.

"Người mẹ" vĩ đại của người Rục

Thứ Ba, 04/02/2014, 16:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 50 năm rời hang đá, người Rục đã thực sự bắt nhịp được với thế giới văn minh, đã tự tay làm được lúa nước. Thế nhưng đối với họ, rừng vẫn là người mẹ như đã từng che chở, nuôi dưỡng ngàn đời. Và mỗi khi nhớ "mẹ rừng", một số người Rục lại rời nhà vào hang đá để sống cuộc đời nguyên thuỷ...

Tôi đã từng sống với đồng bào Rục 2 ngày 2 đêm trong hang đá như cách mà đồng bào đã sống từ thời hồng hoang. Thời gian đó quả là ít ỏi để nói rằng tôi đã hiểu phần nào về một trong 10 tộc người bí ẩn nhất thế giới này. Nhưng những câu chuyện mà tôi ghi nhận được trong những ngày sống chung với họ thì có lẽ cũng rất ít người biết. Đó là những câu chuyện về cuộc sống hồng hoang trong rừng mà ở đó người Rục luôn coi rừng là... mẹ!

Cơm nhúc

Bây giờ người Rục đã có gạo, ngô, sắn để làm lương thực trong bữa ăn hàng ngày. Nhưng trước lúc về với xã hội năm 1959, trong cuộc sống hồng hoang giữa rừng già và hang đá thì lương thực cơ bản nhất của người Rục là bột nhúc. Bột nhúc được làm từ thân cây đoác (loại cây họ dừa), thái mỏng phơi nắng hoặc hong khói cho thật khô, sau đó giã nhỏ, lọc sạch xơ để lấy bột nấu ăn như "cơm". Cơm nhúc thơm bùi, ăn vào hơi nhám miệng, có vị ngọt của dừa...

Đã có nhà ở bản Ón nhưng hầu như năm nào ông Cao Băn (60 tuổi) cũng đưa gia đình 3 thế hệ của ông gồm 7 người vào hang đá để sống khoảng 3 tháng. Ông nói, vào đó sống để tiện cho việc làm rẫy, nhưng cũng là cách để ông nguôi nỗi nhớ "mẹ rừng". Ở rừng, gia đình ông cũng có gạo bới từ bản vào, có ngô được trồng ngay trong rẫy, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn làm bột nhúc để cả gia đình ăn. Ông Băn bảo, ăn bột nhúc cho nó đỡ nhớ mùi, để nhắc con cháu nhớ về quá khứ không xa của gia đình, dân tộc mình. Ông Băn kể, ngày xưa cánh rừng nơi người Rục ở có rất nhiều cây đoác nhưng để tìm cây đoác to, có nhiều bột, người Rục cũng mất rất nhiều công sức.

Chế biến món
Chế biến món "cơm nhúc" của người Rục.

Ngày xưa người Rục cũng không sống cố định trong hang đá mà quanh năm họ kéo cả gia đình di cư đi tìm cây đoác và họ gọi hành trình đó là đi “ăn nhúc”. Khi đã tìm được cây đoác to, nhiều tinh bột, người Rục sẽ hạ xuống. Sau đó tìm cái hang đá cạnh đó hoặc dùng cây rừng dựng lán trại để ở. Hàng ngày, cả gia đình người Rục sẽ cùng nhau thái nhỏ thân cây đoác, đem phơi nắng trên những tảng đá. Nếu gặp trời mưa thì họ dùng lửa để hong cho thật khô, sau đó giã mịn, lọc lấy bột mà ăn. Cứ thế,  khi nào ăn hết cây đoác thì gia đình người Rục mới tiếp tục di chuyển đến nơi khác, nếu khu rừng đó có nhiều cây đoác lớn thì thời gian họ lưu trú ở đó sẽ lâu hơn.

Rượu đoác

Ở chốn rừng thiêng nước độc, người Rục rất cần "chất men" để chống chọn với cái rét. Thế nên, ngoài tạo ra bột nhúc để ăn như cơm hàng ngày, người Rục còn nghĩ ra cách làm rượu cũng từ cây đoác gọi là rượu đoác. Cách làm rượu đoác cũng khá đơn giản. Khi tìm thấy cây đoác thân lớn, ưng ý, bước đầu tiên là dọn sạch cây leo, lá bụi bám quanh cây. Dựa vào bẹ lá cây đoác khá chắc, người Rục cho làm giàn (như nhà sàn) ở trên cây, lấy dao sắc cắt một đường ngang ở ngọn cây, dùng lá cây che lại trên đầu phòng khi nước mưa, sương sớm vào làm nhạt rượu, để như thế một tuần sau đó dùng ống tre lồ ô chọc vào vết cắt cho rượu chảy từ vết cắt ra.

