.

Sức sống mới nơi tâm bão đi qua

Thứ Ba, 31/12/2013, 09:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong hàng chục năm qua, chưa bao giờ huyện Quảng Trạch lại phải hứng chịu thiệt hại do thiên tai gây ra khủng khiếp và dồn dập như năm 2013 này. Trong khi cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đang tập trung sức người, sức của để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra thì hoàn lưu bão số 11 ập về: Lũ lụt, lốc xoáy mặc sức tàn phá tàn sản, cướp đi tính mạng của người dân. Vậy mà, kỳ diệu thay, chỉ sau 2 tháng ngắn ngủi, một sức sống mới đã nhanh chóng trở lại trên vùng đất hoang tàn...

Những con số thiệt hại khổng lồ

Đáng lẽ, đến thời điểm này, cũng không cần phải nhắc đến những thiệt hại mà huyện Quảng Trạch phải gánh chịu do thiên tai gây ra, bởi như thế sẽ gợi lại nhiều nỗi xót xa trong lòng không ít người, nhất là những người bị mất mát lớn về tài sản, có người thân mất đi... Vậy nhưng, theo như lời ông Chủ tịch UBND huyện Đậu Minh Ngọc, nếu không nhắc lại để thấy rõ hơn về những thiệt hại, khó khăn, thì cũng rất khó hình dung được sự nỗ lực, phấn đấu của cấp ủy, chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân huyện Quảng Trạch trong thời gian qua.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Ngọc ngậm ngùi: Thiên tai trong năm 2013 đã làm chết 12 người dân trên địa bàn và bị thương 187 người, gây thiệt hại về cơ sở vật chất, sản xuất của tập thể và nhân dân lên đến hơn 3.288 tỷ đồng. Trong đó, có 107 nhà dân bị sập hoàn toàn, 42.793 nhà bị tốc mái và hư hỏng nặng, 13.306 nhà bị ngập nước. Hàng ngàn công trình phúc lợi, văn hóa như trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, chợ cũng bị hư hại; 251 tàu thuyền bị thiệt hại, trong đó có 34 tàu bị chìm; công trình giao thông bị cuốn trôi 83,3 km, sạt lở 140.000 m3 đất, đá, bê tông; các công trình thủy lợi như kênh mương, đê kè, công trình điện và thông tin liên lạc bị hư hỏng nặng không thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Những con số khô khan trên chưa thể lột tả hết được sự mất mát trên vùng đất đầy tiềm năng ở phía bắc của tỉnh. Chỉ có những con người đã gồng mình trong cuồng phong quăng quật, gầm gào, trong nước lũ dâng tràn, cuộn xoáy, cuộc sống đang ổn định, sung túc, sum vầy bị sụp đổ trong phút chốc mới thực sự hiểu được mình đã mất đi những gì. Ở nhiều địa phương mà chúng tôi từng đến sau khi bão lũ đi như: Quảng Sơn, Cảnh Dương, Quảng Thạch, Quảng Trung và nhiều vùng khác nữa, tràn ngập mất mát, thương đau nhưng không tuyệt vọng!

Chung tay khắc phục hậu quả

Sau khi bão lũ đi qua, Huyện ủy, UBND huyện cùng các ngành, các cấp huyện Quảng Trạch đã kịp thời tổ chức các đoàn về cơ sở kiểm tra tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm sớm ổn định đời sống của nhân dân.

Thôn Hà Sơn (xã Quảng Sơn) lại rực màu ngói mới.
Thôn Hà Sơn (xã Quảng Sơn) lại rực màu ngói mới.

Bí thư Huyện ủy Trần Thắng cho biết: Theo tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân đã tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 10 và hoàn lưu bão 11 gây ra, ưu tiên trước hết là khắc phục hệ thống trường học, trạm y tế và trụ sở các cơ quan để kịp thời phục vụ cho việc học tập, cùng như công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Mặt khác, triển khai lực lượng tại chỗ khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, vệ sinh môi trường, tu sửa tàu thuyền bị hư hỏng sau bão lũ.

Chung tay sẻ chia của những khó khăn, mất mát với người dân huyện Quảng Trạch, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã  tổ chức cứu trợ trên địa bàn tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng, hơn 400 tấn gạo, 47.000 thùng mì tôm và nhiều loại hàng hóa khác như: chăn màn, quần áo, vật dụng gia đình, nước mắm, dầu ăn. UBND huyện Quảng Trạch, các ban, ngành liên quan cũng đã trích kinh phí nhiều tỷ đồng giúp nhân dân bước đầu vượt qua khó khăn.

Đặc biệt, trước thiệt hại nặng nề do bão số 10 và lốc xoáy, lũ lụt gây ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban ngành cấp tỉnh đã trực tiếp đến cơ sở chỉ đạo khắc phục thiệt hại. Các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Đoàn Thanh niên, Y tế đã kịp thời hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn, huy động trên 1.100 người về trực tiếp giúp nhân dân các địa phương. Tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, thuốc phòng bệnh, bảo đảm nhân dân không bị thiếu đói, sớm ổn định đời sống...

