Vốn cổ vùng cao

  • 11:58 | Chủ Nhật, 11/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tỉnh Quảng Bình có hai dân tộc thiểu số: Bru-Vân Kiều (gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì) và Chứt (gồm 5 tộc người: Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng), với hơn 19.000 nhân khẩu, chiếm khoảng 2% dân số của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tỉnh có dân số không nhiều, lại phân thành nhiều tộc người, trong đó có những tộc người dân số chỉ vài trăm người, như: Arem, Rục... sinh sống chủ yếu ở các xã vùng sâu, biên giới, nơi có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội hết sức khó khăn. Tuy vậy, trong quá trình lao động sản xuất và đối diện với tự nhiên để sinh tồn, ĐBDTTS đã sáng tạo và gìn giữ cho riêng mình rất nhiều giá trị văn hóa vật chất, tinh thần độc đáo, trong đó có vốn văn nghệ dân gian đặc sắc mang đậm bản sắc riêng của tộc người.
 
Ngoài ra, ở vùng miền núi tỉnh Quảng Bình còn có khoảng 35.000 người Nguồn, một tộc người của người Việt, cận cư lâu đời với đồng bào Chứt và do kết quả của sự giao lưu văn hóa lâu đời ấy, nên giữa cộng đồng người Nguồn và tộc người Chứt xuất hiện các yếu tố chung, gần gũi, tương đồng nhiều hơn dị biệt trong văn học dân gian, nên cũng được xem xét chung ở đây.
 
Trong kho tàng văn nghệ dân gian DTTS tỉnh, nghệ thuật ngôn từ chiếm vị trí quan trọng, đặc biệt là các thể loại ca dao, dân ca xuất hiện thường xuyên nơi đời sống tinh thần của đồng bào; ngoài ra, còn có tục ngữ, câu đố và một số loại thể khác nhưng số lượng không đáng kể. Ca dao DTTS Quảng Bình (bao gồm cả phần lời trong các làn điệu dân ca) có nội dung và nghệ thuật khá độc đáo, thường tập trung phản ánh các nội dung chính, như: Tình yêu quê hương, làng bản, lòng tự hào với sự giàu có, trù phú của núi rừng; tình yêu lao động đã đem lại cuộc sống bình yên, vui tươi; tình yêu nam nữ với nhiều cung bậc tình cảm.
“Con ngủ đi con/Cho mẹ đi tuốt lúa về làm ăn…”.
“Con ngủ đi con/Cho mẹ đi tuốt lúa về làm ăn…”.
Với nội dung phong phú, đượm chất trữ tình, ca dao DTTS Quảng bình được sử dụng phổ biến trong nhiều bối cảnh: Đọc cho nhau nghe, dùng để hát đối đáp, làm lời cho các khúc dân ca và gắn bó một cách tự nhiên với đời sống sản xuất, sinh hoạt, tình cảm hàng ngày của đồng bào.
 
Với đồng bào Nguồn, bên cạnh các bài ca dao ca ngợi quê hương làng bản (Thứ nhất Thanh Lạng, Bàu La/Thứ hai Hung ải, Thứ ba Minh Cầm...); phản ánh tình yêu đôi lứa (Em giàu rồi em lại khôn/Anh đang đói rách như chồn thóc mách tho me...), còn có rất nhiều các bài ca dao khác được sử dụng vào dân ca mà ngay hệ thống tên gọi cũng đã cho thấy sự đa dạng, phong phú trong đời sống vật chất, tình cảm của đồng bào: Đi săn, Vợ anh anh hỏi đã lâu, Hát năm ba chuyện giải khuây, Con cá chặt đầu chặt đuôi, Nỗi khổ lấy chồng chung, Trách tình nhân...
 
Cần phải nói đến ở đây phần lời ca-thực chất là những khúc ca dao-trong điệu Hát sắc bùa, Hát chúc trò của đồng bào Nguồn. Đây là lối hát phổ biến của người Nguồn dùng để chúc phúc, chúc lộc lẫn nhau trong dịp Tết âm lịch. Điệu hát này thể hiện khả năng ứng tác lời ca tuyệt vời của các nghệ nhân, vì tùy theo từng cuộc hát ở từng gia đình mà nội dung diễn xướng có thể thêm bớt, dài ngắn khác nhau, nhưng không thoát ra ngoài nội dung chúc tụng: Được mùa để ăn cho lời/Để ăn cho lời mà để chơi lâu/Mừng ông với mụ sống lâu thọ trường/Lê lê là lê/Mừng ông với mụ sống lâu thọ trường/Lê lê là lê.
 
Còn với người Chứt và người Bru-Vân Kiều, số lượng ca dao tồn tại độc lập như một đơn vị văn học dân gian chỉnh thể không nhiều. Đa số trong đó đã hóa thân vào dân ca và hát ru và muốn xem xét nó không thể không nhắc đến các làn điệu dân ca Pa eo-Tơm tá lêng (dân tộc Chứt); Oát, Prơdoạc, Roai, Adâng con (dân tộc Bru-Vân Kiều), dùng khi giao lưu trong lao động, những lúc đi sim tỏ tình, các đám hội hè, cưới xin hoặc tế lễ ma chay và cả trong những lúc ru con ngọt ngào, êm ái...
 
