.

Thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường ở Sơn Trạch: Đất di sản gặp... khó!

Thứ Sáu, 18/09/2015, 12:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Là vùng đất di sản với những thế mạnh phát triển du lịch và đang ngày càng có những bước đột phá trong lĩnh vực “công nghiệp không khói”, tuy nhiên, Sơn Trạch (Bố Trạch) lại gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, nổi bật nhất chính là vấn đề thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn trong cộng đồng dân cư, việc mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường du lịch từ chính hệ thống các chuồng trâu, bò được xây dựng ngay sát cạnh con đường huyết mạch của xã và nhiều yếu tố khác.

Có thùng rác, nhưng rác vẫn nằm ở ngoài!
Có thùng rác, nhưng rác vẫn nằm ở ngoài!

Chị Lê Thị Kiên (50 tuổi, thôn Phong Nha, Sơn Trạch) xây dựng căn nhà kiên cố đã hơn chục năm nay. Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ gia đình khác ở thôn Phong Nha, gia đình chị không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Dẫn phóng viên đi xem nhà vệ sinh tạm nằm sát ngay cạnh sông Son và một chuồng bò lớn, chị Kiên chia sẻ, nhà vệ sinh này hầu như cứ 2 năm là phải  xây lại một lần, do lũ lụt cuốn trôi hết. Nhà vệ sinh không có hệ thống tự hủy, mà chỉ đào hố, xung quanh xây tường, thậm chí hàng tuần phải rải tro củi để hạn chế mùi hôi thối bốc lên.

Nhà chị Kiên có 7 người, trong đó có một em bé mới vài tháng tuổi, tất cả đều phải sử dụng nhà vệ sinh tạm này. Những hôm trời nắng ráo thì không sao, còn mỗi lần trời mưa to gió lớn, chị cười: “Không có cái cực nào cực hơn!”. Gia đình chị Kiên cũng muốn xây mới nhà vệ sinh lắm, nhưng ngặt nỗi kinh phí xây dựng một nhà vệ sinh đạt chuẩn cũng phải hơn 20-30 triệu đồng. Đó là một khoản tiền rất lớn mà với những hộ thuần nông như gia đình chị Kiên rất khó để có thể đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hữu Quý, Bí thư Chi bộ thôn Phong Nha, những trường hợp như gia đình chị Kiên là rất phổ biến ở thôn. Toàn thôn có 382 hộ với 1.600 khẩu thì chỉ khoảng 15% hộ là có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Hầu hết các hộ gia đình đều sử dụng nhà vệ sinh tạm bợ, không bảo đảm tiêu chí vệ sinh môi trường, thậm chí, không ít nhà vẫn lựa chọn giải pháp “gần gũi với thiên nhiên”.

Với hơn 70% dân số làm nghề nông, nguồn kinh phí bỏ ra để xây dựng một nhà vệ sinh đạt chuẩn là khá lớn so với thu nhập của bà con trong thôn. Cho nên, dù được tuyên truyền, vận động tích cực từ chính quyền địa phương và dù rất mong muốn xây nhà vệ sinh đạt chuẩn, nhưng các hộ gia đình đành phải “lực bất tòng tâm”.

Mặt khác, thôn Phong Nha được mệnh danh là thôn “du lịch” với tuyến đường đẹp nằm sát ngay bờ sông Son thơ mộng, là địa điểm dạo mát, thăm thú của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, không chỉ thiếu nhà vệ sinh, mà ngay cả hệ thống chuồng trâu, bò được xây sát mặt đường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan và vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết, tình trạng kém vệ sinh môi trường không chỉ diễn ra ở thôn Phong Nha, mà còn ở các thôn “sát” với di sản, như: Hà Lời... và nhất là những thôn, bản xa xôi hẻo lánh.

Theo thống kê sơ bộ, toàn xã chỉ có khoảng 30% hộ gia đình có nhà vệ sinh đạt chuẩn, còn lại đều là tạm, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Thời gian gần đây, với sự tuyên truyền, vận động thường xuyên của chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể, ý thức của bà con về vệ sinh môi trường được nâng lên đáng kể, nhiều nhà vệ sinh bằng phên, tre, mái lá sát bờ sông được dỡ bỏ, nhưng vẫn còn đó một số lượng lớn các nhà vệ sinh tạm bợ.

Nan giải nhất vẫn là nguồn vốn để xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Một số chương trình có hỗ trợ cho bà con để xây mới, nhưng số lượng quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Bà con rất mong muốn được hỗ trợ một phần kinh phí để xây mới nhà vệ sinh, khắc phục tình trạng khó khăn này.

Hệ thống chuồng trâu, bò đặt ngay cạnh trục đường chính ở Sơn Trạch (Bố Trạch) gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường
Hệ thống chuồng trâu, bò đặt ngay cạnh trục đường chính ở Sơn Trạch (Bố Trạch) gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, hệ thống các chuồng trâu, bò nằm sát với tuyến đường huyết mạch của xã đang được định hướng quy hoạch chuyển lên vùng cao hơn để vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng tránh lũ lụt, vừa hình thành khu chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, tâm lý bà con vẫn chưa yên tâm vì lo lắng tình trạng mất an ninh, dễ mất cắp trâu bò và vẫn rất cần sự vận động, tuyên truyền tích cực của chính quyền, đoàn thể.

Trong thực hiện tiêu chí 17 về xây dựng nông thôn mới, một trong những khó khăn không nhỏ nữa của Sơn Trạch chính là quy hoạch nghĩa trang. Trên thực tế, do phong tục tập quán lâu đời, bà con quen với việc chôn cất mồ mả rải rác, không tập trung. Chính vì vậy, để quy tập lại cần rất nhiều thời gian và nguồn kinh phí lớn. Những lý do trên đã khiến việc hoàn thành tiêu chí 17 về môi trường trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của Sơn Trạch đã khó chồng thêm khó.

Gần đây, du lịch cộng đồng được đánh giá là hướng đi đầy tiềm năng trong phát triển du lịch ở Sơn Trạch. Nhiều hộ gia đình cũng đang mong muốn được tham gia để vừa tạo thêm nguồn thu nhập, có công ăn việc làm ổn định, vừa có cơ hội nâng cao dân trí, nhận thức. Rào cản lớn nhất vẫn chính là nhà vệ sinh đạt chuẩn và xây dựng môi trường cảnh quan du lịch xanh-sạch-đẹp, bởi theo như ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch từng chia sẻ, để làm được du lịch cộng đồng, có thể nơi ăn chốn nghỉ đơn sơ, không tiện nghi, nhưng nhà vệ sinh, an toàn thực phẩm, cảnh quan phải được đặt lên hàng đầu, là điều kiện không thể thiếu.

Chính vì vậy, trong tương lai, nếu không có được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, vùng đất di sản Sơn Trạch sẽ thật khó để có thể chuyển mình, đổi thay.

Quảng Hạ