.

Những bước tiến trong bình đẳng giới

Thứ Ba, 11/08/2015, 12:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể, bình đẳng giới giờ đây không còn là điều xa lạ với chị em phụ nữ. Không chỉ thể hiện trong công việc, giao tiếp, sinh hoạt cộng đồng, bình đẳng giới còn thể hiện rõ nét từ chính cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình. Dù ở khía cạnh nào của đời sống, người phụ nữ đều khẳng định vai trò, vị thế của mình và ngày càng có tiếng nói trong nhiều lĩnh vực, vấn đề quan trọng của gia đình, xã hội. Năm năm thực hiện kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch giai đoạn 2011-2015 đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh ta để góp phần tạo vị thế cân bằng của người phụ nữ trong xã hội.

Vợ chồng anh Hồ Toàn và chị Hồ Thị Tiên đều là người dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Khe Ngang, Trường Xuân, Quảng Ninh. Công việc chính của anh Hồ Toàn là vào rừng, làm nương, làm rẫy, còn chị Hồ Thị Tiên chủ yếu ở nhà chăm lo cho gia đình. Trước đây, anh phó mặc mọi công việc nhà cho chị, từ chăm sóc con cái, nhà cửa cho đến nuôi lợn, nuôi gà. Chị Hồ Thị Tiên phải đầu tắt mặt tối suốt cả ngày, không có thời gian ngơi nghỉ, ít có sự sẻ chia, cảm thông của chồng, lắm lúc chị thấy tủi thân vô cùng. Tuy nhiên, giờ đây, đã dần có những sự thay đổi lớn lao trong nếp nghĩ, cách làm của anh Hồ Toàn. Ngoài công việc ở rừng, hàng ngày, anh đã biết chủ động phụ giúp chị nấu cơm, giặt giũ, nuôi dạy hai con và nhiều việc không tên khác của người phụ nữ trong gia đình. Chị Hồ Thị Tiên có nhiều thời gian thảnh thơi hơn trước và chị cũng mạnh dạn tham gia các hoạt động của Ban Mặt trận thôn, tích cực giao lưu với cộng đồng, thôn xóm và ngày càng khẳng định nỗ lực, cố gắng của mình.

Chị Nguyễn Thị Quyên, cán bộ phụ nữ bản Khe Ngang cho biết, không chỉ riêng trường hợp gia đình anh Hồ Toàn, mà ở hơn 100 hộ của bản Khe Ngang, các “đức ông chồng” cũng đã có sự thay đổi về nhận thức và hành động như thế. Có được điều này là nhờ sự tuyên truyền, vận động tích cực về bình đẳng giới của các cấp chính quyền và đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ, Mặt trận, Đoàn Thanh niên... Với đặc thù trình độ dân trí người dân còn thấp, lại chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều, phương châm tuyên truyền là “mưa dầm thấm lâu”, kiên trì, nhẫn nại, và nhất là sử dụng chính những tấm gương bình đẳng giới ngay trong địa phương để anh em học tập làm theo. Theo chị Quyên, để nâng cao hơn nữa chất lượng của bình đẳng giới ở những địa bàn còn khó khăn như Khe Ngang, rất cần nhân rộng các mô hình điểm hay câu lạc bộ về bình đẳng giới, đồng thời cần có khen thưởng, thi đua rõ ràng giữa các gia đình, góp phần kích thích sự phát triển lan rộng của bình đẳng giới trong cộng đồng.

Bình đẳng giới từng bước len lỏi trong các gia đình Bru-Vân Kiều khi nhiều người chồng đã biết giúp đỡ vợ trong công việc gia đình.
Bình đẳng giới từng bước len lỏi trong các gia đình Bru-Vân Kiều khi nhiều người chồng đã biết giúp đỡ vợ trong công việc gia đình.

Ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, trong 5 năm qua, Sở đã kết hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt các mục tiêu trong kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, ngành cũng chủ động lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới vào công tác xây dựng gia đình văn hóa hướng tới mục tiêu gia đình ít con, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững cho cán bộ, công chức, viên chức đến từ các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở và Phòng Văn hóa-Thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đã đạt được những kết quả quan trọng. Vai trò, vị thế của phụ nữ được nâng lên, tỷ lệ nữ tham gia trong các lĩnh vực ngày càng tăng, tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho gia đình và xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Một nhiệm vụ quan trọng khác chính là công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Nhờ đó, trong 5 năm qua, Sở đã nhân rộng mô hình hoạt động các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Tính đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 99 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, thu hút trên 3.550 hộ gia đình tham gia với nội dung sinh hoạt phong phú và đa dạng. Hoạt động của các câu lạc bộ góp phần tuyên truyền những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình; cách giáo dục, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; phổ biến luật pháp, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, bình đẳng giới còn là nội dung lồng ghép hiệu quả trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng nông thôn mới, câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình...

Khó khăn lớn nhất trong công tác thực hiện bình đẳng giới hiện nay chính là nguồn kinh phí chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí công tác gia đình, lồng ghép với các nhiệm vụ trọng tâm của công tác gia đình, chưa có nguồn kinh phí riêng cho những hoạt động lớn. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; chưa lồng ghép bình đẳng giới với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị. Tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng phụ nữ, vẫn còn tình trạng ngược đãi phụ nữ, bạo lực gia đình, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em ở một số nơi còn diễn biến phức tạp. Kinh phí hoạt động hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu cho công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn triển khai thực hiện và chưa kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Một thực tế khác cũng rất phổ biến ở các địa phương khiến hiệu quả của bình đẳng giới chưa thực sự đi vào chiều sâu, đó là đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình trên địa bàn tỉnh đang thiếu, lại có sự luân chuyển, thay đổi thường xuyên nên việc nắm bắt các văn bản chỉ đạo thiếu xuyên suốt, tập trung. Ở cơ sở huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn cán bộ phụ trách công tác gia đình 100% là kiêm nhiệm, trong khi số việc công việc cần giải quyết là rất lớn.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác bình đẳng giới, cần chú trọng khâu tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh về công tác bình đẳng giới để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới tại địa phương. Đồng thời, cần chú trọng hỗ trợ các chương trình dự án lồng ghép bình đẳng giới cho cơ sở, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực và cung cấp tài liệu, đa dạng hóa các hình thức và sản phẩm truyền thông để các sở, ban, ngành tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới tại địa phương. Ngoài ra, rất cần bổ sung thêm kinh phí hoạt động của lĩnh vực gia đình để việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động bình đẳng giới đạt kết quả cao hơn.    

Mai Nhân