Chiều chiều vọng tiếng chuông chùa Linh Sơn

  • 08:23 | Thứ Hai, 04/11/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tựa lưng vào một nhánh của dãy Hoành Sơn, trải qua bao thăng trầm dâu bể, chùa Linh Sơn, thôn Tam Đa, xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) là một trong những ngôi cổ tự hình thành khá sớm ở lưu vực sông Gianh.

Từ Quốc lộ 12A theo hướng lên thị trấn Đồng Lê, rẽ phải đi theo con đường vào chợ Cuồi, xã Tiến Hóa chừng khoảng 300m nhìn về hướng đông bắc, cổng tam quan chùa Linh Sơn hiện dần ra trước mặt. Nếu không có lầu chuông của cổng tam quan thì chắc cũng không ai nhận ra đây là dấu tích của một trong những ngôi cổ tự lâu đời của phía Bắc Quảng Bình.

Chùa Linh Sơn tọa lạc ở vị trí đắc địa, trên triền đất cao ráo, lưng tựa vào một nhánh của dãy Hoành Sơn, mặt hướng ra cánh đồng bằng phẳng có tên gọi là Tiền Chùa, xa xa là dòng sông Gianh xanh mát, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình có một không hai.

Theo bà con phật tử, nguyên bản kiến trúc của chùa hình chữ tam, gồm cổng tam quan mà bà con phật tử quen gọi là chùa tiền. Tiếp đến là chánh điện, hay còn gọi là chùa trung, là nơi phật tử đến tụng kinh, niệm Phật. Sau cùng là chùa hậu có 3 gian, nơi đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Quán Thế Âm Bồ tát. Còn hệ thống nhà tăng, nhà oản… đã hư hỏng, sụp đổ nay không còn dấu tích.

Cổng tam quan chùa Linh Sơn.
Một phần tam quan chùa Linh Sơn.

Do hoàn cảnh chiến tranh, tao loạn, chùa Linh Sơn chỉ còn cổng chùa và chùa hậu ba gian bị hư hỏng, xuống cấp khá nặng. Dù đổ nát, hư hỏng nhưng qua quan sát, chúng tôi thấy cổng chùa vẫn còn khá nguyên vẹn và giữ được hình hài. Cổng được xây theo kiểu hình tháp, dưới to, trên nhỏ, chiều cao khoảng 5m. Phía trên có lầu chuông, nơi treo đại hồng chung, kiến trúc giống như cổng nhưng quy mô nhỏ hơn, mái đao, đỉnh mái gắn lưỡng long chầu nguyệt đúc bằng vôi vữa đã bị rơi rụng. Lối ra vào được xây theo hình vòm, móng xây bằng đá, tường xây gạch đặc khá dày, xung quanh được trát vôi vữa, trang trí bằng các loại hoa văn đắp nổi kết hợp hình vẽ như vân mây, hoa chanh, hoa sen, tùng, cúc, trúc, mai, hoa lá, rồng, rùa đội hạc…

Trần chùa hậu mái vòm, được đổ bằng vữa, phía trên lợp ngói âm dương. Cổng mái vòm, ở gian giữa, phía ngoài cửa còn nguyên ba chữ Hán “Linh Sơn tự”, nghĩa là chùa Linh Sơn. Và hai bên là hai câu đối:

Bảo tháp huy hoàng kim vũ trụ

Cảnh đài xước ước ngọc càn khôn

Nghĩa là: Tháp báu rực rỡ như dát vàng khắp vũ trụ/Đài cao lộng lẫy như trải ngọc khắp đất trời. Tất cả chữ Hán ở câu đối và hoành phi đều khảm sứ màu xanh ngọc khá sắc nét. Hai bên chùa hậu có hai miếu theo kiểu kiến trúc mái đao, cũng lợp ngói âm dương, ba mặt cổng vòm, nơi đặt tượng hai vị Hộ pháp. Đây là ông Thiện và ông Ác, nghĩa là khuyến thiện, trừng ác để hộ trì Phật pháp được tạc theo kiểu võ sĩ cổ ngồi trên con nghê, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ.

Theo quan niệm của Phật giáo, việc thờ hai vị Hộ pháp khuyến thiện, trừng ác thể hiện sự tồn tại một cách biện chứng của hai mặt đối nghịch, thiện và ác trong cuộc sống thường ngày. Dưới ánh sáng của Phật pháp, có thể nói đây là hình thức giáo dục con người sâu sắc, khuyên răn mọi người hướng thiện, ăn ở hiền lành, không nên hành xử dã tâm, tàn ác, bách hại người khác. Những người làm việc thiện lành sẽ được các vị thiện thần ủng hộ, trái lại những ai làm điều ác tất sẽ bị các vị ác thần trừng phạt. Nhưng ý nghĩa triết học nhân sinh thâm sâu, cao cả hơn, đó chính là không chỉ có các vị thần mới là Hộ pháp, mà tất cả mọi người, ai có tâm ủng hộ Phật pháp, từ bỏ cái ác, chuyên làm điều thiện, làm lợi cho chúng sinh muôn loài đều được coi là Hộ pháp.