Dẫu làm ăn vất vả, một nắng hai sương, đời sống vật chất còn khó khăn, nhưng ít khi tìm thấy những lời kêu than buồn khổ trong các bài dân ca Chứt và Bru-Vân Kiều. Ở đó, người ta thường có những lời ca ví von ẩn dụ sâu sắc, đối đáp trữ tình giữa nam và nữ mà thôi:
 
- Nam: Đi tìm con ká tơm, chị ơi!/Bắt được bỏ vào ca dăng, chị ơi/Lấy trầu ăn trầu, chị ơi/Như con chim rừng Lào/Như con chim phía Nam/Như con chim miền xuôi, chị ơi!/Nằm ở ngọn khe này/Sang ở ngọn khe kia…
- Nữ: Đi tìm con ká tơm, hỡi anh!/Bắt được bỏ vào ca dăng, hỡi anh/Lấy trầu ăn trầu, hỡi anh!/Đã chờ đợi nhau/Chờ đợi đến gặp nhau/Mang nặng, nắng nóng mấy cũng đi, hỡi anh! (Pa eo-Tơm tá lêng, dân tộc Chứt).
 
Hoặc:         
- Nam: Thân thể em mịn màng như hạt gạo trắng đầu mùa, em ơi!/Da dẻ em mát mẻ như nước trong đầu nguồn, em ơi!
- Nữ: Yêu anh lắm, anh ơi! Thân anh cân đối đẹp đẽ/Yêu anh lắm anh ơi! Dáng bộ anh sao dễ thương quá chừng!/Thấy anh ơi! Muốn lấy cơm trong tip ra mời anh/Em muốn cởi tấm áo đang mặc ra tặng anh! (Oát, dân ca Bru-Vân Kiều).
 
Tình cảm gia đình, tình yêu thương cha con, mẹ con cũng được biểu hiện sâu sắc trong lao động, sinh hoạt hàng ngày bằng những lời ca mộc mạc, chan chứa tình người: Ông bà dạy cháu, cha mẹ dạy con nên người: Siêng làm ăn, đừng nhác/Muốn được vợ, được chồng/Như thiên hạ, như xóm làng/Phải làm bằng xóm làng/Đừng nói huyên thuyên/Chớ ghen tuông thàm thẹ/Mà phải theo anh em/Theo họ hàng làng xóm (Bố dạy con-Hát ru dân tộc Chứt).
 
Hoặc: Ơ ơi! Con cáo ngủ ngồi ơ ơi!/Con tê giác ngủ gật/Con voi rống tiếng/Con nghé ọ ơ ơi!/Cho con mang vòng bạc nặng cùi tay, con gái mẹ ơi/Cho con mang vòng vàng nặng cổ tay, con gái mẹ ơi (Hát ru dân tộc Bru-Vân Kiều).
 
Ca dao DTTS Quảng Bình với tư cách lời các bài dân ca cũng được sử dụng nhiều trong những lúc đi phát rừng làm rẫy, đi rừng tìm ong, làm vòng bẫy chim thú rừng, đi khe suối câu, chài cá, bắt cua đá, xúc tôm hoặc đi nằm chòi canh giữ nương rẫy: Con ngủ đi con/Cho mẹ đi tuốt lúa về làm ăn/Cho bố đi bắn con gấu về làm ăn/Ngủ đi con/Để mẹ đi làm/Lấy cây mía, lấy quả chuối/Để cho mình ăn…
 
Ca dao DTTS Quảng Bình có nhiều nội dung phong phú và giá trị nghệ thuật đặc sắc với lời lẽ trau chuốt, giàu hình tượng, âm hưởng sâu lắng do chính các thế hệ cư dân bản địa sáng tạo, thể hiện các cung bậc tình cảm giản dị nhưng rất độc đáo của dân tộc mình và do vậy đã được chính đồng bào trân trọng và lưu truyền.
 
Cũng cần nói thêm rằng thể loại tục ngữ, một thể loại suy lý, mặc dù ít, nhưng cũng đã có mặt trong kho tàng văn học dân gian dân tộc thiểu số Quảng Bình. Đó là những quan sát trực giác để đúc rút nên các kinh nghiệm sống trước các hiện tượng tự nhiên, xã hội: Rạng sáng nấm bét bắt đầu nhú/Mặt trời đứng ngày (trưa) nấm đai xòe tán; Xách bầu phải xem quai/Địu con phải xem vải buộc/Làm cỏ phải xem cán nầm.
 
Trong đời sống thực tế của ĐBDTTS Quảng Bình xưa, cái ăn, nơi ở phần nhiều còn dựa vào sản phẩm tự nhiên, tùy thuộc vào bối cảnh tự nhiên, trên cơ sở nền kinh tế chiếm đoạt tự nhiên là chủ yếu và tổ chức xã hội của cộng đồng còn đơn giản, theo đó kinh nghiệm sản xuất còn ít và sinh hoạt xã hội còn mộc mạc và đó cũng là một thực tế làm hạn chế sự nẩy nở loại hình tục ngữ trong kho tàng văn học dân gian ở đây. Ca dao, dân ca ĐBDTTS Quảng Bình là một sản phẩm tinh thần vô cùng độc đáo và quý giá, cần phải được tiếp tục quan tâm sưu tầm, nghiên cứu và phát huy.
 
Trần Hùng

tin liên quan

Hoa

(QBĐT) - Những bài thơ trót sinh ra
không hương của đất cũng hoa của mình
lỡ đem nở với cuộc tình
chỉ xin em một chút bình trái tim
hoa anh xanh cõi trốn tìm
cũng nhờ dậu đổ mà bìm leo thôi
một mai bình cạn nước rồi
xác hoa xin trả về nơi cội nguồn

Tất cả những người viết đều đang hoặc từng là người viết trẻ

(QBĐT) - Nhà thơ người Chile Pablo Neruda (Nobel văn học năm 1971) từng phát biểu: "Tôi không có lời khuyên nào dành cho các nhà thơ trẻ cả. Họ cần phải tự đi con đường của họ; họ phải đương đầu và vượt qua các trở ngại khi tìm cách diễn đạt bản thân".

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Phá Hạc Hải ngày nay đã trở thành địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn với sắc vàng của lúa, sắc xanh của nước trời cùng những đặc sản đồng quê.