.

Siết chặt quản lý các điểm thu mua phế liệu

Thứ Hai, 06/10/2014, 15:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Không chỉ góp phần làm sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên, nghề thu mua phế liệu còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở các địa phương. Tuy nhiên, việc các điểm thu mua phế liệu hoạt động tự phát, không bảo đảm các điều kiện về an toàn kinh doanh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ...

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh phế liệu phải đáp ứng được những yêu cầu bắt buộc như ngoài giấy phép kinh doanh, còn phải có giấy cam kết bảo vệ môi trường, có hệ thống phòng chống cháy nổ... Quy định là thế nhưng trên thực tế, phần lớn các cơ sở kinh doanh thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh ta đều hoạt động khi chưa bảo đảm được các điều kiện nêu trên.

Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh ta có khoảng 200 điểm kinh doanh phế liệu. Tuy nhiên trong số này, số cơ sở được cấp phép kinh doanh chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Việc các điểm thu mua phế liệu không có một loại giấy tờ nào để chứng minh được cấp phép kinh doanh, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường xung quanh.

Dạo một vòng qua một số tuyến đường lớn, nhỏ tại thành phố Đồng Hới và đặc biệt là tại các xã, huyện lân cận, không khó để bắt gặp hình ảnh các bãi phế liệu nằm nhếch nhác ngay giữa khu dân cư. Phế liệu được gom từ nhiều nguồn khác nhau, đủ các chủng loại từ nylon, sắt, thép, nhựa đến vỏ lon, vỏ chai... được chất đống la liệt từ ngoài vào trong như một bãi rác, trông rất lôi thôi và mất vệ sinh.

Thậm chí để tiện bề “buôn bán”, nhiều chủ cơ sở kinh doanh đã không ngần ngại lấn chiếm cả lòng lề đường để làm nơi tập kết phế liệu. Và không ít điểm kinh doanh phế bốc mùi hôi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường sống của những người dân xung quanh.

Các điểm thu mua phế liệu không bảo đảm về an toàn kinh doanh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường
Các điểm thu mua phế liệu không bảo đảm về an toàn kinh doanh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Ngay trên đường Lê Thánh Tông (thành phố Đồng Hới), bắt đầu từ khoảng 9 giờ sáng đã có nhiều người đem phế liệu thu mua được đến bán cho cơ sở. Theo phản ánh của người dân xung quanh, mỗi ngày có hàng chục chuyến xe chất đầy phế liệu được thu gom từ các nơi về. Số phế liệu thu mua gồm đủ loại, từ bìa cát tông, vỏ bia đến tivi, đồ điện hỏng...

Không ít người dân sống gần các “vựa” phế liệu than phiền: Quả thật chúng tôi rất khổ sở khi phải “sống chung” với điểm kinh doanh này vì hôi hám và bụi bặm. Tại đây, người mua kẻ người bán cứ vô tư quẳng hàng hóa xuống, mặc cho bụi bay ra khắp nơi. Chưa kể khi trời mưa, phế liệu bị ướt bốc mùi rất khó chịu và "chẳng may" gặp phế liệu có hóa chất thì sẽ còn đáng sợ hơn rất nhiều...

Bên cạnh việc gây ô nhiễm, các cơ sở kinh doanh phế liệu còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo đảm an toàn cháy nổ. Quan sát một số điểm thu mua phế liệu trên một số tuyến đường như Hữu Nghị, Lê Thánh Tông... (thành phố Đồng Hới), chúng tôi nhận thấy các loại phế liệu được bày biện ngổn ngang, chiếm hết lối đi. Hệ thống đường dây điện cũ kỹ, giăng mắc chằng chịt trong khi nhiều loại phế liệu như bình ga cũ,  ti vi cũ... có nguy cơ gây cháy nổ rất cao.

Đáng chú ý là hầu hết các cơ sở này đều không được trang bị bất kỳ một dụng cụ phòng cháy chữa cháy nào, lại nằm xen kẽ trong khu dân cư, nên khi gặp sự cố sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Cần có giải pháp

Trên thực tế, không phủ nhận vai trò quan trọng của các cơ sở thu mua phế liệu trong việc thu gom, phân loại một lượng lớn rác sinh hoạt ở khu dân cư, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Tuy nhiên, việc các cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động tự phát và không chấp hành các điều kiện về vệ sinh, an toàn cháy nổ nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Theo ông Lê Hải Thành, Chi cục Phó, Chi cục Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thì hiện nay, việc quản lý các cơ sở kinh doanh phế liệu được giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, thị xã. Tuy nhiên do lực lượng mỏng, khối lượng công việc lại nhiều nên công tác kiểm tra xử lý vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Để lập lại trật tự trên lĩnh vực này, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các điểm thu mua, tái chế phế liệu. Từ đó, yêu cầu các đơn vị này phải ký cam kết, đầu tư đầy đủ các trang thiết bị xử lý chất thải, rác thải trước khi tiến hành kinh doanh.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các chủ cơ sở kinh doanh, nhằm giúp cho họ hiểu hơn việc thu mua phế liệu phải bảo đảm cảnh quan môi trường, phòng chống cháy, nổ.

Riêng đối với các cơ sở chưa có giấy phép kinh doanh hoặc có giấy phép nhưng chưa tuân thủ đúng các quy định, tùy theo mức độ sẽ xử phạt hành chính, đồng thời ấn định thời gian khắc phục và hướng dẫn cho các cơ sở này thực hiện kinh doanh đúng các quy định...

Rõ ràng các cơ sở thu mua phế liệu đã và đang góp phần không nhỏ trong việc làm sạch môi trường thông qua việc thu gom rác thải sinh hoạt, phân tán rải rác trong các hộ gia đình, hộ kinh doanh, nơi công cộng...

Tuy nhiên, để các cơ sở này không bị biến thành những "bãi rác tập trung", đồng thời đáp ứng được các yêu cầu bắt buộc về bảo đảm an toàn trước khi kinh doanh... đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý. Có như vậy, nhiều tuyến đường mới thực sự đẹp đúng nghĩa và người dân mới thực sự an toàn về sức khỏe.                  

P.V