.

Nâng cao năng lực cải cách hành chính bằng ISO

Thứ Hai, 15/09/2014, 14:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 được đánh giá mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong hành chính công, đó là tạo sự minh bạch trong triển khai các thủ tục, trách nhiệm, nhiệm vụ; công chức được nâng cao về nhận thức, lề lối làm việc; chuẩn hóa các quy trình, thủ tục hành chính về trình tự thời gian, trách nhiệm thực hiện; xây dựng hệ thống kiểm soát tốt các tài liệu, tránh sai sót khi ban hành và áp dụng; trở thành đầu vào cho công cuộc cải cách hành chính và góp phần cải tiến môi trường làm việc.

Chính vì vậy, việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh ta đóng một vai trò rất quan trọng trong lộ trình nâng cao năng lực cải cách hành chính.

Trên thực tế, ISO 9001:2008 là tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành, có thể áp dụng cho mọi đối tượng sản xuất, kinh doanh, hành chính công. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 áp dụng trong các cơ quan hành chính được thực hiện thông qua việc xây dựng và áp dụng hệ thống quy trình xử lý công việc khoa học, hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm tạo điều kiện để cơ quan hành chính nhà nước kiểm soát được quá trình giải quyết các thủ tục hành chính và các công việc trong nội bộ cơ quan, nâng cao năng suất chất lượng dịch vụ công và hiệu quả công tác quản lý.

Để góp phần thực hiện Chương trình cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20-6-2006, Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg ngày 30-9-2009 và Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 5-3-2014 về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định số 1874/QĐ-UBND ngày 16-8-2007, Quyết định số 3307/QĐ-UBND ngày 17-11-2009, Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 3-3-2011 và mới nhất là Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 21-4-2014 về phê duyệt Kế hoạch áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh ta theo từng giai đoạn.

Theo lộ trình đã vạch ra này, các cơ quan sau đây phải xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, bao gồm: UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện; đồng thời khuyến khích UBND xã, phường, thị trấn và các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng, áp dụng. Hạn cuối cho các cơ quan, đơn vị chưa xây dựng hệ thống quản lý chất lượng là trước ngày 31-12-2015 phải thực hiện xây dựng, áp dụng và công bố.

Tại hội nghị tập huấn xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định, từ năm 2008 đến nay, tỉnh ta đã có 7 huyện, thành phố và 17 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được bố trí kinh phí để xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. 17 cơ quan và 5 huyện, thành phố được cấp giấy chứng nhận.

Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 đã có hiệu quả đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, kiểm soát việc thực hiện các thủ tục hành chính, chất lượng công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao, tạo lòng tin và sự hài lòng trong nhân dân.

Tuy nhiên, việc áp dụng chưa bảo đảm đúng tiến độ so với kế hoạch đề ra, toàn tỉnh hiện có 20/44 cơ quan, đơn vị thuộc diện phải áp dụng nhưng chưa thực hiện, bởi chưa được bố trí kinh phí theo kế hoạch. Một số đơn vị chưa thường xuyên đánh giá nội bộ theo định kỳ, chưa sửa đổi, bổ sung, cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính vào các quy trình, hoặc không tiến hành hành động khắc phục, cải tiến, do đó, hiệu quả mang lại chưa cao.

Trong thời gian tới, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị phải xem đây như một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong công cuộc cải cách hành chính, từ đó, góp phần từng bước nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh nhà.

M.N