.

Để phát huy vai trò của Công an xã trong bảo vệ an ninh trật tự nông thôn

Thứ Sáu, 18/09/2015, 10:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bối cảnh mặc dù tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số lĩnh vực với không ít khiếu kiện, tranh chấp gay gắt về đất đai, địa giới hành chính và các vụ gây rối trật tự công cộng..., Pháp lệnh Công an xã có hiệu lực từ 1-7-2009 đã đóng một vai trò quan trọng trong việc góp sức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh trật tự và phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm xã hội. Lực lượng Công an xã cũng là mắt xích trọng yếu trong nắm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, đề xuất với cấp ủy Đảng, UBND cùng cấp và cơ quan Công an cấp trên về chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh trật tự. 

Xã Đại Trạch, Bố Trạch là một địa bàn trọng điểm và phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với hơn 2.300 hộ và 9.100 nhân khẩu, kinh tế người dân chủ yếu dựa vào tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ với tỷ lệ 64,5%. Chính quyền xã xác định, để đẩy lùi và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ các loại tệ nạn xã hội có hiệu quả, thì cần thiết phải nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, điển hình tiên tiến và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Với sự tham mưu của Ban Công an xã, nhiều mô hình, điển hình đã được xây dựng hiệu quả ở Đại Trạch theo từng chuyên đề, từng địa bàn, từng loại đối tượng cụ thể lấy và nhất là có sự tham gia, phối kết hợp chặt chẽ của các đoàn thể liên quan. Có thể kể tên ở đây các mô hình “CLB gia đình, chi hội phụ nữ không có chồng con vi phạm pháp luật”, “CLB nông dân với pháp luật”, “CLB làng không ma túy”, mô hình “4 giữ-giữ gia đình, giữ dòng họ, giữ thôn xóm, giữ trường học”, mô hình “Thôn văn hóa giao thông”...

Lực lượng Công an xã đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh trật tự nông thôn.
Lực lượng Công an xã đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh trật tự nông thôn.

Điểm nổi bật của các mô hình này chính là việc phát huy tính tích cực, chủ động của từng gia đình, từng thôn xóm, từng trường học, từng hội viên và các đoàn thể. Đó giống như một phong trào thi đua sôi nổi để người người, nhà nhà cùng góp sức chung vào nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông của chính nơi mình sinh sống.

Nhờ đó, 100% hộ gia đình hội viên và các dòng họ ký cam kết thực hiện các nội dung của phong trào, 85% vụ việc tại cơ sở được hòa giải, 58 dòng họ không có con cháu vi phạm pháp luật trong 5 năm từ 2010-2015... Công tác tuyên truyên pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được lồng ghép hiệu quả vào các cuộc vận động khác, như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Tuổi trẻ giữ nước”...

Diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân” được Công an huyện Lệ Thủy triển khai từ năm 2013 chính là cơ hội để cán bộ, nhân dân trên địa bàn góp ý xây dựng lực lượng công an xã, đồng thời để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm hoạt động của công an xã. Diễn đàn được tổ chức tại 28/28 xã của huyện Lệ Thủy với hơn 2.500 người tham gia và có 255 ý kiến phát biểu góp ý thẳng thắn, chân thành, sâu sắc về ưu, nhược điểm, biện pháp khắc phục.

Trên cơ sở đối thoại thẳng thắn, diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân” còn là dịp để lực lượng công an nói chung, lực lượng công an xã nói riêng nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ, tạo niềm tin trong nhân dân, đồng thời lồng ghép tổ chức tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Bên cạnh việc tổ chức diễn đàn để nhân dân trực tiếp tham gia góp ý kiến xây dựng lực lượng công an xã, Công an huyện Lệ Thủy còn kết hợp phát động bà con tham gia phát hiện, tố giác tội phạm qua bỏ phiếu tố giác tội phạm tại hòm thư do Công an huyện lập mang đến diễn đàn. Các ý kiến của nhân dân được Công an huyện và chính quyền cơ sở tiếp thu nghiêm túc, có kế hoạch chỉ đạo khắc phục tồn tại, yếu kém.

Với vai trò quan trọng của mình, trong thời gian qua, lực lượng công an xã tỉnh ta đã nắm và làm chủ tình hình an ninh, trật tự, tham mưu cho cấp ủy chính quyền cơ sở xử lý tốt những tình huống phức tạp, không để kéo dài, lây lan. Từ tình hình nắm được, công an xã đã giúp lực lượng công an cấp trên điều tra, khám phá nhiều vụ án, xây dựng các phương án, kế hoạch để bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là tình hình vùng giáo, khiếu kiện, an ninh nông thôn, quản lý đối tượng... Là nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công an xã đã tham mưu phát triển nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu và phát huy hiệu quả.

Trong 7 năm qua, đã có gần 2.500 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tổ chức trong toàn tỉnh với gần 300.000 lượt người tham gia, tập trung các lĩnh vực, vấn đề nóng, phức tạp, như: phòng, chống ma túy; an toàn giao thông; tệ nạn xã hội... Công an xã đã chuyển 75 vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan Công an cấp trên xử lý theo thẩm quyền và bắt giữ 70 trường hợp phạm tội quả tang, tham gia truy bắt 157 đối tượng gây án xong bỏ trốn, 17 đối tượng có lệnh truy nã.

Trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, lực lượng công an xã đã tham mưu cho UBND xã và tổ chức thực hiện quản lý, giáo dục các đối tượng phải chấp hành hình phạt quản chế, cải tạo không giam giữ, người bị kết án tù được hưởng án treo cư trú trên địa bàn, người được đặc xá, người sau cai nghiện... Nhờ đó, 80% người phạm tội được tha tù về địa phương sau khi được quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ đã tiến bộ.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nguồn nhân lực cho lực lượng công an xã. Thực tế cho thấy việc bố trí, tuyển dụng người tham gia lực lượng này ở một số địa phương vẫn chưa đúng quy trình, mang ý chí chủ quan, cá nhân, người có năng lực, được đào tạo không được sử dụng. Việc kiểm tra, giám sát chức trách, nhiệm vụ của công an xã chưa được tăng cường, còn bỏ ngỏ và chưa tập trung chăm lo, giáo dục chính trị, tư tưởng cho lực lượng công an xã.

Mặt khác, vì trưởng công an xã là công chức cấp xã, chỉ làm việc theo thời gian nhất định, trong khi yêu cầu của công việc phải là thường xuyên, liên tục, do đó, nảy sinh sự chây ỳ trong công tác, mang tính hình thức, hành chính trong lực lượng công an xã. Theo quy định, Phó công an xã, công an viên là cán bộ không chuyên trách, phụ cấp thấp, khiến anh em thiếu nhiệt tình, gắn bó trong công việc. Điều này dẫn đến những mặt hạn chế khác, như: khâu tuyên truyền đến nhân dân về vai trò công an xã chưa sâu sát, công tác nắm tình hình của công an xã còn nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, chính xác, công tác quản lý hành chính nhà nước trên lĩnh vực an ninh trật tự còn nhiều sơ hở, sai sót...

Chính vì vậy, để phát huy vai trò của lực lượng công an xã, cần có sự điều chỉnh kịp thời đối với mặt nhân sự, từ bố trí, tuyển chọn, đào tạo cho đến quy định cụ thể về thời gian tối thiểu phục vụ, phụ cấp, chế độ chính sách...  Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, giáo dục chính trị tư tưởng cho lực lượng công an xã.

P.V