Tình thơ của Nguyễn Quang Hà
(QBĐT) - Thực ra thì trên văn đàn Việt Nam không ai xa lạ gì với nhà văn Nguyễn Quang Hà, trong sự nghiệp của mình, ông có nhiều cống hiến cho văn học Việt Nam trên hai lĩnh vực sáng tác là văn xuôi và thơ. Nhà thơ Mai Văn Hoan đã từng ví von về tài năng văn chương của Nguyễn Quang Hà là “Chân phải là văn xuôi, chân trái là thơ”...
Ngoài sáng tác văn xuôi, thì Nguyễn Quang Hà còn là nhà thơ, thơ của ông cũng mang nhiều cung bậc tâm trạng của tình yêu tuổi trẻ, tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt là tập thơ "Gửi em cô gái đỏng đảnh".
Nhìn dáng vẻ bề ngoài, nhà văn Nguyễn Quang Hà có chí khí mạnh mẽ. Ông là người nóng tính, thẳng thắn như bạn bè văn nghệ đã từng viết “Anh tính người lính, có khí nóng nảy, cũng như báng súng”([1]). Ấy vậy mà khi đọc thơ ông mới biết tình thơ đong đầy những câu từ, cảm xúc gửi gắm đến người đọc.
Cầm trên tay tập thơ "Gửi em cô gái đỏng đảnh" mà tác giả tặng tôi, được biết đây là tập thơ thứ 3 mà nhà văn Nguyễn Quang Hà bén duyên với nàng thơ, gồm: Tập thơ "Nghe tiếng gà trên điểm chốt" (NXB Văn nghệ giải phóng, 1975), tập thơ "Miền gió hoang vu" (NXB Thuận Hóa, 1995) và tập mới đây nhất là "Gửi em cô gái đỏng đảnh" (NXB Hội Nhà văn, 2019). Tập này gồm có 54 bài thơ và 5 bài thơ được phổ nhạc (bài thơ "Chiếc răng khểnh"-nhạc Phương Tài, bài thơ "Chiều tím"-nhạc Võ Phương Anh Lợi, bài thơ "Âm thầm"-nhạc Phương Tài, bài thơ "Con còng gió"-nhạc Đỗ Trí Dũng, bài thơ "Xin lỗi Quy Nhơn"-nhạc Phương Tài). Nhà thơ Mai Văn Hoan cho rằng “Nguyễn Quang Hà triết lý mà không cao siêu, triết lý mà không lý sự, triết lý mà không dạy đời. Chất triết lý góp phần giúp cho thơ trữ tình nói chung và thơ Nguyễn Quang Hà nói riêng có chiều sâu lý tưởng, vừa có tầm cao trí tuệ”([2]).
Trong tập thơ "Gửi em cô gái đỏng đảnh", người đọc sẽ bắt gặp một Nguyễn Quang Hà rất mực yêu thương và tôn trọng tình yêu hạnh phúc lứa đôi, luôn có những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng chung quy lại là rất tình:
Em đừng tưởng chỉ mình em là thiếu nữ
Chỉ mình em mắt biếc với môi hồng,
Cứ cho em tha hồ tô son điểm phấn,
Không có anh thì đẹp mấy cũng bằng không.
Thơ Nguyễn Quang Hà lãng mạn, nhẹ nhàng nhưng lại mang một chiều sâu suy nghĩ về một tình yêu thầm kín như trong bài thơ "Cây sầu đông":
Khi mắt em lúng liếng,
Ấy là em yêu anh,
Cây đang đứng lặng thinh,
Bỗng nở ngàn hoa tím,
Ấy là mùa xuân đến,
Trời xôn xao mưa bay.
Tình yêu trong thơ Nguyễn Quang Hà là một tình yêu chân thật, hình tượng "em" trong mỗi bài thơ đều được nhắc đến nhiều, hình tượng ấy chính là người yêu-người vợ với những lời tỏ tình tâm sự rất đỗi thân thương trong bài thơ "Xuân":
Em đến thăm anh,
Em mang cành mai trắng,
Em đến thăm anh,
Em mặc áo lụa hồng,
Hỡi người yêu ơi em mua hoa làm chi nữa,
Em đã xuân rồi,
Em đã hoa rồi,
Em biết không?
Trong bài "Đáy lòng", Nguyễn Quang Hà luôn nói hộ tình yêu cho nhân vật "em" và nhân vật "em" mãi là vĩnh cửu:
Cao cao là cõi vô bờ,
Để em nâng giấc đợi chờ…
Và em,
Đặt vào đó cả niềm tin,
Thiêng liêng như trước nỗi niềm tâm linh,
Giờ đây,
Giữa cõi vô hình,
Xôn xao,
Đặt giữa tim mình,
Là anh.