Bà Nguyễn Thị Phi, một phật tử năm nay 85 tuổi, hiện sống ở thôn Tam Đa cho biết, nhà bà ở sát chùa Linh Sơn nên từ nhỏ bà đã theo cha đến chùa tụng kinh, niệm Phật. Trước đây, khuôn viên chùa khá rộng, cây cối trong chùa rậm rạp, tốt tươi, nhất là có cây bồ kết rất to gần bên chùa hậu đã bị đổ trong cơn bão năm 1983. Nhiều cây cổ thụ bao quanh khiến cho ngôi chùa càng thêm thâm nghiêm, cổ kính. Trên cổng tam quan, ở lầu chuông treo một đại hồng chung khá lớn. Xung quanh việc đúc đại hồng chung cũng có nhiều câu chuyện đậm màu huyền bí và linh thiêng. Tiếc rằng đại hồng chung của chùa nay đã thất lạc nếu không đây sẽ là một cứ liệu quan trọng hé mở thời gian hình thành chùa.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Linh Sơn là cơ sở hoạt động cách mạng của xã Tiến Hóa, nơi hội họp, bàn thảo việc lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương và địa điểm huấn luyện của du kích. Do chùa nằm ở vị trí khá cao, trước mặt là cánh đồng thoáng đãng nên bao quát được cả một khu vực rộng lớn, có thể quan sát được từ xa các hoạt động tuần tiễu, càn quấy của địch. Mỗi lần quân giặc đi càn, bà con phật tử gióng chuông, báo động cho du kích sơ tán theo chiến hào phía sau chùa hậu, chạy ra tận hói Cuộc rồi trốn lên rừng sâu an toàn. Quân Pháp không dám đuổi theo vì lo sợ bị phục kích.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bom đạn bắn phá làm cho chùa bị hư hỏng nặng. Khi chùa đổ sập, các hệ thống gỗ như cột, vì kèo, đòn tay, xuyên, trếng... được trưng dụng, lót nền cho đường 12 thông tuyến. Sau chiến tranh, do bị bỏ hoang, không được tu bổ, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, chùa Linh Sơn dần trở thành phế tích. Nhiều tượng Phật, pháp khí như đại hồng chung, khánh đá… dãi nắng, mưa dầm, dần bị thất lạc, mối mọt. Nay chỉ còn 3 tượng gỗ Địa tạng, thánh hiền, dù còn giữ được hình hài nhưng cũng bị hư hỏng ở dưới đế và phía sau lưng khá nhiều.

Với tấm lòng từ bi, mộ đạo, năm 2007, một số bà con phật tử thôn Tam Đa và các thôn lân cận đã chung tay phát quang cây cối, cỏ dại, đóng góp công sức tu sửa lại ngôi chùa. Cũng từ đây, tiếng chuông, tiếng tụng kinh, gõ mõ lại ngân vang, chùa Linh Sơn từng bước được hồi sinh. Bà con phật tử quy tâm, hướng Phật về chùa ngày một đông hơn.

Từ ngày được phân công về trụ trì, trông coi hoạt động phật sự tại chùa Linh Sơn, đại đức Thích Hải Pháp đã cất công tìm gặp nhân chứng, các cụ cao niên trong vùng để tìm hiểu thời gian hình thành, sưu tầm lại những đồ vật của chùa bị thất lạc trong nhân dân. May mắn, vị trụ trì tìm gặp được chiếc khánh bằng đá màu trắng của chùa đã bị thất lạc, nhưng cũng không còn nguyên vẹn, bị vỡ khá nhiều. Còn về thời gian hình thành chùa tiếc rằng không có một chút tư liệu gì cả.

Từ chỗ hoang vắng đìu hiu, nay bà con phật tử trong làng, tín hữu thiện tâm trong vùng về quy y nơi cửa Phật, chung tay đóng góp công sức hồi sinh ngôi cổ tự. Hệ thống chánh điện, nhà tăng, nhà oản, cảnh quan trong chùa… từng bước được khôi phục ngày một khang trang, sạch đẹp. Bà con phật tử đến tụng kinh, niệm Phật, nghe thuyết giảng phật pháp, sinh hoạt phật sự vào các ngày lễ vọng, ngày rằm, ngày đầu tháng ngày một đông hơn.

Bước lên bậc cổng tam quan trong chiều thu, trầm mặc ở chốn thâm nghiêm, tiếng chuông chùa vang lên giữa càn khôn, khiến cho lòng người trở nên thanh tịnh, nhẹ nhàng. Chùa Linh Sơn, ngôi cổ tự bên dòng sông Gianh sẽ tiếp tục là nơi lan tỏa ánh sáng đức Phật, phụng hành giáo pháp, giúp quý thiện nam tín nữ và phật tử xa gần thêm thương yêu, hướng thiện, đoàn kết chung tay xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Nhật Linh

tin liên quan

Chắp cánh đam mê, gieo mầm tri thức

(QBĐT) - "Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ đơn thuần là một cuộc thi mà bản thân nó đã lan tỏa tình yêu sách mạnh mẽ hơn bao giờ hết, "đánh thức" những ai vẫn còn chần chừ khi đọc sách, với mong muốn xây dựng một xã hội giàu lòng nhân ái, văn minh, một đất nước phồn vinh mà ở đó người người, nhà nhà đều chọn sách là người bạn đồng hành". Cô học trò tuổi 17 Hoàng Ngọc Mỹ Linh, học sinh Trường THPT Đào Duy Từ (TP. Đồng Hới) đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng những lời sâu sắc như thế.

Bến sông

(QBĐT) - Với người dân quê tôi, bến sông bao đời gắn bó, thủy chung... Mọi người xuống bến sông mỗi ngày, người thì đi làm cá, người thì giặt giũ áo quần, người ngồi ngắm dòng nước đang ngang qua...

Thúy, tranh và thơ

(QBĐT) - Cách nay hơn 10 năm, Hoàng Thị Thúy (SN 1992, ở xã Võ Ninh, Quảng Ninh) tốt nghiệp Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang, chuyên ngành Mỹ thuật. Em cũng có thử làm vài ba công việc nhưng cuối cùng chọn về nhà vẽ tranh và làm thơ. Điều đó có nghĩa Thúy chọn môi trường tự do cho riêng mình.