Unicef ca ngợi Việt Nam phê chuẩn Công ước La-hay về con nuôi

Cập nhật lúc 08:02, Thứ Sáu, 02/12/2011 (GMT+7)

Unicef đánh giá cao việc Việt Nam phê chuẩn Công ước La-hay về Bảo vệ trẻ em và hợp tác về các vấn đề con nuôi liên quốc gia. Tiếp theo việc Việt Nam ký Công ước La-hay vào tháng 12-2010, Chủ tịch nước đã phê chuẩn Công ước này vào tháng 7-2011. Việt Nam sẽ là thành viên đầy đủ của Công ước La-hay vào tháng 2-2012.
Bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện Unicef tuyên bố,“Unicef chúc mừng Chính phủ Việt Nam tiếp tục đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc cải tiến hệ thống cho và nhận con nuôi. Việc phê chuẩn Công ước La-hay là một bước tiến vượt bậc nhằm đảm bảo việc cho và nhận con nuối là một biện pháp bảo vệ trẻ em và chỉ được sử dụng khi không còn cách nào khác tốt hơn và vì lợi ích tốt nhất của những trẻ không được bố mẹ đẻ chăm sóc”.
Công ước La-hay là một tài liệu pháp lý quan trọng cho trẻ em, gia đình sinh ra các em và những người nhận con nuôi nước ngoài. Văn bản pháp lý quốc tế này đảm bảo việc cho và nhận con nuôi giữa các quốc gia cũng được bảo vệ và tuân theo những tiêu chuẩn được áp dụng cho việc cho và nhận con nuôi ở trong nước và việc cho và nhận con nuôi không phải vì mục đích tài chính của các bên liên quan. Điều này trước tiên là để bảo vệ trẻ em và cũng có tác dụng bảo vệ quyền của cha mẹ đẻ và đảm bảo cho các cha mẹ nuôi rằng trẻ mình nhận nuôi không phải là kết quả của một quá trình phạm pháp.
“Có ba nguyên tắc cơ bản đóng vai trò kim chỉ nam cho mọi quyết định có liên quan đến chăm sóc thay thế lâu dài cho trẻ em. Trước tiên, nhìn chung các giải pháp trên cơ sở nuôi dưỡng tại gia đình được ưu tiên hơn so với việc đưa trẻ vào sống ở các trung tâm; thứ hai, các giải pháp lâu dài được nhìn chung được ưa thích hơn so với các giải pháp tạm thời; ba là các giải pháp trong nước được ưa thích hơn so với các giải pháp liên quan đến quốc gia khác, vì điều này đảm bảo tính liên tục trong việc nuôi dưỡng một đứa trẻ và tôn trọng bối cảnh nguồn gốc dân tộc, tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ,”, bà Sylwander nói.
Trên cơ sở những ảnh hưởng của việc trẻ bị bỏ rơi đối với việc nhận con nuôi trong nước và liên quốc gia, UNICEF hiện nay đang hỗ trợ MOLISA thực hiện một nghiên cứu về trẻ bị bỏ rơi và từ bỏ nhằm giúp hiểu được qui mô, xu hướng và các nguyên nhân sâu xa của việc trẻ bị bỏ rơi ở Việt Nam. Nghiên cứu này góp phần giúp hiểu sâu hơn về các nguyên nhân và các loại hình nuôi dưỡng trẻ ở trung tâm bảo trợ, tạo tiền đề cho việc hình thành và cải thiện các biện pháp phòng ngừa về an sinh cho trẻ cung như các hệ thống bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc không đưa trẻ vào trung tâm và việc mở rộng các hình thức chăm sóc khác nhau đối với trẻ dễ bị tổn thương.
Theo ước tính của Chính phủ, Việt Nam có khoảng 2,1 triệu trẻ em sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn bao gồm 176,000 trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi. Cho và nhận con nuôi là một trong những hình thức chính trong chăm sóc thay thế cho các trẻ em này. Đến cuối những năm 1990, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu trong việc cho con nuôi với ít nhất 10.000 trẻ được nhận nuôi trên toàn thế giới trong thập kỷ qua.

                                                                                                           Theo NDĐT

,
.
.
.