.
Kỷ niệm 129 năm ngày Quốc tế lao động (1-5-1886 - 1-5-2015)

Vai trò của tổ chức công đoàn không ngừng được khẳng định qua các phong trào thi đua

Thứ Sáu, 01/05/2015, 06:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, cùng với các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, đội ngũ CNVCLĐ tỉnh ta đã có những nỗ lực vượt bậc trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Những kết quả đạt được của các cấp công đoàn tỉnh ta đã góp phần không nhỏ cùng với tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Thuận Văn, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh xung quanh nội dung này.

- Phóng viên: Trước hết, xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật nhất trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của các cấp công đoàn tỉnh ta thời gian qua?

- Đồng chí Lê Thuận Văn: Thời gian qua, các phong trào thi đua đã được các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức phát động, triển khai kịp thời với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, sát thực tế, phù hợp với đặc điểm ngành nghề, điều kiện địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

Trong đó nổi bật là phong trào: "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; “xanh – sạch – đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; “Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng”, “Thi đua liên kết phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”... Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn các cấp thực hiện phong trào thi đua gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch 5 năm (2011-2015) theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các nghị quyết và nhiệm vụ công tác Công đoàn hàng năm.

Riêng trong năm 2014 đã có 9.316 đề tài, sáng kiến làm lợi cho Nhà nước hơn 9,8 tỷ đồng áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn; có 1 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và 1 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 2 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Tổng Liên đoàn công nhận 4 chiến sỹ thi đua và tặng Bằng Lao động sáng tạo cho 11 cá nhân; UBND tỉnh tặng bằng khen cho 2 tập thể, 53 cá nhân và LĐLĐ tỉnh tặng cờ, bằng khen cho trên 130 tập thể, 200 cá nhân... Kết quả phong trào thi đua do các cấp công đoàn thực hiện đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.

Đồng chí Lê Thuận Văn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng cờ thi đua cho các công đoàn cơ sở  có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2014.
Đồng chí Lê Thuận Văn, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng cờ thi đua cho các công đoàn cơ sở có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2014.

- Phóng viên: Để có được những kết quả nổi bật ấy, LĐLĐ tỉnh đã đề ra những chủ trương, giải pháp thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lê Thuận Văn: Các giải pháp chủ yếu mà LĐLĐ tỉnh đề ra là: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, CNVCLĐ nhận thức đầy đủ vai trò, tác dụng của công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới; tuyên truyền phổ biến Luật Thi đua-Khen thưởng, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, địa phương về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm tạo thêm động lực cho cán bộ công đoàn và CNVCLĐ tham gia phong trào thi đua yêu nước.

Giải pháp tiếp theo là phát động các phong trào thi đua với nhưng nội dung, hình thức phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế hoạch SXKD của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Mặt khác, công đoàn các cấp cần tham gia tìm kiếm việc làm, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong SXKD, từ đó giúp doanh nghiệp từng bước ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Giải pháp cuối cùng là chỉ đạo các cấp công đoàn định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện các phong trào thi đua; chú trọng khen thưởng, biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến về gương “người tốt, việc tốt” trong CNVCLĐ. Đặc biệt là quan tâm khen thưởng CNVCLĐ trực tiếp sản xuất và công tác để tạo động lực mạnh mẽ trong thực hiện phong trào thi đua trong từng đơn vị...

- Phóng viên: Vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn đã và đang được khẳng định. Tuy nhiên, để tiếp tục bảo đảm chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tổ chức công đoàn vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. Đồng chí có thể nói rõ hơn về những khó khăn này?

- Đồng chí Lê Thuận Văn: Trong điều kiện mở cửa, hội nhập và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên số lượng công nhân khu vực ngoài Nhà nước có xu hướng tăng lên, song tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn chưa theo kịp sự phát triển đó.

Một khó khăn nữa là các doanh nghiệp tìm mọi biện pháp để giảm chi phí sản xuất dẫn đến tình trạng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cũng như các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tiền lương của người lao động thấp, cường độ lao động cao, thời gian làm việc của người lao động còn bị kéo dài quá quy định của pháp luật... dẫn đến quan hệ lao động ngày càng phức tạp.

Về phía người lao động thì trình độ học vấn, tay nghề và hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế. Trong khi đó nhu cầu về việc làm cũng như thực trạng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn nên họ cần làm việc mà không quan tâm đến quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Ở góc độ quản lý nhà nước thì hệ thống chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, nhất là chính sách đối với công nhân lao động như tiền lương, phúc lợi xã hội và các chính sách xã hội khác còn chậm, chưa hợp lý; việc xử lý vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp chưa nghiêm, chế tài chưa đủ mạnh... nên vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp né tránh việc chấp hành pháp luật lao động.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở chủ yếu là công tác kiêm nhiệm, chưa được đào tạo nghiệp vụ công đoàn nên việc tổ chức, hoạt động công đoàn còn yếu.

- Phóng viên: Để tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và bảo đảm chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, thời gian tới các cấp công đoàn cần có những giải pháp thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lê Thuận Văn: Để thực hiện được chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, thời gian tới các cấp công đoàn có những giải pháp thực hiện sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung quy định của pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động.

Hai là, tích cực phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt dân chủ cơ sở; tổ chức tốt hội nghị dân chủ đầu năm, đặc biệt là chú trọng hình thức dân chủ đối thoại tại nơi làm việc. Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động thông qua những quy định trong thực hiện dân chủ cơ sở.

Bên cạnh đó cần kịp thời chia sẻ, giải tỏa vướng mắc của người lao động, hướng cho người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Ngoài ra, tổ chức công đoàn phải thường xuyên sâu sát cơ sở để nắm bắt thông tin về tình hình việc làm, đời sống, việc chấp hành các chế độ, chính sách cho người lao động, điều kiện làm việc, môi trường làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Giải pháp cuối cùng là xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh trong doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng doanh nghiệp ngày một lớn mạnh; chủ động đề xuất người sử dụng lao động tiến hành thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp; kịp thời kiến nghị công đoàn cấp trên đề nghị người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết các ý kiến, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hoàng (thực hiện)