.

Trẻ khuyết tật chiếm số đông trong 10 đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Thứ Sáu, 23/12/2016, 14:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 22 - 12, Ban chỉ đạo thực hiện dự án “Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật” tổ chức hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2017”. Đến dự có đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện dự án; đại diện các sở, ban, ngành cùng phụ huynh học sinh trẻ khuyết tật.

Dự án “Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật” tỉnh Quảng Bình được xây dựng trên thực trạng và nhu cầu của trẻ khuyết tật trong tỉnh và những bài học kinh nghiệm trong việc cung cấp cơ hội giáo dục trẻ khuyết tật của tổ chức Caritas Thụy Sỹ. Mục tiêu chung của dự án là trẻ em khuyết tật (thính giác) ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học tại 9 xã thuộc 3 huyện và thành phố ở tỉnh Quảng Bình được nâng cao cơ hội tiếp cận với giáo dục có chất lượng và phù hợp với nhu cầu và khả năng của trẻ.

Qua một năm nỗ lực thực hiện dự án, trẻ em khuyết tật độ tuổi mầm non và tiểu học trong dự án đã đạt được một số kết quả nhất định trên cả ba hợp phần: phát hiện sớm, can thiệp sớm; giáo dục hòa nhập; nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục hòa nhập.

Đối với hợp phần phát hiện sớm, can thiệp sớm do Sở Y tế thực hiện, trong năm 2016 đã triển khai và thực hiện đúng kế hoạch với 9 hoạt động, bao gồm: tập huấn cho 48 cán bộ y tế địa phương và cán bộ ban ngành liên quan trong hội đồng xác định khuyết tật cấp xã về các kỹ năng phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật, đặc biệt chú trọng trẻ khuyết tật thần kinh tâm thần và chậm phát triển trí tuệ; đào tạo chuyên sâu cho 24 cán bộ y tế địa phương và bác sĩ bệnh viện huyện về phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật thần kinh tâm thần và khuyết tật trí tuệ....

Đối với hợp phần giáo dục hòa nhập do Sở Giáo dục - Đào tạo phụ trách, trong năm đã triển khai và hoàn thành đúng kế hoạch, bao gồm: hội thảo rà soát và đánh giá kế hoạch giáo dục hòa nhập cấp tỉnh, huyện với sự tham gia của 54 đại biểu; triển khai 3 hội thảo rà soát và điều chỉnh kế hoạch giáo dục hòa nhập cấp trường tại 2 huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy và Đồng Hới; đào tạo 28 giáo viên, bố mẹ trẻ khuyết tật được dự án cấp máy trợ thính và bố mẹ của những trẻ khuyết tật vừa được phát hiện trong năm 2016 về phương pháp và kỹ năng phát triển nghe nói cho trẻ khiếm thính....

Đối với hợp phần 3, AEPD đã tổ chức 9/9 sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng cấp xã về phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập thu thút 415 người tham gia, 3 hội thảo rà soát và điều chỉnh kế hoạch năm 2015 cho các nhóm cộng đồng tại 2 huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy và Đồng Hới...

Bên cạnh những kết quả đạt được, dự án cũng gặp phải những khó khăn: tư vấn dự án đều là cán bộ kiêm nhiệm nên việc sắp xếp thời gian thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn; kiến thức chuyên sâu về phục hồi chức năng trẻ khuyết tật thần kinh tâm thần, khuyết tật trí tuệ cũng như nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ cán bộ y tế và bác sĩ bệnh viện huyện vẫn còn nhiều hạn chế.

Hội nghị cũng đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2017 đó là tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo và quản lý thực hiện dự án của Ban chỉ đạo; duy trì sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ giữa các sở, ban ngành liên quan trong quá trình thực hiện dự án; AEPD tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò điều phối và hỗ trợ đối tác địa phương trong quá trình thực hiện dự án...

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban dự án nêu rõ, trẻ em khuyết tật là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất, dễ bị tổn thương nhất và là đối tượng yếu thế nhất trong xã hội. Đồng thời, đây cũng là đối tượng chiếm số đông trong 10 đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (theo kết quả điều tra của Sở Lao động-TBXH năm 2014, toàn tỉnh có hơn 2.054 trẻ khuyết tật/3.300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn). Trẻ em khuyết tật có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực cao gấp 3-4 lần, nguy cơ bạo hành về thể chất cao hơn 3,6 lần, nguy cơ bạo hành về tình dục cao hơn 2,9 lần so với trẻ không khuyết tật.

Dự án “Phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật” là một dự án đặc biệt bởi vì đối tượng thụ hưởng là trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện dự án chỉ đến 30-6-2017 là kết thúc. Do đó, các sở, các phòng chuyên môn của huyện đến tổ chức thực hiện tại các trạm y tế xã phường, đến các trường tiểu học, mầm non vùng dự án cần chia sẻ những thuận lợi khó khăn để cùng nhau tháo gỡ nhằm đưa ra các giải pháp hữu hiệu để việc thực hiện dự án có hiệu quả nhất.

Phạm Hà