Công đoạn cắt ngọn cây đầu tiên được làm khá tỉ mỉ để làm sao cho ngọn cây đoác không bị thối, cho được nhiều rượu trong nhiều tháng sau đó. Nếu cây đoác lâu năm, thân tốt, sau tuần đầu, ngày đầu tiên hứng rượu có thể cho cả chục lít. Sau một ngày phải cắt ngọn cây một phân để cây cho rượu mới. Mỗi ngọn cây đoác từ 4-5 năm tuổi cho rượu từ 3-4 tháng mới hết, sau đó cho cây nghỉ sức, thời gian sau mới lấy rượu lại được. Rượu đoác được lấy hoàn toàn từ tự nhiên, không trộn lẫn bất cứ một hoá chất nào, vì thế người uống vào không đau đầu, không say bí tỷ, không độc hại như thứ rượu mà bây giờ người dưới xuôi đưa lên bán ở bản.

Khi rượu đoác được hứng vào can có vị thơm, ngọt, để tăng thêm hương vị cay nồng, thơm vị men đặc trưng cho người uống, người Rục thường lấy một loại vỏ cây phơi từ 3-4 ngày nắng, sau đó mang ngâm vào rượu chừng một ngày là có thể uống được. Hỏi về kinh nghiệm làm rượu đoác, ông Cao Băn chia sẻ: "Ngoài công đoạn cắt ngọn cây đoác sao cho nhiều rượu, nếu sau khi cắt một tuần mà đoác vẫn không cho nước, có thể lấy ớt chín chà vào vết cắt, lấy lá môn giã mịn bịt lại, khi cây đoác cho rượu, thấy bọt trắng sủi lên xem như công đoạn làm rượu đoác đã thành công".

Chuột đá

Sống trong hoang dã, người Rục còn có những kỹ năng sinh tồn khác từ "mẹ rừng". Đã có "cơm", có "rượu", người Rục lấy thức ăn tươi bằng cách săn bắt rất "nguyên thuỷ". Người Rục đặt bẫy để bắt thú nhưng có một điều rất lạ là họ không đặt bẫy để bắt các loài thú lớn. Đối tượng chính của họ là các loại chuột, trong đó có những loài chuột đá lông đen được cho là đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Bẫy của người Rục thường là bẫy đập được làm từ dây rừng và 1 cành cây. Họ đặt bẫy ở các ngách đá, lấy ốc nướng làm mồi nhử. Chuột bắt được họ cạo lông, nướng hoặc nấu canh để ăn.

Những ngày tôi sống cùng gia đình Cao Băn trong hang đá ở Ma Ma Kà Tắp, còn chứng kiến cách ông nhử chim, chuột để bắn độc nhất vô nhị. Lúc đó đang là mùa khô, các con suối ở vùng đó hầu như cạn hết. Ông Băn phải băng rừng hàng tiếng đồng hồ để lấy nước về dùng. Thế nhưng lúc nào cũng vậy, ông không quên lấy thêm một ít nước để đổ vào một cái hố cạn đào sẵn. Cách miệng hố chừng 3m, ông làm một cái chòi bằng lá rừng kín mít... Tôi thực sự tò mò vì không thể nào hình dung được ông Băn làm vậy để làm gì. Gặng hỏi mãi, ông Băn mới chịu bật mí. Thì ra, ông đào cái hố đổ nước vào là để nhử chim và những con thú nhỏ khát nước tìm đến uống. Còn cái chòi là để ông núp vào trong đó, rình và dùng nỏ để bắn.

Nhiều người Rục không biết chữ, chưa tiếp xúc nhiều với thế giới văn minh, nhưng có cách sinh tồn giữa núi rừng với những kỹ năng vô tận. Và mãi mãi trong tiềm thức của họ rừng là người mẹ vĩ đại nhất đã che chở, cưu mang họ.

Phan Phương