.

Nghe lính Trường Sa kể chuyện Tết

.
18:56, Thứ Bảy, 16/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Chưa một lần đến Trường Sa, chưa nghe gió biển gào thét bên những cây phong ba...nhưng chỉ một lần nghe những người lính đang canh giữ biển trời giữa trùng khơi kể về những cái tết xa nhà, xa người thân lại thắm đượm tình đồng đội, tình quân dân trên đảo, tôi thấy lòng mình xao xuyến, mến thương hơn vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc và cả những người lính biển đảo...

Rộn ràng với Tết

Thời gian nghỉ phép như bóng câu qua cửa sổ, đã đến lúc thượng uý Trần Quốc Lưu phải tạm biệt gia đình, tạm biệt vùng quê mến thương Quảng Tùng (Quảng Trạch) để trở lại với biển đảo Trường Sa. Và phía trước vỏn vẹn có 40 ngày nữa là Tết, với anh đây là cái tết xa nhà thứ 5 và cũng chừng ấy cái tết anh cùng đồng đội đón Tết trên những hòn đảo xa của quần đảo Trường Sa: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây...

Trong những ngày cuối của kỳ nghỉ phép, anh kể về cái tết năm ngoái anh đón cùng đồng đội ở đảo Trường Sa Đông: “Khi những con tàu hải quân mang hàng hóa, quà tết của từ đất liền cập đảo thì cũng là lúc không khí đón Tết trên đảo bắt đầu. Mỗi đoàn khách từ đất liền ra chúc Tết và tặng quà cho bộ đội là những niềm vui khó tả. Những lời chúc, món quà ấy là nguồn động viên tinh thần rất lớn giúp anh và đồng đội chắc tay súng, bảo vệ vững chắc biển trời thân yêu của Tổ quốc Việt Nam”.

Đêm văn nghệ mừng xuân mới ở đảo Song Tử Tây.
Đêm văn nghệ mừng xuân mới ở đảo Song Tử Tây.

Nhưng dù có rộn ràng, náo nhiệt đến đâu thì quê hương, người thân vẫn là nỗi nhớ nhung trĩu nặng trong lòng mỗi người lính. Lưu tâm sự: “Vào những ngày giáp Tết, chỉ mong có một người cùng quê trong các đoàn khách đến thăm là anh em lính đảo như nhìn thấy quê nhà. Sau cái bắt tay là anh em đều sốt sắng chạy quanh đảo tìm quà để gửi về. Anh em nơi đây ai cũng mong được ăn tết cùng gia đình, người thân. Nhưng tất cả đều gạt tình cảm riêng tư vì nhiệm vụ chung cao cả và đều xác định Tổ quốc bình yên thì gia đình mình mới hạnh phúc”.

Mặc dù ở giữa trùng khơi, bốn bề sóng vỗ, nhưng với bàn tay sáng tạo và cả sự lạc quan của người lính, Tết ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị như ở đất liền: thịt lợn, dưa hành, bánh chưng... Anh Lưu kể, rau xanh bình thường là thứ “quý như vàng” ở trên đảo, nhưng ngày Tết món này cũng không thiếu vì anh em trong phân đội đã trồng để dành. 28 Tết được coi là ngày tất niên của các chiến sĩ trên đảo Trường Sa. Từ sáng sớm, mọi người tập trung thắp hương, tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ đảo.

Tiếp đó là các phần việc mổ lợn, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc, tổng vệ sinh doanh trại cho thêm phong quang sạch sẽ đón tết..."Biết là còn rất nhiều thiếu thốn so với đất liền, nhưng anh em lính đảo luôn động viên nhau rằng không dễ gì được đặt chân đến giữa trùng khơi, không dễ gì được đón Tết nơi thiêng liêng của Tổ quốc".

Gần ngày Tết, không khí trên đảo càng nhộn nhịp, căn phòng được trang trí lộng lẫy đầy sắc xuân. Những cành đào, cành mai được làm từ cây phong ba, dùng bao bảo quản làm lá, những bông hoa làm bằng san hô, ốc biển, màu sắc sặc sỡ trông y như thật. Tất cả đều làm cho anh em vơi đi nỗi nhớ quê. Nhiều chiến sĩ lần đầu tiên đón Tết tại đảo nhưng cũng bớt buồn vì tuy ở đảo nhưng cũng có đầy đủ hương vị của ngày Tết cổ truyền. Vài năm lại đây lính đảo đã không còn cảnh phải canh cánh mong thư nhà để được đọc thư chung như những năm trước kia vì toàn đảo đã được phủ sóng viettel, điện cũng đã sáng rực trên đảo lúc đêm về nên cán bộ chiến sĩ nào cũng tươi cười rạng rỡ như mùa xuân.

