.
Vấn đề hôm nay:

Những con đường... đau khổ!

Thứ Hai, 02/12/2013, 10:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Lại một vấn đề không mới nữa, xe quá tải đang làm tan nát những con đường. Vâng, vấn đề không mới nhưng khi chứng kiến con đường đang bị giày xéo dưới những lốp xe siêu trường, siêu trọng người dân thực sự bức xúc. Bao tiền bạc đổ ra để làm đường nhằm đưa lại những tiện ích cho người sử dụng... thế mà chỉ vài chuyến xe quá tải là có thể nay mai nó sẽ là "con đường đau khổ" vì ổ trâu, ổ voi, vì bụi bặm...

Trên tuyến đường Trần Quang Khải, thành phố Đồng Hới, những xe tải "khủng" đang chở đất cát san lấp mặt bằng ở ven sông Cầu Rào. Đây là công việc bình thường trong xây dựng. Thành phố đang trong thời kỳ  dựng xây, phát triển khó tránh khỏi việc đầu tư xây dựng công trình này, công trình kia. Nhưng điều không bình thường là những "đại xa" này đang làm biến dạng mặt đường.

Bởi tuyến đường và cầu trên đường đang đề cập đến và cũng như phần lớn các tuyến đường nội thị khác ở thành phố Đồng Hới, chỉ chịu được tải trọng đến 13 tấn, còn những chiếc xe kia tải trọng lên đến hàng chục tấn... Đưa những thắc mắc này trao đổi với một cán bộ ngành thanh tra giao thông, được biết, việc làm trên đã được cơ quan chức năng nhắc nhở và đã lập biên bản việc xe quá tải lưu thông trên tuyến đường này. Và cả lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đã cam kết không sử dụng xe quá tải lưu thông trên đường yếu...

Nhưng, đấy là "nói", thanh tra giao thông đâu quản hết 24/24 trên đường... Hiện tại mặt đường đã biến dạng và chắc chắn sau khi hoàn thành việc san lấp mặt bằng ven sông Cầu Rào thì đường Trần Quang Khải đoạn từ quốc lộ 1 đến cầu Công Viên sẽ là "con đường đau khổ"!

Hình như việc tương tự như thế này trên địa bàn thành phố Đồng Hới đã quá quen thuộc. Hậu quả của nó là những tuyến đường đã "đổi đời" cho giao thông thành phố trong những năm qua nay đã phải kêu cứu vì xuống cấp. Có thể kể ra đây những tuyến đường như vậy: đường F325, đường Phan Đình Phùng, đường Hà Huy Tập...

Một câu hỏi lớn là vì sao? Có lẽ về lý những lái xe quá tải có thể cãi lại thanh tra, rằng nói đường tải trọng không quá 13 tấn nhưng thấy biển báo đâu? Vâng, quả là chưa có mấy biển báo để lái xe biết mà tránh đi vào những tuyến đường này(?). Đành rằng, dù không có biển báo nhưng khi chạy qua những tuyến đường này hẳn lái xe cũng cảm nhận được đường dưới bánh xe mình đang lạo xạo, lún nát...

Nhưng nếu có biển báo, xe quá tải có đi không? Thật khó để khẳng định là đi hay không. Nhưng một thực tế là bây giờ các doanh nghiệp đều sử dụng xe tải trọng lớn, trong khi các công trình ở thành phố Đồng Hới thì phần lớn đều phải đi qua những tuyến đường yếu, tải trọng nhỏ hơn 13 tấn. Cái nghịch lý này ai tỏ? Thế là phạt cứ phạt, đi cứ đi và tất nhiên kéo theo đường hư cứ hư...

Cái vòng luẩn quẩn: thêm một công trình lại phải phá đi một hoặc nhiều công trình là các con đường! Trong khi để làm lại mặt đường, theo tính toán của ngành chức năng phải mất ít nhất 250.000 đồng/m2 nếu chỉ rải lại mặt nhựa bình thường. Nếu mặt đường rộng 5 mét, mỗi km đường ngốn mất không dưới 1,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công của Chính phủ sẽ không có nhiều tiền để đầu tư những con đường đã xuống cấp, ít nhất là trong dăm, bảy năm tới. Vì vậy nếu chúng ta không biết giữ gìn những con đường đã có thì e rằng sẽ phải sử dụng những "con đường đau khổ" như thời bao cấp.

Để ngăn chặn hiệu quả việc xe quá tải ở thành phố Đồng Hới cũng như mọi tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh cần có những biện pháp đồng bộ. Trước hết, thông tin về tuyến đường phải đầy đủ, như các biển hiệu về tốc độ, về tải trọng...Tiếp đó việc kiểm tra, kiểm soát nhất là xử lý phải nghiêm túc những trường hợp vi phạm.

Mặt khác khi đầu tư xây dựng công trình tại nội thành Đồng Hới cần có quy định các tuyến đường vận tải vật liệu cho đơn vị thi công, tránh việc xe chở vật liệu qua những tuyến đường đông đúc dân cư, đường yếu... Nếu không có đường bảo đảm thi công cho xe tải trọng lớn thì đơn vị thi công phải cam kết sử dụng xe phù hợp với tải trọng cho phép của tuyến đường...

Phải tìm ra giải pháp để ngăn chặn cái vòng luẩn quẩn: vừa làm vừa phá!

V.H