.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch: Cần có sự kết nối

Thứ Sáu, 14/08/2015, 09:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Một thực tế khá bất cập đang diễn ra ở thị trường lao động du lịch của tỉnh ta, đó là trong khi nhu cầu lao động trong lĩnh vực này đang ngày càng tăng cao về cả số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng thị trường du lịch đang chuyển động, đổi mới, hội nhập từng ngày, thì vẫn không ít sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo, hay nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn quen với việc sử dụng lao động phổ thông thời vụ, chưa qua đào tạo. Để góp phần cải thiện tình trạng này, liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch đang được xem là một trong những hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất.

Đầu năm 2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 99/VPUBND-VX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo về việc đồng ý cho Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch Quảng Bình năm 2015 và yêu cầu nhà trường phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch để xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh. Đây chính là bước đi đầu tiên, đặt viên gạch hồng cho nỗ lực làm mới nguồn nhân lực du lịch tỉnh nhà theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn.

Nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao luôn là mục tiêu mà bất cứ địa phương nào cũng hướng đến.
Nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao luôn là mục tiêu mà bất cứ địa phương nào cũng hướng đến.

Ông Hoàng Tuấn Long, Hiệu phó Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình cho biết, từ năm 2014, nhà trường đã là một thành viên của Hiệp hội Du lịch tỉnh và bước đầu có những tìm hiểu về thực trạng, nhu cầu, tương lai của nguồn nhân lực du lịch địa phương.

Để mở các mã nghề đào tạo mới theo nhu cầu xã hội, mục tiêu mà nhà trường hướng đến là chú trọng các nghề đào tạo về du lịch-dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và một số ngành nghề đào tạo khác mà thực tế yêu cầu, đưa đào tạo nghề du lịch, khách sạn, nhà hàng trở thành lĩnh vực đào tạo mũi nhọn, trọng tâm của nhà trường.

Đồng thời, nỗ lực duy trì có hiệu quả các ngành nghề truyền thống, gắn chặt chẽ đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động, trên cơ sở đó nâng cao khả năng tuyển sinh và tăng trưởng quy mô đào tạo của nhà trường. Năm học 2015-2016, trường đăng ký mở và thực hiện tuyển sinh đào tạo các nghề trình độ trung cấp: Quản trị khách sạn, nghiệp vụ khách sạn, văn thư hành chính và mở các chương trình đào tạo ngắn hạn (3-6 tháng) đối với nghiệp vụ khách sạn, tiếp tân, nhà hàng, buồng, chế biến món ăn Việt Nam, nghiệp vụ hành chính văn phòng.

Năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo sẽ là các ngành hướng dẫn du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ lễ tân, lưu trú. Bên cạnh đó là các lớp liên kết đào tạo cao đẳng, đại học đối với một số mã ngành du lịch.

Theo ông Hoàng Tuấn Long, để đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, một mặt nhà trường có sự phối kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch để có sự kết nối với các doanh nghiệp du lịch, mặt khác, chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo uy tính ở TP.Huế, TP.Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong năm học này, nhiều cán bộ giáo viên của nhà trường được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ sở uy tính trong cả nước. Khoa Tài chính-Kinh tế của Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình sẽ được nâng cấp thành khoa Tài chính-Kinh tế-Du lịch để đáp ứng với nhiệm vụ mới này.

Theo kế hoạch, năm học 2015-2016, các mã ngành về du lịch sẽ thu hút từ 200-400 học viên và dần dần mở rộng quy mô trong các năm học sau. Nguồn học viên trước hết sẽ lấy từ chính nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh, tiếp đó, nhà trường đẩy mạnh khâu tuyên truyền, quảng bá, chú trọng khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng để thu hút học viên tham gia đào tạo.

