.
Chuyện tuần này:

Khi cán bộ là "rào cản"!

Thứ Tư, 19/04/2017, 09:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Chuyện thứ nhất: Địa phương nọ là một xã khó khăn, đặc biệt trong những thời điểm thiên tai, người dân phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề, trong đó có các em học sinh. Việc đầu tư các công trình hạ tầng để phục vụ đời sống và sinh hoạt của người dân địa phương là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung của tỉnh, huyện, một số công trình đã xuống cấp nghiêm trọng vẫn chưa có điều kiện đầu tư xây mới hoặc sửa chữa.

Thế rồi có một tổ chức nhân đạo sau khi nắm được thông tin đã xem xét và hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình phục vụ các cháu học sinh trên địa bàn. Người dân và học sinh vui mừng, hồ hởi đón nhận, nhưng cán bộ quản lý đơn vị này lại tỏ ra thờ ơ. Khi phóng viên tiếp cận để nắm thông tin tuyên truyền, vị cán bộ nọ trả lời quấy quá rằng “Tôi không rõ họ đầu tư bao nhiều tiền vì họ tự mang tiền đến, tự mua sắm vật liệu, thuê thợ địa phương xây công trình rồi phân công nhau tự giám sát, họ làm chặt lắm!”. Hỏi cán bộ địa phương cũng nhận được câu trả lời tương tự.

Chuyện thứ hai: Ở thời điểm dư luận xã hội đang “nóng” với nội dung trẻ em bị xâm hại tình dục, một số tổ chức, nhóm học sinh, sinh viên đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Hoạt động được triển khai từ nguồn kinh phí do các tổ chức, nhóm học sinh, sinh viên tự huy động, quyên góp nên miễn phí hoàn toàn đối với các các em học sinh tham gia.

Quá trình triển khai, bên cạnh một số đơn vị nhiệt tình đón nhận và tạo điều kiện thuận lợi, lại có không ít đơn vị tỏ ra thờ ơ, thậm chí “làm khó làm dễ” hoặc từ chối thẳng thừng, cho dù những hoạt động này mang lại lợi ích thiết thực cho các em học sinh. Trong khi đó, một số hoạt động nhằm quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp lại được cho phép tiếp thị vào tận các lớp học và tuyên truyền để các em học sinh tiếp cận, sử dụng các sản phẩm này.

Ở câu chuyện thứ nhất, việc tổ chức từ thiện nọ mang tiền đến, thuê thợ xây dựng và tự giám sát công trình là sự thật. Tuy nhiên, câu trả lời của cán bộ quản lý đơn vị nọ là thiếu trách nhiệm khi tổ chức từ thiện đã tham khảo mẫu thiết kế công trình và thi công đúng yêu cầu nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh.

Có thông tin cho biết, khi nhận được ý định hỗ trợ xây dựng công trình từ phía tổ chức từ thiện nọ, đơn vị được hỗ trợ đã “ra giá” cụ thể của công trình và mong muốn được tổ chức từ thiện chuyển tiền để đơn vị triển khai thi công. Và khi mong muốn không thành, vị cán bộ quản lý nọ đã có thái độ thiếu thiện chí và bất hợp tác như trên.

Ở câu chuyện thứ hai cũng tương tự, khi một số hoạt động tiếp thị, kinh doanh sản phẩm lại được đón nhận nhiệt tình, còn những việc làm thiết thực nhằm nâng cao kỹ năng bảo vệ an toàn cho trẻ lại bị xem nhẹ và đối xử theo kiểu “bề trên”.

Chứng kiến hai câu chuyện trên, có không ít người đặt câu hỏi rằng đằng sau thái độ thiếu trách nhiệm của các vị cán bộ nọ liệu có phải là những toan tính cho lợi ích cá nhân? Những vị cán bộ này liệu có xứng đáng với vai trò và trọng trách được giao phó, hay vô hình trung, họ còn trở thành “rào cản” trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương?

Ngọc Mai