.

Khai thác văn hóa ẩm thực trong dịch vụ du lịch

Thứ Năm, 08/12/2016, 10:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm gần đây, văn hóa ẩm thực trở thành một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch. Văn hóa ẩm thực không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống cho khách du lịch, tạo ra việc làm và mang lại thu nhập cho một bộ phận người dân địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn có vai trò quan trọng trong việc giới thiệu những nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa dân tộc.

Quảng Bình xưa nay đã nổi tiếng những món dân dã đặc sắc như: khoai deo, bánh lọc, bánh canh Ba Đồn, cơm bồi Minh Hóa, bánh đúc, bánh tráng Tân An, mắm ruốc Lệ Thủy, rượu làng Tuy Lộc, bánh xèo Quảng Hòa, lẩu cá khoai,  rượu Võ Xá, mắm lẹp, canh nấm tràm, cháo hàu. Không thể không kể đến các loại hải sản Quảng Bình mà tiếng thơm của nó không chỉ nằm lại ở đất nước hình chữ S nói chung mà đã có tên trên toàn thế giới. Theo các chuyên gia hải dương học thì vùng biển Quảng Bình có dòng hải lưu nóng chảy qua, vì vậy các hải sản nơi đây có vị ngọt, vị thơm rất riêng. Những con mực, con tôm, con cá... dưới bàn tay khéo léo của người dân Quảng Bình đã được chế biến thành những sản phẩm ẩm thực ngon miệng. Vì vậy, du khách dù đã nếm đủ sơn hào hải vị các vùng miền, vẫn cho rằng món ăn ở đây có hương vị đậm đà riêng.
Đặc biệt, du khách còn được giới thiệu một trong những món hải sản tươi ngon, bổ dưỡng và được coi là “độc chiêu”, đó chính là đẻn biển. Món ăn này đã trở thành niềm tự hào của người dân Quảng Bình. Tuy được chế biến dưới nhiều hình thức khác tiết đẻn pha rượu trắng và ram đẻn.

Khoai deo được nhiều du khách lựa chọn để làm quà cho mỗi chyến đi.
Khoai deo được nhiều du khách lựa chọn để làm quà cho mỗi chyến đi.

Quảng Bình giàu văn hóa ẩm thực là vậy, tuy nhiên, hầu hết các món ăn đều được sản xuất theo quy mô nhỏ, hộ gia đình, tiêu thụ nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chỉ phục vụ chủ yếu cho nhu cầu của dân bản địa; chưa có sự quản lý đồng bộ nên chất lượng còn chưa đồng đều; hệ thống phân phối sản phẩm chưa được đầu tư nên việc khai thác các món ăn phục vụ du lịch còn hạn chế.

Phát triển du lịch dựa trên cơ sở các yếu tố ẩm thực không chỉ thu hút khách du lịch mà còn có mục đích phổ biến các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương. Chính vì vậy cần có những cơ chế, chính sách của tỉnh phù hợp như: Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư kinh phí cho việc phát triển văn hóa ẩm thực, gắn liền ẩm thực với các tour du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch nói chung và ẩm thực nói riêng; hỗ trợ các vùng trồng cây nông nghiệp mang tính chất đặc sản, mở rộng quy mô và chuyển hướng dần sang khai thác phục vụ du lịch; quy hoạch xây dựng phố ẩm thực là giải pháp tạo điểm nhấn cho việc thưởng thức món ăn của du khách.

Khai thác văn hóa ẩm thực không chỉ góp phần vào việc thu hút du khách, hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch mà đây còn để phổ biến các yếu tố văn hóa ẩm thực đến du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, vấn đề khai thác các giá trị của văn hóa ẩm thực để tổ chức xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch cần được các cơ quan quản lý quan tâm đặc biệt.

Phạm Hà