn”, chị Hồ Thị Thon chia sẻ.

X.V