Lá bàng... gói bánh chưng xanh

Khác với đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối, bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông – một loại cây chỉ mọc và sống trên đảo. So với bánh chưng được gói bằng lá dong và lá chuối, bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông có hương vị rất riêng, rất đặc biệt. “Để khi ăn mỗi người đều cảm nhận được màu xanh của nước biển, hơi thở mằn mặn của muối, vị chát của lá bàng hòa lẫn với mùi thịt, mùi thơm của nếp. Đó là hương vị chỉ có riêng ở hải đảo xa xôi”, anh Lê Đăng Quang, một lính đảo khác quê ở xã Đại Trạch (Bố Trạch) chia sẻ.

Vợ chồng người lính đảo Trường Sa, Trần Quốc Lưu trong ngày đoàn tụ trước khi anh Lưu trở lại đảo đón Tết.
Vợ chồng người lính đảo Trường Sa, Trần Quốc Lưu trong ngày đoàn tụ trước khi anh Lưu trở lại đảo đón Tết.

Anh Quang cũng đã 2 năm đón tết ở quần đảo Trường Sa, với anh mỗi cái tết lại mang những nỗi niềm riêng. Còn nhớ cái tết đầu tiên anh mới ra đảo, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân cứ bám riết lấy anh, nhưng được sự động viên khích lệ của anh em, được nghe giọng nói ấm áp, lời động viên của mẹ, cảm nhận được hương vị ngày tết qua bánh chưng và mứt, những bài hát, câu thơ, câu chuyện vui của đồng đội đã giúp anh xua tan mọi buồn phiền để đón một cái tết xa nhà đầy ý nghĩa.

Cái tết thứ 2 trên đảo không còn là sự xa lạ nữa, anh hồ hởi chào đón năm mới, hòa cùng niềm vui chung của quân và dân trên đảo, anh vui vẻ kể:  “Sau bữa cơm cuối năm, cán bộ chiến sĩ quây quần đón giờ phút thiêng liêng trước bàn thờ Tổ quốc. Giây phút lâng lâng chờ giao thừa cũng giống như ở đất liền và văn nghệ là điều không thể thiếu đối với bộ đội, nhất là bộ đội Trường Sa. Đúng 12 giờ đêm, tiếng pháo tay thay cho những tràng pháo hoa được bắn lên bầu trời, tiếng hò hét như đánh dấu thời khắc quan trọng nhất của năm cũ và năm mới. Những lời chúc mừng năm mới, tất cả đều dõi về phía đất liền thiêng liêng bằng sự tin yêu và sẵn sàng...

Đêm tất niên trên đảo mới thật sự đầm ấm. Bên ánh nến bập bùng, những người lính cùng hát cho nhau nghe những bài hát quê hương với cây guitar. Ai cũng hát bằng cả tiếng lòng, át cả tiếng sóng biển vỗ bốn bề dồn dập, làm vơi đi nỗi nhớ đất liền, đồng thời động viên nhau vượt qua những khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió. Đặc biệt, để Tết ở đảo không kém phần vui tươi như ở đất liền, cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cấp ủy, chỉ huy đảo còn tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo cán bộ chiến sĩ tham gia, như thi gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả, thi làm báo tường, làm cành đào, cành mai đẹp...giữa đảo này với đảo khác, đơn vị này với đơn vị kia...tạo không khí tết vui tươi, náo nhiệt trong cán bộ chiến sĩ”.

Chia tay anh Lưu, anh Quang cũng như những người lính Trường Sa khác đang làm nhiệm vụ trên đảo, với những gương mặt sạm đen nắng gió, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn gian khổ mà các anh phải đối mặt giữa trùng khơi và cả những thiếu thốn tình cảm của quê nhà nhất là trong những ngày Tết thiêng liêng. Nhưng như anh Lưu nói: "Niềm vui lớn nhất của anh em lính đảo là được nhìn thấy Tổ quốc từ đất liền đến hải đảo bình yên trong sóng đại dương".

                                                                     Lan Chi







 

,