.

Gác rừng ngày Tết

Thứ Ba, 04/02/2014, 11:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Rừng Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn thuộc địa phận các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hoá, có diện tích trên 200.000 ha, có hệ thống sinh học đa dạng và phong phú,  có nhiều gỗ và động vật quý hiếm.

Đón xuân trong rừng...

Cuối năm cũng là thời điểm lâm tặc thường khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật trái phép. Để bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng, bước chân, hành động của những người làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng Phong Nha-Kẻ Bàng gần như gấp gáp, quyết liệt hơn.

Ông Hoàng Quang Vĩnh, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nói: “Xác định thời điểm Tết là giai đoạn hoạt động liều lĩnh của lâm tặc nên chúng tôi đã thực hiện nhiều chiến dịch truy quét. Mỗi chiến dịch kéo dài 10 ngày, anh em các đơn vị được điều động đóng trại giữa rừng để nắm bắt, kịp thời ngăn chặn nạn phá rừng, tháo gỡ bẫy động vật trong rừng, bảo vệ nghiêm ngặt không cho kẻ xấu lợi dụng”.

Mất 40 km đường rừng, xe chúng tôi cũng đến được trạm Km 40, trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Anh Đoàn Xuân Bình, kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng kể cho chúng tôi nghe về sự "đa tài" của những người gác rừng khi họ thực hiện "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) với bà con để làm công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia quản lý, bảo vệ rừng... Câu chuyện của anh Vĩnh đã giúp chúng tôi phần nào hình dung sự vất vả, gian nan trong công việc hàng ngày của những cán bộ kiểm lâm trên địa bàn.

Ông Trần Văn Tiến, Trưởng trạm kiểm lâm Km 40 chia sẻ: “Vào nghề hơn 30 năm nay rồi nhưng số lần được về ăn Tết cùng vợ con tính chưa hết đầu ngón tay. Dịp Tết là dịp lâm tặc thường lợi dụng sơ hở để chặt phá rừng, đánh bẫy động vật quý hiếm nên chúng tôi phải túc trực canh gác 24/24. Ngày thường quân số 80% nhưng ngày Tết chúng tôi cũng phải có 70% quân số ở lại để bảo vệ”.

Lực lượng của Trạm kiểm lâm Km 40 tuần tra bảo vệ rừng.
Lực lượng của Trạm kiểm lâm Km 40 tuần tra bảo vệ rừng.

Theo như lời ông Tiến thì những chiến sĩ kiểm lâm hầu như không có ngày Tết, Tết của họ chỉ là tiếng chim kêu, vượn hót, cái rét thấu xương và những con vắt rừng to và dài đeo bám vào chân mỗi khi đi tuần. Hiện nay, toàn bộ rừng Phong Nha có các trạm kiểm lâm nhưng nói đến gian khổ, khó khăn thì phải kể đến các trạm nằm ở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây gồm trạm kiểm lâm Km 37, Km 40, U Bò và trạm kiểm lâm Km 39 nằm trên đường 20 Quyết Thắng nối với nước bạn Lào.

Trạm dừng chân của họ chỉ là những cái lán đơn sơ, mùa đông gió lạnh lùa thấu xương. Thay vì được ở bên những người thân đón cái Tết ấm áp, các chiến sĩ kiểm lâm bảo vệ rừng Phong Nha-Kẻ Bàng phải băng rừng, vượt suối để canh gác núi rừng. Hơn 10 năm ăn Tết trong rừng, anh Nguyễn Thanh Trì, kiểm lâm viên phụ trách trạm Km 37 tâm sự: “Ăn Tết trong rừng cũng là chuyện thường tình của các chiến sĩ kiểm lâm. Chỉ thương vợ và con ở nhà cáng đáng mọi công việc trong ngày Tết. Muốn về thắp nén nhang cho ông bà trong đêm giao thừa lắm nhưng vì công việc phải chấp nhận thôi”.

Để có được sự ấm áp trong ngày Tết, các chiến sĩ kiểm lâm cũng tổ chức ăn Tết như thường lệ. Tối 29, vừa canh rừng, các anh vẫn nấu bánh chưng. Bánh kẹo, mứt, trái cây được người thân gửi từ dưới xuôi lên. Cá, thịt thì được các chiến sĩ “chặt to, kho mặn” như ngày thường để ăn trong những ngày Tết.

Thức cùng rừng di sản

Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, ngồi trong căn nhà gỗ, mỗi khi có cơn gió lạnh thổi qua, ngọn đèn dầu cháy liêu xiêu rồi tắt phụt. Không khí Tết đang về, nhưng vẫn còn đó những người đang ngày đêm giữ từng cây rừng trong giá rét, đối mặt với những thủ đoạn nguy hiểm của bọn lâm tặc. Đã nhiều năm qua, đón Tết xa nhà, xa người thân không còn xa lạ với những người gác rừng Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Càng gần Tết, lâm tặc hoạt động càng mạnh nên các chiến sĩ kiểm lâm càng phải nỗ lực tuần tra. Theo các chiến sĩ kiểm lâm thì lâm tặc thường lợi dụng đêm tối để cưa trộm gỗ và chuyển gỗ ra ngoài nên họ phải chia nhau đi tuần cả ngày lẫn đêm hoặc chong đèn dầu ngồi canh gác, cứ thấy dấu hiệu khả nghi lại lao nhanh vào rừng.

Anh Hà Quang Triển, Phó trạm kiểm lâm Khe Gát nhớ lại: Trong không khí của ngày Tết, chúng tôi vẫn không xa rời nhiệm vụ. Tối mồng 2 Tết Quý Tỵ (2013), đúng 10h đêm, trong cái rét thấu xương của mùa đông, tôi cùng các chiến sĩ kiểm lâm trong trạm đi tuần rừng. Nghe tiếng máy cưa vọng lại từ vách núi, anh em tức tốc lao tiến về phía bọn chúng, sau 45 phút đi bộ, chúng tôi cũng đã đến được điểm khai thác gỗ. Nhưng vì ban đêm, anh em đi tuần bằng đèn pin nên bọn lâm tặc phát hiện và tẩu thoát. Tại hiện trường, một cây sú có đường kính 60cm, bị bọn chúng đốn hạ”.

Rừng rộng và nhiều lâm sản, động vật quý, lâm tặc luôn nhòm ngó, kiểm lâm lại mỏng nên toàn lực lượng luôn căng sức cả ngày lẫn đêm canh giữ di sản. Lơ đễnh chút nào, lâm tặc lợi dụng chút đó.

Đêm giao thừa, giữa rừng di sản không có pháo hoa, chỉ có bếp lửa cháy trong giá rét và những chiến sĩ kiểm lâm vẫn âm thầm, nhẫn nại công việc tuần tra xuyên ngày xuyên đêm, xuyên năm tháng để đem lại sự bình yên trọn vẹn cho những cánh rừng.       

Thanh Hoa