Vướng mắc trong thực hiện chế độ đối với người bị nhiễm chất độc hóa học

Cập nhật lúc 22:51, Thứ Bảy, 17/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, tỉnh ta có hơn 6.700 đối tượng bị hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Đến nay, đã giải quyết chế độ cho hơn 4.700 trường hợp theo quy định của Nhà nước. Hiện có 4.256 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng, trong đó có 2.016 người hoạt động kháng chiến và 2.240 người là con đẻ của họ.

Xác định đây là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, vừa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng.

Để thực hiện các chế độ, chính sách đạt kết quả tốt, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh trước hết chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước, bằng nhiều hình thức như tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác chính sách của các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn; niêm yết văn bản pháp luật tại trụ sở UBND hoặc giới thiệu qua đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; thông qua các tổ chức chính trị- xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Thanh niên xung phong...

Qua đó, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu được ý nghĩa tốt đẹp về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, hiểu rõ điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình lập hồ sơ, xét duyệt, công nhận được hưởng chế độ, chính sách. Cùng với việc chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các cơ quan chức năng chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh những tiêu cực trong quá trình lập hồ sơ nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, đúng quy định của Nhà nước.

Từ năm 2000 đến nay, tỉnh ta đã giải quyết cho hơn 4.700 đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước. Tổng số đối tượng hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 4.256 người. Trong đó, có 2.016 người hoạt động kháng chiến và 2.240 người là con đẻ của họ.

Chất độc dioxin. (Nguồn: Internet)
Chất độc dioxin do không quân Mỹ rải xuống trong chiến tranh Việt Nam. (Nguồn: Internet)
Ngoài việc giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng, các đối tượng đủ điều kiện được giải quyết chế độ ưu đãi khác như bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình, ưu đãi giáo dục-đào tạo cho các đối tượng đi học, tham gia học nghề...; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được điều dưỡng mỗi năm một lần, dưới 82% được điều dưỡng luân phiên 05 năm/lần. Ngoài việc thực hiện các chế độ theo quy định của Nhà nước, một số huyện đã trích ngân sách hàng năm hoặc huy động đóng góp quỹ từ các cá nhân, tổ chức hàng trăm triệu đồng để xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi vào dịp lễ, tết hoặc hỗ trợ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.

Có thể nói, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong những năm qua đã góp phần rất lớn giúp đỡ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên cùng cộng đồng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của Phòng LĐTB và XH các huyện, thành phố, do các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan Nhà nước nhiều lần thay đổi, sửa đổi, bổ sung đối tượng, điều kiện về hồ sơ, thủ tục, biểu mẫu và việc quy định danh mục các loại bệnh, tật để xác định người bị nhiễm chất độc hóa học thiếu cụ thể, rõ ràng gây khó khăn cho đối tượng làm hồ sơ cũng như cán bộ làm công tác chính sách trong việc xác định bệnh, tật, thẩm định hồ sơ. Mặt khác, số cán bộ làm công tác chính sách tại các xã, phường, thị trấn của tỉnh phần lớn kiêm nhiệm nhiều việc, trình độ chuyên môn khác nhau, vị trí công tác thiếu ổn định nên việc theo dõi, nắm bắt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thiếu hệ thống, chưa thường xuyên.

Hiện tại, các bệnh viện trên địa bàn, kể cả Hội đồng Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh chưa có bác sĩ và giám định viên chuyên khoa về thần kinh, nội tiết - đái tháo đường, bên cạnh đó, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giám định một số loại bệnh chưa có, vì vậy gặp khó khăn khi khám, giám định một số bệnh theo danh mục bệnh, tật mà Bộ Y tế ban hành như giám định bệnh thần kinh ngoại biên, đái tháo đường typ2. Việc tổ chức điều trị, xác định bệnh theo danh mục quy định của Bộ Y tế tại một số bệnh viện, cơ sở y tế chưa chính xác cũng là nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giám định, xét duyệt hồ sơ của các đối tượng.

Từ tháng 6-2011, thực hiện Công văn số 1609/LĐTBXH-NCC ngày 29-5-2011 của Bộ LĐ-TB-XH về giải quyết một số vướng mắc liên quan chế độ chất độc hóa học, hiện có hơn 630 hồ sơ của các đối tượng không đủ điều kiện theo quy định đang tạm ngừng tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, chưa kể số hồ sơ còn lưu tại một số huyện, thành phố. Nhiều đối tượng do chưa nắm bắt đầy đủ quy trình lập hồ sơ và các quy định của pháp luật nên đã gửi đơn thư kiến nghị, phản ánh đến các cơ quan chức năng về thủ tục rườm rà, tình trạng chậm giải quyết chế độ. Đáng quan tâm là, do một số quy định chưa chặt chẽ, thiếu cụ thể nên có tình trạng tiêu cực như "mua hồ sơ, bệnh án" trong việc thực hiện chế độ đối với người bị nhiễm chất đốc hóa học, tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng nói chung và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nói riêng, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật của Nhà nước cho nhân dân hiểu rõ;  đồng thời, cần chú trọng bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn bảo đảm năng lực, chuyên môn, ổn định lâu dài, có chế độ phụ cấp phù hợp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm khách quan, công bằng, đúng đối tượng mới tăng thêm ý nghĩa tốt đẹp của chế độ, chính sách.

Một số vướng mắc trong các văn bản pháp luật do các bộ ban hành cũng cần kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn ở cơ sở, với từng địa phương.

                                                                               Nguyễn Ánh Tuyên

,
.
.
.