.

Chàng thanh niên quyết tâm thoát nghèo

Thứ Bảy, 04/03/2017, 11:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Xuất thân từ vùng quê nghèo xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai Hoàng Nghiệp Điệp đã nung nấu ước muốn làm sao để vươn lên, thoát khỏi cảnh nghèo.

Từ nhỏ, Hoàng Nghiệp Điệp đã rất thích thú và đam mê với nghề chăn nuôi. Anh luôn nuôi trong mình ước muốn xây dựng được một trang trại chăn nuôi trên chính mảnh đất quê mình. Năm 2003, tốt nghiệp Trung học phổ thông, trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Điệp đã quyết định không tiếp tục theo học các trường chuyên nghiệp mà anh chọn con đường vào miền Nam để sinh sống và làm ăn. Đây cũng là cơ hội để anh tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi ở những vùng đất khác, với mong muốn sẽ tích trữ được nguồn vốn và kinh nghiệm để về xây dựng trang trại của chính mình.

Anh kể: “Trong thời gian làm thuê ở miền Nam, tôi sống và chi tiêu rất tiết kiệm, những lúc nhàn rỗi, tôi lại tìm và nghiên cứu kiến thức, kinh nghiệm từ những mô hình, loại hình chăn nuôi, các giống vật nuôi có hiệu quả”.

Sau gần 10 năm bôn ba ở đất khách quê người, chàng thanh niên đã không quản ngại vất vả, tích cực lao động để giành dụm tiền về quê thực hiện mơ ước của mình. Khi đã có trong tay một nguồn vốn, anh quyết định về quê và xây dựng mô hình nuôi heo rừng, bước đầu theo quy mô nhỏ, rồi dần dần sẽ gây vốn và phát triển thêm...

Sau khi đã vạch dự toán, kế hoạch xây dựng chuồng trại, chọn nguồn heo giống, nghiên cứu thức ăn, cách chăm sóc heo rừng làm sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương mình..., anh Điệp vẫn không đủ tự tin, bởi nếu rủi ro xảy ra thì anh sẽ mất hết những vốn liếng đã vất vả tích góp trong những năm qua. Do đó, anh đã quyết định theo học thêm 2 năm lớp trung cấp thú y để tích lũy vốn kinh nghiệm chăn nuôi, đặc biệt là nuôi heo sinh sản.

Năm 2015, anh Điệp tiến hành xây dựng mô hình chăn nuôi heo rừng. Để tiết kiệm chi phí, anh đã mua vật liệu và tự tay thiết kế, xây dựng chuồng trại. Để không sử dụng các loại thức ăn công nghiệp, đồng thời tiết kiệm chi phí chăn nuôi, anh đã trồng các loại cây chuối, sắn, ngô, cây thuốc nam để cung cấp nguồn thức ăn, phòng và chữa bệnh cho heo. Nhằm bổ sung chất đạm, tăng sức đề kháng cho heo, anh Điệp đã ủ men vi sinh và nuôi giun quế kết hợp trong thức ăn hàng ngày của đàn heo.

Ban đầu, anh chỉ đầu tư một con heo đực giống và 8 con heo nái sinh sản, nhưng nhờ bàn tay chăm sóc khéo léo và tỉ mỉ, đàn heo của anh luôn khỏe mạnh và phát triển nhanh, mỗi năm sinh sản đều đặn 2 lứa, trung bình mỗi lứa 8 con. Sau đó, anh tiếp tục chăm sóc thêm 3 đến 4 tháng, xuất bán heo giống với giá khoảng 1,8 triệu/con, heo thịt xuất bán với giá 1,3 triệu/10kg, mỗi con trung bình khoảng 35kg.

Từ mô hình này, mỗi năm anh xuất bán khoảng 130 con heo giống, chưa kể heo thịt, sau khi trừ mọi chi phí anh lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Hiện, đàn heo của anh có hơn 70 con, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống chuồng trại và phát triển đàn heo của mình, phục vụ nhu cầu của thị trường. 

Hiện nay, trước tình hình thực phẩm bẩn tràn lan, mô hình chăn nuôi heo rừng với phương pháp hữu cơ như của anh Điệp chắc chắn sẽ là một nguồn thực phẩm sạch được thị trường ưa chuộng, có mức tiêu thụ lớn.

Mỹ Hiền
(Đài TT-TH Quảng Trạch)