Hồi sinh trong nắng xuân

Từ những nỗ lực trên, hiện tại tình hình trên địa bàn huyện cơ bản đã ổn định, đặc biệt, các trường học, trạm y tế đã sớm trở lại hoạt động bình thường ngay sau bão lũ. Phương tiện tàu thuyền bị chìm, mắc cạn của người dân đã trục vớt xong, một số tàu thuyền hư hỏng nặng đang được tu sửa; các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đang dần trở lại bình thường.

Một ngày hửng nắng cuối năm, chúng tôi có dịp về với một số địa phương từng chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai nặng nề nhất ở vùng nam huyện Quảng Trạch. Nhiều xóm làng tan hoang sau bão lũ, nhà cửa bị sập đổ, tốc mái nay đang tràn ngập một màu ngói mới đỏ tươi, đường làng ngõ xóm phong quang. Những cánh đồng ngập ngụa trước đó đã được điểm tô bởi hàng trăm ha sắn, khoai, rau màu các loại, như khoác trên mình một tấm áo xanh, mới.

Ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trung nói: “Do bão lụt tàn phá, thời gian qua, xã chúng tôi chồng chất khó khăn, tưởng chừng như không thể gượng dậy được. Tuy nhiên, Đảng ủy, UBND xã đã quyết tâm phải phát huy nội lực cao độ, lãnh đạo nhân dân đoàn kết, tương thân tương ái, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, của những tổ chức, nhà hảo tâm để ổn định nhanh đời sống sản xuất. Đến nay, đáng mừng là tình hình đã cơ bản ổn định, người dân sau khi sửa chữa nhà cửa đã tập trung khôi phục sản xuất, trồng lại rau màu, chuẩn bị các điều kiện để bước vào vụ sản xuất đông-xuân 2014.

Trên cánh đồng rau màu của xã Quảng Hòa rộn ràng tiếng nói cười. Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Cao Cựu tay thoăn thoắt thu hoạch mấy luống rau màu xanh mướt cho kịp phiên chợ chiều vừa nói với chúng tôi: “Khó khăn mấy rồi cũng qua thôi mấy chú ạ! Như mấy sào ruộng, vườn của nhà tui đó, bão lụt phá đi thì mình làm lại, cái chính là phải quyết tâm, chịu khó và đừng bao giờ nản lòng”.

Sau khi đảo qua một vòng các xã ở vùng Nam để được tận mắt chứng kiến sự hồi sinh đến kỳ diệu của vùng đất này, chúng tôi tạt xe về xã Quảng Sơn - địa phương bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 gây ra trận lốc xoáy kinh hoàng, khiến 3 người chết, 37 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị sập và hư hỏng hoàn toàn, tổng thiệt hại lên đến hơn 82 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Mai Trung Kiên phấn khởi: “Cũng như những địa phương khác, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân chung tay khắc phục hậu quả bão lụt, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, các nhà hảo tâm, giờ đây diện mạo của xã cũng đã đổi thay nhanh chóng, cuộc sống sản xuất dần đi vào ổn định, mừng nhất là không có hộ dân nào bị thiếu đói...”

Về thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn trên một chuyến đò vượt sông Rào Nan, đi giữa ngôi làng cách đây không lâu đổ nát, đã thấy ngời lên sắc đỏ của ngói mới. Cây trong vườn đang đâm chồi biếc, báo hiệu cuộc sống đang hồi sinh. Trưởng thôn Hà Sơn Nguyễn Văn Lân cho biết, 10 hộ nhà bị sập, đã làm lại xong hai cái khang trang, 63 ngôi nhà còn lại trong thôn cũng đã lợp lại mái, kịp giữ ấm trong mùa đông này. Gạo được hỗ trợ, không thiếu, rau đang lên xanh. Nước sạch cấp về tận từng hộ gia đình. Giữa cánh đồng Hà Sơn ngập phù sa sau lũ, người dân đang trồng ngô cho kịp thời vụ và làm vệ sinh đồng ruộng để xuống giống vụ đông-xuân.

Đến thôn Linh Cận Sơn, chúng tôi gặp người dân đang tập trung tại nhà văn hóa thôn để nhận hạt ngô giống. Trưởng thôn Trần Ngọc Giới cho biết, toàn thôn có 247 hộ, đều nhận được hỗ trợ lương thực nên không lo đói. Hơn 200 ngôi nhà bị xiêu vẹo, bay mái đã được dựng lại và thay toàn bộ ngói. 17 nhà bị sập được Nhà nước và cộng đồng hỗ trợ khoảng 40 triệu đồng/nhà. Các gia đình góp thêm để xây dựng ngôi nhà khang trang. Hiện có ba nhà vừa hoàn thành, số còn lại đang làm dở.

Những mất mát, thiệt hại do bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 gây ra trên địa bàn huyện Quảng Trạch là quá lớn và không thể khắc phục được trong một sớm, một chiều, mà phải mất nhiều tháng, nhiều năm. Dù biết là như vậy, nhưng chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, sự giúp đỡ, sẻ chia của các ngành, các cấp, vùng đất này sẽ sớm ổn định và phát triển.

Anh Tuấn