Chiếc bình vôi của bà
(QBĐT) - Làng nằm ven sông. Chỉ đi qua ngọn tháp nhà thờ và cây đa cổ thụ là về đến cổng làng. Ngày còn nhỏ, mỗi lần về làng bà thường dẫn tôi đi qua lối tắt cánh đồng.
Mùa đông người làng trồng ngô, những luống ngô dậy thì non xanh mơn mởn xạc xào theo từng cơn gió. Dọc theo bãi bồi là bạt ngàn hoa cải, những luống hoa vàng rực nở khắp triền sông đẹp mê mải. Chẳng biết ngày xưa nhà thơ Nghiêm Thị Hằng khi viết bài thơ (Mùa hoa cải) có đi qua làng của bà tôi? Từng cánh hoa cải mong manh rung rinh trước gió trong nắng chiều ven sông khiến tôi nhớ những câu thơ buồn và đẹp về một mùa hoa "Có một mùa hoa cải/nở vàng bên bến sông/em đang thì con gái/đợi anh chưa lấy chồng...". Quê ngoại của bà tôi đẹp như một miền nhớ.
Thời gian như “nước chảy mây trôi’’, loáng cái bà đã thác về miền mây trắng. Sáng nay qua phố chợ cô em gái đã kịp vào hàng trầu mua mấy lá trầu, dăm quả cau, ít vỏ điều và một nhúm thuốc lào để mang ra mộ thắp hương cho bà. Thì ra cô em gái vẫn còn nhớ, mỗi lần ăn trầu bà lại véo vài sợi thuốc ăn kèm. Đây là kiểu đặc trưng ăn trầu của bà tôi. Bà bảo, trầu vỏ khi ăn, kèm theo vài sợi thuốc sẽ có độ say mịn, cho cảm giác đậm đà, ấm áp.Tôi thì cứ nhớ mãi chiếc bình vôi bằng đất nung của bà nơi góc tường.
Ngôi nhà cũ khi xây, ông nội đã cố tình để một ô vuông hình chữ nhật cuối giường nơi bà ngủ. Chiếc bình vôi đặt vừa vặn vào đúng ô vuông. Chiếc bình hình quả cầu tròn, có tay xách phía trên và được khoét một lỗ to bằng đáy chiếc chén mà ông thường uống rượu. Mỗi lần ăn trầu, bà dùng chiếc chìa vôi đảo nhẹ và quệt qua miệng bình lấy ra một ít vôi trắng quệt vào chiếc lá trầu và têm chặt. Têm trầu không đơn thuần là một tập tục của bà, nó còn mang giá trị truyền thống của làng quê tôi từ bao đời nay.
Bà bảo, “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Mỗi lần ở quê có cưới xin, hiếu hỷ, các cụ lại rủ nhau đến nhà gia chủ để giúp bổ cau, têm trầu. Mỗi bàn uống nước đều có một đĩa trầu cau được têm cánh phượng từ những đôi bàn tay khéo léo. Cũng có khi chỉ là những đĩa trầu được têm một cách giản dị, dân dã. Các cụ ở quê tôi thường gọi bình vôi là “ông bình vôi’’.
Theo quan niệm dân gian bình vôi có chức năng như một vị thần cai quản mọi việc thường nhật trong gia đình như “Ông táo” trong bếp nên gọi là ông bình vôi.
Mỗi lần nhà có khách bà lại sai tôi đến chỗ ông bình vôi lấy ra một ít vôi giúp bà. Miếng trầu là phương tiện để các cụ kết nối với nhau, chia sẻ với nhau những công việc đồng áng, mùa vụ. Vị ngọt từ cùi quả cau, vị cay ấm từ lá trầu, vị đắng chát từ vỏ cây, vị nồng ấm từ vôi tất cả hòa quyện nồng nàn trong những ngày mùa đông giá lạnh. Tết đến, xuân về và đặc biệt trong những ngày lễ hội, cưới xin, mừng thọ đều không thể thiếu được lá trầu, quả cau. Trầu cau là biểu trưng cho sự bền chặt, gắn bó, thủy chung. Ăn trầu mà thiếu vôi thì miếng trầu nhạt nhẽo, nước trầu không có màu đỏ sẫm, nồng nàn. Vôi là một thứ gia vị không thể thiếu của trầu, cau.
Ông bình vôi của bà năm xưa bố vẫn giữ nguyên chỗ cũ, dù mấy lần sang sửa lại nhà cửa. Bố bảo, đó là kỷ vật của bà. Chẳng biết những ngày giỗ bà như hôm nay, bà có trở về lấy chiếc chìa vôi để têm trầu như hồi bà còn sống. Ngày xưa, mỗi lần về quê ngoại, bà thường dậy sớm têm trầu và dắt tôi đi theo từ tờ mờ sương sớm. Vào những ngày phiên chợ, người làng đi đông như trẩy hội. Tiếng gọi đò từ lúc gà gáy vọng qua làng rồi rơi mãi xuống bến sông. Đi qua cây đa, bà dừng lại ăn trầu và kể. Cây đa làng mình rất thiêng.
Ngày xưa có cô gái bị giặc bắn hy sinh bên vùng tề khi đi đưa cơm cho du kích. Cây đa cũng là nơi thần linh trú ngụ “Thần cây đa, ma cây gạo”. Chẳng biết thần linh có thật hay không nhưng mỗi lần đi qua tôi vẫn thấy rợn sống lưng, dựng tóc gáy. Mỗi lần như vậy tôi lại níu chặt chiếc áo nâu màu gụ của bà. Trong túi áo bà thế nào cũng có vài miếng trầu têm sẵn mang theo. Bà dặn, sau này cháu đi đâu xa mà lỡ có lạc đường lỡ chợ thì cứ nhìn ngọn đa cao vút ấy mà về.
Trở về làng, chẳng còn bóng những cây đa cổ thụ năm xưa. Thay vào đó là một con đường bê tông và hai hàng cây mới trồng thẳng tắp. Làng quê đã thay áo mới, cánh đồng giờ cũng đã khác xưa. Chỉ còn rất ít những luống hoa cải được trồng nơi bến sông. Bến đò đã được thay bằng chiếc cầu mới. Duy nhất ông bình vôi của bà vẫn nằm chỗ cũ như một chứng nhân. Bóng bà bây giờ ở đâu. Chạy dọc triền sông tôi nhớ bà, nhớ tà áo nâu đất và cái bóng liêu xiêu trong chiều mỗi lần trở về làng cũ.
Đinh Tiến Hải