Cơ hội và tiềm năng trong đào tạo theo địa chỉ của ngành Du lịch là rất lớn, nhưng vẫn còn đó không ít thách thức. Tập đoàn khách sạn Mường Thanh vừa có đợt tuyển dụng nhân sự rầm rộ cho Khách sạn Mường Thanh-Nhật Lệ 5 sao chuẩn bị đi vào sử dụng với nhiều vị trí, từ lễ tân, buồng phòng, đầu bếp, phục vụ nhà hàng, nhà bar... cho đến kế toán, quản trị công nghệ thông tin... Đây là “cơ hội vàng” cho nguồn nhân lực du lịch qua đào tạo của tỉnh ta tiếp cận với một môi trường làm việc chuyên nghiệp, bài bản.

Tuy nhiên, theo chị Kim Anh, phụ trách nhân sự Khách sạn Mường Thanh-Quảng Bình, đợt tuyển này chủ yếu chú trọng vào các đối tượng đã có kinh nghiệm làm việc, hầu như không có nhân viên mới ra trường, chưa qua thực tiễn.

Mặt khác, do tập đoàn có hệ thống đào tạo chuyên nghiệp riêng, thường xuyên có sự bồi dưỡng, trau dồi nghiệp vụ, cho nên, Mường Thanh-Quảng Bình vẫn chưa có sự liên kết đào tạo nhân lực du lịch với các đơn vị đào tạo trên địa bàn. Nhưng, nếu phía đơn vị đào tạo có được sự thuyết phục về chất lượng chuyên môn, được sự chấp thuận từ phía tập đoàn, Mường Thanh-Quảng Bình sẵn sàng có sự hợp tác, kết nối trong đào tạo theo hướng hai bên cùng có lợi.

Đá Nhảy-điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: P.V
Đá Nhảy-điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: P.V

Thực tế này cho thấy rõ ràng chất lượng đào tạo mới chính là then chốt của vấn đề, bởi hơn ai hết, các doanh nghiệp luôn xem đây là yếu tố quyết định hàng đầu để sử dụng nguồn nhân lực. Một khó khăn khác đối với các cơ sở đào tạo của tỉnh ta chính là việc thiếu thốn cơ sở vật chất theo đúng chuyên ngành du lịch.

Ông Hoàng Tuấn Long chia sẻ, hiện tại, Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu cơ sở vật chất cho đào tạo du lịch. Bên cạnh việc sẽ được sự hỗ trợ từ phía Hiệp hội Du lịch tỉnh trong quá trình học viên thực tập, nhà trường vẫn thiếu các mô hình thực nghiệm đúng chuẩn, đẳng cấp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Ông Trần Xuân Cương, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh khẳng định, đào tạo có địa chỉ đối với nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch vẫn còn là một điều khá mới mẻ. Phía đơn vị đào tạo, doanh nghiệp và Hiệp hội đang từng bước nỗ lực cùng chia sẻ, khảo sát nhu cầu thực tiễn, đề xuất các bước giải pháp và xây dựng những định hướng vững chắc trong tương lai. Mục tiêu hướng đến đó là sinh viên, học viên sau đào tạo sẽ tìm được đúng ngành nghề mình lựa chọn, phù hợp với năng lực và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp.

Thay vì các doanh nghiệp du lịch sẽ phải bỏ thêm nguồn kinh phí để đào tạo lại sau khi tuyển dụng, giờ đây họ hoàn toàn có thể chủ động trong việc tuyển chọn đội ngũ nhân viên có trình độ tay nghề, hoàn thiện kỹ năng, theo kịp xu hướng phát triển du lịch tỉnh nhà. Phía cơ sở đào tạo có điều kiện nâng cao chất lượng giảng dạy, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, thu hút nguồn ứng viên và tạo niềm tin vững chắc cho người theo học bởi sau đào tạo là có việc làm ngay. Và tất nhiên, đối tượng hưởng lợi chính vẫn là thương hiệu du lịch tỉnh nhà khi có một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, đạt chuẩn.

Để làm được điều này, cần sự vào cuộc sát sao, phối kết hợp chặt chẽ, tích cực giữa 3 bên (nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý du lịch), và cần nhất vẫn là sự mặn mà từ chính các doanh nghiệp.

Mai Nhân