Mùa bão
(QBĐT) - Đầu tháng chín, một siêu bão đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc của nước ta- cơn bão Yagi. Thường thì mỗi cơn bão sẽ được đặt cho một cái tên rất gợi nhớ như là Haiyan hay bây giờ là Yagi…nhưng có lẽ điều mà người ta nhớ lâu nhất không phải là những cái tên mà là những nỗi đau, những mất mát, thiệt hại to lớn mà những cơn bão để lại. Để thấy rằng đứng trước thiên nhiên, con người thật nhỏ bé biết bao nhiêu.
Những ngày qua, lướt mạng xã hội xem những thông tin nóng hổi của siêu bão khi đổ bộ vào miền Bắc, vô tình đọc được những bình luận của nhiều người, mà nội dung đại loại là “giờ mới biết dân miền Trung họ khổ như thế nào”. Tự nhiên thấy nhói lòng. Sự đồng cảm của những con người khi đứng trong những hoàn cảnh giống nhau thì mới là sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc nhất. Thường thì miền Bắc rất ít khi có bão, có chăng cũng chỉ là những cơn bão đầu mùa nhẹ thôi. Vậy mà năm nay, khi trời mới vào thu thì siêu bão đã đổ bộ, với sức tàn phá thật khủng khiếp... Người dân cả nước lo lắng cho miền Bắc, người dân miền Bắc thì chưa hết bàng hoàng vì bão.
Nhìn lại, để thấy thương người dân quê mình biết bao nhiêu, những con người nhỏ bé, kham khổ sống trên dải đất dài, nhỏ hẹp mà hứng chịu nhiều nhất những khắc nghiệt của thời tiết. Mỗi năm người dân miền Trung phải gồng mình chống lại biết bao cơn bão, cũng có thể là siêu bão và lũ lụt. Lời hẹn của đất trời với dải đất này không bao giờ là trễ, đến hẹn lại lên mùa thu là mùa mưa bão. Cũng bởi vậy mà người quê tôi đã dự liệu tất cả để chuẩn bị cho mình một tâm thế chủ động, sẵn sàng đương đầu với bão lũ.
Đầu mùa, khi tin tức về những cơn bão còn quần thảo ngoài biển Đông xa tít, thì ở đây nhà nhà ai cũng đã tự động chặt hết cành cây lớn, dọn dẹp vườn tược tinh tươm. Lúa đóng bồ chuyền lên “tra” chạy lụt, người néo lại cái chuồng lợn thật chặt, gia cố lại chuồng trại tìm chỗ trú chân cho bầy gà, đàn trâu trong những ngày “nước bạc”. Những bao cát được vần lên trên những mái tôn đậy gió. Người ta tất bật sắp sắp xếp xếp đống củi khô chất lên cao trên chái bếp để phòng ngày bão cập bờ mất điện. Những bà mẹ, những phụ nữ trong gia đình đã chuẩn bị sẵn hộp muối vừng, thùng mì gói, gạo xát sẵn đầy thùng, còn làm thêm hũ thịt kho ruốc. Những ngày mưa giăng bão nổi có số thực phẩm khô này rồi thì cũng yên tâm phần nào.
Như một cái nếp, cái lệ thường niên vào mỗi năm cứ đến thời điểm này người quê tôi luôn chủ động đón bão lũ dù tâm trạng có ít nhiều tất bật, lo lắng. Những tin tức dự báo thời tiết được cập nhật thường xuyên trên tivi là mối quan tâm hàng đầu của bao người, bao nhà. Họ nghe, rồi họ đánh giá mức độ bão lũ, rồi chủ động phòng tránh như đã nằm lòng mọi thứ. Cho nên dù ngoài trời mưa quăng gió quật thì người ta vẫn vững tâm đón nhận mà không chút bàng hoàng. Để rồi trong những ngày chới với giữa quần quật gió bão hay mênh mang nước lụt, thì người quê tôi vẫn tìm thấy hy vọng, niềm tin ở những ngọn cỏ lau mọc ven đê. Những bãi cỏ lau sáng rực lên trên những bờ đê của làng thắp lên niềm tin trong lòng người quê, họ tin rằng những ngọn cỏ lau kia nở hoa là báo hiệu mùa mưa bão đã ngót.
Bão qua, dù hoang tàn, đổ nát đến thế nào, thì người dân quê tôi vẫn vững vàng tâm thế để đứng dậy như biết cách tự phục hồi sau trận ốm, cần mẫn dọn dẹp mọi tàn dư của bão lụt... Đôi bàn tay cứ chăm chỉ miệt mài trên dải đất xác xơ, ngập ngụa phù sa nước lụt. Vì lẽ đó, nên sang đông, khi ngồi trên những chuyến xe Bắc Nam đi ngang qua miền Trung ta sẽ thấy những luống rau vụ đông cứ xanh mướt ngời ngời sức sống, những cánh đồng thấp thoáng màu xanh của mạ non vụ mới. Rồi sang xuân cả dải đất này cũng sẽ tươi thắm những sắc hoa như bất cứ nơi nào. Và sẽ chẳng ai biết được rằng mới cách đây chừng vài tháng, mảnh đất này từng hoang tàn vì bão lụt.
Mùa bão năm nào cũng vậy, cũng dữ dội và đem cho người ta nhiều lo lắng, thấp thỏm. Vậy nhưng càng khó khăn thì người quê tôi lại càng mạnh mẽ. Họ cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó chấp nhận mọi thử thách và vươn lên như những cây xương rồng giữa bão cát.
Đoàn Thị Thu Hương