.

Siết chặt quản lý kinh doanh hàng rong

Thứ Sáu, 04/07/2014, 10:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện nhiều đối tượng bán hàng rong. Hàng được đổ đống, bày bán trên nhiều tuyến đường với nhiều chủng loại, từ hàng may mặc, hàng tạp hoá, đồ chơi trẻ em… cho đến chăn ga gối nệm. Tình trạng này vừa gây ảnh hưởng tới trật tự giao thông, mỹ quan đô thị…

Theo quy hoạch, vỉa hè là hành lang an toàn giao thông dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, có một thực tế đang xảy ra là hầu hết vỉa hè ở thành phố hay những nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, dân cư đều được chiếm dụng vào mục đích kinh doanh từ bán hàng rong cho tới bày bán hàng ăn uống.

Dạo qua một số tuyến đường trên địa bàn T.P Đồng Hới, không khó để bắt gặp hiện tượng nhiều đối tượng bán hàng rong đổ hàng từng đống trên vỉa hè các tuyến đường. Hình thức bán hàng này rất đơn giản, chỉ cần một tấm bạt hoặc ni lông trải ở vỉa hè, người bán hàng rong đã có thể thoải mái đổ hàng ra bán.

Thông thường tại các điểm bán hàng dạng này thường kèm theo những “thông điệp” như xả hàng, hàng đại hạ giá, hàng thanh lý... nhằm đánh vào tâm lý thích mua rẻ, mua đồ giảm giá của người tiêu dùng. Thấy đông người chen vào mua áo phong giá rẻ tại một điểm hàng bán hàng rong trên đường Hữu Nghị, chúng tôi vào hỏi giá, mỗi chiếc áo phong khá đẹp giá chỉ vài chục nghìn đồng.

Tuy nhiên, những chiếc áo giá rẻ này chẳng biết nguồn gốc xuất xứ ở đâu, chủ hàng đa số lại là người từ các tỉnh miền Bắc vào bán; lý do mà họ đưa ra là hàng thanh lý, hàng lỗi nên bán với giá rẻ. Những điểm bán hàng di động trên vỉa hè thường gây lộn xộn, mất trật tự giao thông, gây mất công bằng đối với các hộ kinh doanh ở chợ hay các cửa hàng, cửa hiệu có đóng nộp thuế đầy đủ.

Kinh doanh hàng rong gây ảnh hưởng tới trật tự giao thông, mỹ quan đô thị.
Kinh doanh hàng rong gây ảnh hưởng tới trật tự giao thông, mỹ quan đô thị.

Chị Trần Thị Viễn, một tiểu thương chuyên kinh doanh hàng quần áo may sẵn ở chợ Nam Lý (Đồng Hới) chia sẻ: “Hiện tượng bán hàng rong giá rẻ tại vỉa hè chắc chắn có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các tiểu thương trong chợ. Bởi để có một ki ốt bán ở chợ, tiểu thương phải đầu tư hàng trăm triệu đồng mua quầy, kinh doanh hàng tháng đều phải đóng thuế, đóng phí vệ sinh, bảo vệ... Đầu vào hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên tiểu thương cũng phải cân đối bán đầu ra bảo đảm có chút lợi nhuận, không thể bán đại hạ giá như hàng ở vỉa hè...” .

Đánh vào tâm lí người tiêu dùng thích rẻ, thích mua hàng giảm giá, hàng khuyến mãi, các đối tượng bán hàng rong thường đi từng chuyến với đủ các mặt hàng. Các điểm bán hàng rong thường xuyên di chuyển địa điểm kinh doanh. Thông thường, tại mỗi điểm, người bán hàng chỉ bán vài ngày, sau đó lại chuyển đến nơi mới.

Do đó, người mua khó mà có thể tìm họ để khiếu nại hay đổi lại mỗi khi phát hiện ra hàng không được như  ý...  Dạo qua các điểm bán hàng, thấy các sản phẩm này bán khá nhanh, giá rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng chính hãng. Chẳng hạn các loại vỏ gối giá 40- 45 nghìn đồng/đôi, chăn và vỏ chăn bông siêu nhẹ giá 200 - 220 nghìn đồng/chiếc...

Không ít người đi đường ham rẻ đã mua khá nhiều sản phẩm từ các điểm bán hàng kiểu này. Tuy nhiên, qua sử dụng, một số người dân đã tỏ ra không hài lòng khi chất lượng của các mặt hàng này quá kém. Chị Nguyễn Thị Hải Yến ở Nam Lý, Đồng Hới phàn nàn: Ban đầu thấy hình thức đẹp, hoa văn, màu sắc chẳng thua kém mặt hàng tốt chính hãng, nên tôi mua một loạt thay thế vỏ  gối cũ... nhưng chỉ qua nước giặt đầu đã thấy sản phẩm bạc màu nhanh, sau vài lần sử dụng vải đã mỏng dần và rất dễ rách.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng thì hàng rong bán ở vỉa hè chủ yếu là hàng trôi nổi, thậm chí người bán còn trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng vào để bán. Theo ông Nguyễn Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thì hàng tháng lực lượng quản lý thị trường đều có kế hoạch kiểm tra hộ kinh doanh vỉa hè nhưng việc làm này cũng như “ném đá ao bèo” do lực lượng quá mỏng, rất khó để duy trì thường xuyên nên cứ dẹp xong chỗ này lại phình ra chỗ khác. Đặc biệt, muốn giám định hàng giả, hàng nhái, lực lượng quản lý thị trường phải có yêu cầu từ chủ sử hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái; chính điều này là rào cản đối với cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý.

Để siết chặt quản lý hoạt động bán hàng rong, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có quy định về địa điểm được phép bán, kinh doanh hàng rong nhằm bảo đảm hành lang an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường và thuận lợi cho công tác kiểm tra. Chính quyền địa phương phường, xã và trật tự đô thị... cần phải có sự vào cuộc đồng bộ.

Bên cạnh đó, cần có chế tài mạnh hơn để xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm, nhằm quản lý được chất lượng các mặt hàng và bảo đảm việc đóng góp đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Đặc biệt, mỗi người tiêu dùng hãy trở thành những nhà tiêu dùng thông minh để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.                                     

P.V