.

Duyên nợ với hang động

Thứ Năm, 13/08/2015, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Những con người từ những đất nước xa xôi như vợ chồng ông Howard Limbert, nhiếp ảnh Ryan Deboodt, hay như ông Hồ Khanh, người con quê hương Sơn Trạch (Bố Trạch) đã đến với vương quốc hang động Phong Nha-Kẻ Bàng như mối duyên trời định, cuộc đời họ đã gắn bó với miền quê di sản này. Bằng trái tim, khối óc và sức lực của bản thân, họ đã cống hiến hết mình để nghiên cứu, khám phá hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình ra tỉnh bạn và khắp nơi trên thế giới.

Mối duyên trời định

Là người con của nước Anh, từ năm 15 tuổi, Howard đã bắt đầu với những chuyến thám hiểm ở Anh và các nước châu Âu. Howard từng là trưởng đoàn từ những năm 1980 thám hiểm Mexico và mang về nhiều kết quả vang dội.

Với niềm đam mê cùng mong ước đến những nơi chưa ai từng đến, vì sự hấp dẫn của những dãy núi đá vôi châu Á, vợ chồng Howard đã ra khỏi nước Anh bắt đầu những chuyến đi dài. Năm 1990, họ lên kế hoạch, kiên trì tìm kiếm sự chấp thuận của các nước châu Á. Và như mối duyên trời định, khi nhận được thư phúc đáp từ Khoa Địa lý-Địa chất Trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, ông Howard và vợ cùng 8 thành viên trong đoàn thám hiểm hang động Anh-Việt lần đầu tiên đã đặt chân đến xã Sơn Trạch. Những hang động tuyệt đẹp, những con người mến khách đã “níu chân” vợ chồng Howard ở lại Phong Nha-Kẻ Bàng.

Ông HOWARD LIMBERT và ông HỒ KHANH chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong buổi lễ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Ông HOWARD LIMBERT và ông HỒ KHANH chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong buổi lễ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Không phải chuyên gia khám phá hang động như vợ chồng Howard, Ryan từ một anh chàng viết phần mềm, chụp hình bỗng trở thành nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh hang động ở Phong Nha. Bản thân Ryan cũng ngạc nhiên về bước ngoặt này khi 4 năm trước anh chưa từng có một bức ảnh chụp phong cảnh trong hang nào cả, thậm chí gần như chưa bao giờ vào hang...

Cuối năm 2011, Ryan đến Việt Nam vì Kelli, vợ anh có công việc ở  TP. Hồ Chí Minh. Anh đến Quảng Bình tham quan động Phong Nha rồi tình cờ gặp anh Nguyễn Châu Á, người sáng lập Công ty TNHH MTV Chua Me Đất. Vài tháng sau, Ryan nhận được lời mời của anh Á rủ vào hang Tú Làn chụp ảnh, khi anh còn mấy ngày cuối cùng của tuần trăng mật với vợ ở Hội An. Anh đã đồng ý và chia tay vợ sớm hơn kế hoạch để đi vào hang. Sau lần đó anh đi chụp ảnh hàng loạt các hang Kem, hang Én, hang Vòm, hang Va... rồi mới đến Sơn Đoòng.

Cảnh đẹp của hang động Phong Nha đã hút hồn anh chàng người Mỹ. Từ mảnh đất xa lạ, giờ đây Ryan kể về Phong Nha như ngôi nhà thứ hai của mình. Anh từng chia sẻ rằng, bất cứ khi nào có cơ hội anh đều bay về Quảng Bình để tìm đến Phong Nha, đến với Sơn Đoòng và khám phá vẻ đẹp mới nơi này.

Khác với Howard, Ryan, Hồ Khanh là người con của quê hương di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, rất am hiểu địa hình nơi đây. Ông Khanh kể rằng, với lợi thế thông thạo địa hình, trong nhiều dịp đi rừng ông đã phát hiện được rất nhiều hang động. Đặc biệt, trong chuyến đi rừng năm 1989, ông đã phát hiện ra một cái hang lớn, nhưng vì không có đủ dụng cụ nên không dám đi sâu vào. Mãi đến năm 2008, ông một mình vào rừng Đoòng xác định lại vị trí của hang. Năm 2009, hang Sơn Đoòng được công bố gắn liền với tên tuổi của Hồ Khanh. Có lẽ cũng từ những phát hiện tình cờ đó đã “cuốn” cuộc đời ông Khanh vào những chuyến đi khám phá hang động, giờ đây dấu chân ông in khắp trên dãy núi đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng.