Nhân vật "anh" lại rất tỉnh táo, rất quân tử, rất tình, bài thơ "Anh" đã nói lên được ngữ điệu dễ mến, dễ thương:
Thấy em,
quấn quýt bạn trai,
Anh về,
Không ngủ,
Suốt hai,
Tháng liền,
May mà,
Anh không phát điên,
Thôi chúc em,
được,
Bình yên,
Một đời.
Thơ của ông nói về cảnh đẹp của quê hương đất nước, những địa danh, như: Vũng Tàu, Quảng Bình, hòn Trống Mái, Đà Lạt, sông Gianh, đất mũi Cà Mau, Gio Hải, Huế, Côn Sơn, Sa Huỳnh, Mường Lay, Điện Biên, Tây Bắc, Quy Nhơn… là những nơi lưu dấu kỷ niệm mà nhà thơ Nguyễn Quang Hà đã đi qua. Mỗi địa danh, ông đều có thơ ca ngợi về vẻ đẹp của thắng tích, hoặc đặc điểm hình thành vùng đất. Khi ra Quảng Bình, nhà thơ Nguyễn Quang Hà lại có những vần thơ về nét đẹp của từng vùng quê:
Quê em kỳ ảo Phong Nha,
Làm sao sánh nổi nuột nà vai em.
Quê em Nhật Lệ cảnh tiên,
Xin đổi hết lấy môi mềm cho anh.
Quê em xanh biếc sông Gianh,
Đố sông Gianh hóa được thành vòng tay.
Thôi xin chào nhé Lũy Thầy,
Chỉ mang đi nét lông mày của em.
(Quảng Bình)
Từ bài thơ đầu là "Gửi em cô gái đỏng đảnh" đến bài thơ gần cuối của tập thơ là "Đong đưa", cặp từ láy đỏng đảnh, đong đưa đã nói lên cá tính của người phụ nữ mà Nguyễn Quang Hà thường nhắc đến:
Mắt đong đưa là đôi mắt có bùa,
Bao chàng trai ngã lòng xin chết,
Môi đỏ thắm màu lời thề tâm huyết,
Bao chàng trai minh mẫn hóa ngu ngơ.
…
Mắt đong đưa đan lưới tơ duyên,
Như tơ nhện chăng đầy lối gió,
Những chàng trai hồn nhiên như thỏ,
Bị sập bẫy rồi chưa hết ngây thơ,
Sẽ còn nhiều rắc rối giữa nhân gian,
Sẽ còn những chàng trai ngã lòng xin chết,
Sẽ còn những anh hùng tê liệt,
Bởi trên đời còn có cái đong đưa.
Thật khó mà nói hết nội dung thơ của Nguyễn Quang Hà và cũng khó đánh giá hết giá trị nghệ thuật thơ của ông. Trong nhiều thập niên qua, cũng đã có nhiều nhà lý luận phê bình văn học đã giới thiệu về thơ văn của Nguyễn Quang Hà trên nhiều phương tiện truyền thông báo chí như nhà thơ Mai Văn Hoan, Nguyễn Bùi Vợi, Yến Thanh, Hồ Thế Hà, Nguyễn Duy Tờ, Nguyễn Thế Nam, Lê Xuân Việt… thì những cảm nhận của tôi về thơ Nguyễn Quang Hà cũng chỉ là cảm nhận nhỏ bé mà thôi nhưng đọc thơ ông tôi lại càng thích sự mượt mà, trong trẻo và đầy chất si tình.
Cái gì rồi cũng có cơ sở để nói, vì sao Nguyễn Quang Hà lại làm thơ hay đến thế là vì “Anh chiều vợ đáo để, và cô Quỳnh cũng chiều anh đáo để không kém. Cưới, nghe giới thiệu cô Quỳnh lên sân khấu là 101% đọc bài thơ của phu quân Gửi em cô gái đỏng đảnh, có khi đúp thêm bài Chiếc răng khểnh. Phải đọc. Không đọc một phen đứng ngồi không yên”([3]). Đấy, một gia đình văn chương, chồng vợ cùng nhau xây dựng sự nghiệp bằng thi ca, hội họa, và niềm đam mê con chữ. Chúc nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Hà, và cô giáo, họa sĩ Võ Thị Quỳnh ngày càng có thêm nhiều tác phẩm mới để công chúng đón nhận và tri ân.
Trần Nguyễn Khánh Phong
[1]: Nguyễn Duy Tờ: Theo đường xuất bản theo đường văn. NXB Thuận Hóa, Huế, 2023, trang 39.
[2]: Mai Văn Hoan: Chất triết lý trong thơ Nguyễn Quang Hà, trong tập thơ “Gửi em cô gái đỏng đảnh”. NXB Hội Nhà văn, 2019, trang 11.
[3]: Nguyễn Duy Tờ: Theo đường xuất bản theo đường văn. NXB Thuận Hóa, Huế, 2023, trang 40.