.

Nghị lực sống của hai cô gái khiếm thị

Thứ Năm, 10/07/2014, 09:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáu tuổi cha mẹ mất, để lại hai chị em với nỗi đau tật nguyền. Chị Trần Thị Thuận và em gái là Trần Thị Thái ở thôn La Hà Đông (Quảng Văn, thị xã Ba Đồn) bị mù cả hai mắt từ khi mới sinh ra. Hai chị em phải sống nương tựa vào nhau bằng nghề làm nón, đan mây tre, vượt qua mọi khó khăn để hòa nhập với cộng đồng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh chị em, chị Trần Thị Thuận và em gái út Trần Thị Thái không được may mắn. Ngay từ khi sinh ra đã không nhìn thấy ánh sáng, khi lên 6 tuổi, bố mẹ qua đời.

Sống hơn nửa đời người cũng chính là từng ấy năm các chị phải lần mò trong bóng tối. Mặc dù mù cả hai mắt không nhìn thấy gì nhưng hai chị chưa một lần có ý nghĩ sống dựa dẫm vào người khác.

Có gặp gỡ và tiếp xúc với hai chị, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn trong cuộc sống đời thường của các chị và cảm phục ý chí chí kiên cường vượt khó bằng mọi cách để vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Những thiệt thòi và bất hạnh do tật nguyền đã khiến cho họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng, hai cô gái có số phận không may mắn ấy đã vượt lên trên nỗi bất hạnh bằng chính nghị lực bản thân để góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Mặc dù bị mù nhưng hai chị Thuận và Thái vẫn chằm nón để kiếm tiền nuôi sống nhau qua ngày.
Mặc dù bị mù nhưng hai chị Thuận và Thái vẫn chằm nón để kiếm tiền nuôi sống nhau qua ngày.

Chị Thuận cho biết: "Sinh ra trong cảnh gia đình nghèo khó, may mắn ở quê có nghề chằm nón, đan mây tre là nghề nhẹ nhàng nên tôi đã học. Học chằm nón thật khó khăn với một người mù như tôi, có những lúc không may nón mà may vào tay mình".

Để có tiền nuôi sống bản thân, cả hai chị đều phải cố gắng tự tìm cho mình việc để làm. Hàng ngày, hai chị em đi lấy nón người ta thuê về chằm được từ 6 đến 8 cái, mỗi cái được 4.000 đồng tiền công, hoặc đi đan mây thuê cho người khác. Không đủ để làm giàu nhưng cũng đủ để hai chị em trang trải cuộc sống hàng ngày như những người bình thường khác.

Ngồi nhìn các chị chằm nón chúng tôi không hết ngỡ ngàng, những cánh tay chằm nón rất nhanh nhẹn và miệng thì vẫn luôn tươi cười. Bằng đôi tay của chính mình các chị luôn tự học hỏi không ngại khó để có thể làm nên những chiếc nón lá để có thu nhập nuôi sống bản thân.

Chị Thái tâm sự: “Mình còn sức khỏe cần cố gắng lao động chứ không nên trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác, vả lại anh em trong gia đình ai cũng còn nghèo khổ  phải lo gia đình và con cái, anh chị có giúp đỡ thì giúp khi ốm đau, còn mình đang có sức khỏe thì nên làm việc để tự nuôi sống bản thân. Việc gì cũng vậy nếu chịu khó học hỏi, cần cù, nhẫn nại thì sẽ làm được”.

Các chị rất cần cù, siêng năng và chịu khó. Riêng chị Thái, không những biết chằm nón mà còn biết đan mây tre truyền thống và còn làm rất đẹp. Những người bình thường học nghề làm mây, chằm nón cũng không phải là dễ, còn với các chị là những người bị khiếm thị thì mọi thứ  ban đầu đều phải nỗ lực rất nhiều mới có thể làm được. Hiện nay, trong nghề đan mây tre truyền thống, chị được xem là người có tay nghề cao và tạo ra sản phẩm đẹp không kém những người khác.

Không vì đôi mắt tật nguyền mà buông xuôi theo số phận, sự bất hạnh đã trở thành động lực giúp các chị vượt qua mọi khó khăn. Có thể nói hai chị là tấm gương điển hình của những người "tàn nhưng không phế".

Trần Mai-T.Hoa