.

Bức tranh xuất khẩu lao động: Những gam màu sáng, tối

Thứ Tư, 08/07/2015, 13:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động đáng kể, mà còn mang về nguồn thu lớn cho địa phương, qua đó đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích to lớn, XKLĐ cũng kéo theo nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội.

Những gam màu sáng

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm tỉnh ta có khoảng 2.000 lượt người đi XKLĐ, tập trung chủ yếu ở các nước: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Trung Đông. Với nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, những năm qua XKLĐ không chỉ mở hướng thoát nghèo bền vững mà còn giúp hàng nghìn hộ dân vươn lên làm giàu, ổn định sinh kế và góp phần đổi mới diện mạo nhiều vùng quê.

Từ phong trào đi XKLĐ, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều “xã xuất ngoại” như:  Nhân Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch), Quảng Xuân (Quảng Trạch), Xuân Ninh (Quảng Ninh)... Có tiền từ XKLĐ, người dân không chỉ làm nhà, mua sắm đồ dùng gia đình, cải thiện cuộc sống, mà còn tạo điều kiện cho anh em, dòng họ vay mượn làm ăn và đầu tư phát triển kinh tế.

Xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), có gần 15% dân số toàn xã đi xuất khẩu lao động. Ông Võ Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch cho biết, toàn xã có khoảng 1.335 người lao động ở nước ngoài (chủ yếu là Hàn Quốc), chiếm khoảng 15% dân số toàn xã. 6 tháng đầu năm 2015, số tiền thu được từ việc XKLĐ đạt trên 80 tỷ đồng. XKLĐ đã làm cho quê hương Nhân Trạch đổi mới hơn hẳn so với các xã khác trong vùng. Từ ngày có phong trào XKLĐ, các chương trình đóng góp, vận động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình công cộng cho quê hương, làng xóm được các gia đình ủng hộ nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Nhờ những đồng tiền gửi về từ XKLĐ, nhiều ngôi nhà khang trang đã được xây dựng ở các làng quê.
Nhờ những đồng tiền gửi về từ XKLĐ, nhiều ngôi nhà khang trang đã được xây dựng ở các làng quê.

Thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, những năm gần đây, mọi người đua nhau đi XKLĐ. Hầu như nhà nào cũng có người đi XKLĐ, có nhà 4 đến 5 người. XKLĐ làm bộ mặt nông thôn của thôn Xuân Hòa thay đổi. Nhiều gia đình thoát ngèo nhờ XKLĐ, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống người dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Có thể khẳng định XKLĐ đã góp phần không nhỏ làm cho diện mạo nhiều làng xã thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều nhà có “của ăn, của để” đã dùng tiền vốn tích lũy được để phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại quê hương.

Còn đó những hệ lụy

Không thể phủ nhận hiệu quả và tầm quan trọng của công tác XKLĐ đối với sự phát triển của nhiều địa phương. Tuy nhiên, khi suy xét lại, cái được nhiều và cái mất cũng không ít.

Tìm con đường thoát nghèo bằng XKLĐ là giải pháp đúng đắn của nhiều hộ gia đình. Song, do kinh tế eo hẹp, không có việc làm và nhận thức chưa đầy đủ nên nhiều lao động đã xuất cảnh trái phép hoặc cố tình cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài khi hết thời hạn hợp đồng lao động.

Được biết, lao động xuất cảnh trái phép chủ yếu do bị lôi kéo, họ được “vẽ” lên một tương lai màu hồng như lương cao, chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Để tạo niềm tin, các đối tượng lừa đảo còn ký hợp đồng viết tay với người lao động với lời bảo đảm sẽ đưa được người ra nước ngoài, bố trí công việc tốt, nếu không sẽ hoàn tiền. Tuy nhiên, khi sang đến nơi người lao động mới biết mình bị lừa, công việc không giống như trong hợp đồng, lương thấp, hoặc làm việc trong điều kiện thiếu thốn vật chất, bị chủ bắt ép...

Chị Hoàng Thị Thơ ở xã Hoàn Trạch (huyện Bố Trạch), có chồng mất sớm, một mình nuôi mẹ già, con nhỏ. Cuộc sống quá thiếu thốn, chị Thơ nghe theo lời bạn bè gom tiền cho chủ môi giới rồi đi sang Trung Quốc làm ăn. Làm việc được 7 tháng, công việc nặng nhọc lại không có thu nhập là mấy, chị trốn về nhưng bị cơ quan chức năng bên Trung Quốc bắt giữ. Không những toàn bộ số tiền vất vả làm được bị thu giữ, mà người nhà chị còn phải gửi sang 17 triệu đồng để chuộc chị về. Vừa mất tiền cho người môi giới, vừa không nhận được một đồng tiền lương nào, nhiều người như chị Thơ phải chịu cảnh bơ vơ, cuối cùng phải tìm đường trốn về Việt Nam.

Mặc dù tình trạng lao động tự ý ở lại Hàn Quốc sau khi hết hạn hợp đồng đã giảm song chưa triệt để. Đến tháng 6-2015, toàn tỉnh vẫn còn 36 lao động hết thời hạn nhưng chưa về nước, điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia, khi mà chính phủ Hàn Quốc chỉ vừa mới  trở lại tiếp nhận lao động Việt Nam

Bên cạnh đó, có nhiều thanh niên đi XKLĐ từ khi còn quá trẻ, cả hiểu biết và nhận thức đều còn non kém, lại mải chơi không chịu làm việc nên khi sang nước sở tại dần sa vào các tệ nạn xã hội, bị chủ sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng sớm, bị trục xuất về nước. Nhiều gia đình vì thế mà ngập trong nợ nần, túng quẫn, bế tắc.

Ngược lại, không ít người trở về đã không thể tái hòa nhập cộng đồng, bởi họ đã quen với công việc có thu nhập cao, nên khi quay lại với việc đồng áng đầu tắt mặt tối, nhưng thu nhập thấp, họ không chịu được. Đáng nói hơn cả là tình trạng thất nghiệp sau XKLĐ. Không ít người đi XKLĐ trở về chưa xác định được sẽ làm gì, sử dụng đồng vốn thế nào để sinh lời và ổn định cuộc sống lâu dài. Vì thế, một bộ phận không nhỏ lao động sau khi về nước lại làm thủ tục, hồ sơ đi XKLĐ lần 2, lần 3 hoặc tiếp tục tái thất nghiệp

Với những hệ lụy trên, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương nên chăng cần nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả công tác XKLĐ một cách toàn diện hơn, sâu sát hơn. Từ đó, có những giải pháp thiết thực để XKLĐ đi đúng hướng, thực sự trở thành con đường thoát nghèo, ổn định sinh kế cho người lao động.

Phạm Hà