Những cống hiến to lớn

Dẫu đến từ những đất nước khác nhau, nghề nghiệp khác nhau nhưng vợ chồng ông Howard, Ryan hay Hồ Khanh đều có chung niềm đam mê khám phá vẻ đẹp của “vương quốc” hang động Phong Nha-Kẻ Bàng. Họ là những người có công lớn trong việc giúp Quảng Bình quảng bá hình ảnh du lịch hang động đến với bạn bè, du khách mọi nơi trên khắp thế giới.

Khoảnh khắc tuyệt đẹp ở Sơn Đoòng được ghi lại dưới ống kính của nhiếp ảnh gia Ryan.
Khoảnh khắc tuyệt đẹp ở Sơn Đoòng được ghi lại dưới ống kính của nhiếp ảnh gia Ryan.

Với niềm đam mê, khát khao được khám phá hang động, ông Howard đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra những hang động mới ở hệ thống núi đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng. Không quản ngại khó khăn vất vả bởi những ngày dài ở trong rừng sâu, trèo trên những vách đá hiểm trở, lối đi chưa có dấu chân người, vợ chồng ông Howard ngày lại ngày khoác ba lô lên vai tiếp tục những chuyến thám hiểm tìm kiếm hang động. 25 năm gắn bó với mảnh đất di sản, ông Howard đã khám phá được 240 hang động, điển hình có hang Én, hang Dơi, hang Lanh, hang Vòm, hang Kỳ,... và đặc biệt là hang Sơn Đoòng. Các kết quả thám hiểm và nghiên cứu hang động của ông  đã được sử dụng để xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Ông Howard cho rằng để có được những thành quả này là nhờ sự giúp đỡ rất lớn của người dân, chính quyền địa phương... Tuy nhiên ông cũng thừa nhận mới chỉ chinh phục được khoảng 25% hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng.

Bên cạnh những đóng góp to lớn của ông Howard, khi nhắc đến hang động ở Phong Nha, phải kể đến công lao của Hồ Khanh. Những năm qua, ông đã tìm, dẫn và phục vụ các đoàn thám hiểm, đoàn khoa học nghiên cứu, đoàn quay phim, chụp ảnh của nhiều nước đến làm việc tại Phong Nha-Kẻ Bàng. Trong chặng đường tìm kiếm và dẫn các đoàn thám hiểm, nghiên cứu hệ thống hang động, động thực vật, với tinh thần trách nhiệm của một người con quê hương di sản nói riêng, một công dân của đất nước nói chung, Hồ Khanh đã giúp đoàn thám hiểm khám phá thành công 38 hang lớn nhỏ. Nhiều hang động có thể đem vào khai thác du lịch, đặc biệt là hang động lớn nhất thế giới, hang Sơn Đoòng.

Nếu Hồ Khanh và Howard có công phát hiện, khám phá Sơn Đoòng thì Ryan là người giúp cả thế giới biết thêm nhiều về hang động nổi tiếng này. Chính những cảnh quay bằng flycam được anh thực hiện trong lần thứ ba vào Sơn Đoòng đã khiến nhóm làm chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” của kênh truyền hình ABC (Mỹ) phải thay đổi toàn bộ kế hoạch thực hiện chương trình mà gần như đã hoàn tất trước đó. Maria Stefanopoulos, Trưởng phòng sản xuất, thành viên của đoàn làm chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” thừa nhận cô đã phải hủy bỏ dự án quay chương trình tại hang Marble Cathedral (Chile) sau khi xem clip của Ryan thực hiện, “vì nó đẹp và tuyệt vời quá!”.

Ngoài những bức ảnh tuyệt đẹp về Sơn Đoòng, dưới nhiều góc độ khác nhau, Ryan đã khiến cho người xem phải trầm trồ, ngỡ ngàng trước những hình ảnh về Tú Làn, hang Va, hang Tiên, hang Én...

Lê Mai