.

Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em

Thứ Hai, 29/05/2017, 09:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, vấn đề tai nạn thương tích (TNTT) đang được toàn xã hội quan tâm, đặc biệt đối với trẻ em.

Hơn nửa tháng đã trôi qua, nhưng người dân xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa về vụ chết đuối thương tâm của em Mai Đăng Khoa (sinh năm 2008) vào ngày 1-5-2017, khi đi tắm sông cùng các bạn. Một trường hợp khác là em Nguyễn Văn Trung (sinh năm 2008, trú tại xã Xuân Trạch, Bố Trạch) đi tắm ở khu vực suối dưới cầu Do, thuộc thôn 7, xã Xuân Trạch, bị đuối nước tử vong cũng vào ngày 1- 5. Đây là 2 trong nhiều vụ đuối nước đã để lại nỗi đau và cả những bài học đắt giá về sự chủ quan, bất cẩn trong việc quản lý con em của các gia đình.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 51 vụ tai nạn thương tích trẻ em, làm tử vong 35 trẻ (2 trẻ bị ngã, 4 trẻ bị tai nạn giao thông, 29 trẻ bị đuối nước). Từ 1- 1 - 2017 đến 12 - 5 - 2017, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn thương tích trẻ em, làm tử vong 12 trẻ (2 trẻ bị ngã, 3 trẻ bị tai nạn giao thông, 7 trẻ bị đuối nước).

Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Trẻ em tử vong do đuối nước là cao nhất, thứ hai là do tai nạn giao thông. Nguyên nhân là bởi nhận thức và hiểu biết chung của cộng đồng về phòng, chống TNTT ở trẻ em còn thấp. Không chỉ ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả thành thị cũng thường xuyên xảy ra TNTT ở trẻ em. Nhiều gia đình thiếu sự quan tâm, giám sát đầy đủ trẻ em".

 Trẻ em rất hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm, vì vậy các bậc cha mẹ cần quản lý, giám sát chặt chẽ.
Trẻ em rất hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm, vì vậy các bậc cha mẹ cần quản lý, giám sát chặt chẽ.

Thực tế, TNTT ở trẻ em diễn ra khá phổ biến, vì các em đang ở lứa tuổi rất hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và khả năng bảo vệ bản thân chưa được hình thành. Tùy theo từng độ tuổi, nguy cơ tai nạn cũng khác nhau. Đôi khi, chính căn nhà trong mỗi gia đình lại là một môi trường không an toàn cho trẻ vì có quá nhiều đồ đạc, vật dụng cá nhân, điện, phích nước. Chỉ cần người lớn sơ suất, không để ý, trẻ có thể đưa tay vào ổ điện, bình nước nóng trên bàn... dễ bị điện giật hay bỏng. Trong khi đó, cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu kiến thức về bảo đảm an toàn, phòng chống TNTT cho các em; thiếu sự quan tâm, giám sát chặt chẽ.

Đặc biệt, mùa hè là thời điểm trẻ dễ bị tai nạn thương tích. Các em không phải đến trường, thiếu sự kiểm soát của thầy, cô giáo, lại được vui chơi thỏa thích. Người lớn bận công việc không thể bao quát hết được những hành vi của trẻ. Khi trẻ gặp tai nạn thương tích, nhiều người cho đó là rủi ro, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh được nếu người lớn cẩn trọng hơn và trẻ em được dạy cách nhận biết những nguy cơ gây tai nạn cho mình.

Nhằm giảm thiểu tình trạng TNTT trẻ em, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tích cực triển khai chương trình phòng, chống TNTT ở trẻ em. Trong đó, cần chú trọng công tác truyền thông trong cộng đồng để nâng cao nhận thức về hiểm họa TNTT và các kiến thức cơ bản về phòng, chống TNTT cho trẻ em; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, như: Sở Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh đoàn, Sở Y tế....hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích và lồng ghép với thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em hằng năm; tổ chức tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên, cha mẹ, trẻ em về kỹ năng phòng, chống TNTT ở trẻ em; đưa nội dung này vào hoạt động ngoại khóa của các trường tiểu học và trung học cơ sở...

Tai nạn thương tích ở trẻ em mang lại những hậu quả rất lớn. Ngoài những thiệt hại về kinh tế, các em có thể bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí mất khả năng lao động, làm chủ bản thân. Đây chính là những hệ lụy nặng nề và dai dẳng mà xã hội, gia đình cũng như bản thân các trẻ em phải gánh chịu. Vì vậy, các bậc cha mẹ phải để ý, quan tâm, giám sát chặt chẽ tới con cái. Mặt khác, các cơ quan  chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, chăm sóc, bảo vệ tới mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và tới mọi tầng lớp nhân dân.

Phạm Hà