"Tiếng hát át tiếng bom" Ký ức người trong cuộc
(QBĐT) - Ông Hoàng Hữu Ninh, từng là Đoàn phó phụ trách nghệ thuật Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom” đón tôi vào một chiều giữa tháng 7. Ở tuổi gần 85 nhưng ông vẫn mẫn tiệp, nhớ như in từng chi tiết. Biết tôi đến tìm hiểu về phong trào văn nghệ quần chúng mang tên “Tiếng hát át tiếng bom” năm xưa trên “tuyến lửa” Quảng Bình, mắt ông sáng lên.
Quảng Bình những năm tháng đó là nơi “đối đầu” giữa văn minh và tàn bạo. Lịch sử Giao thông vận tải (GTVT) còn ghi lại rằng, trong năm 1965, máy bay Mỹ bắt đầu đã đánh vào mục tiêu GTVT, hầu hết hệ thống cầu cống, bến phà, bến cảng, kho tàng, bệnh viện, trường học, nhà ở, cơ quan xí nghiệp và các công trình thủy lợi đều bị tàn phá.
Các bến phà: Xuân Sơn, Long Đại, Gianh, Quán Hàu và các cầu quan trọng trên đường 12A, như: Ka Tang, Khe Nét... bị bom dội ác liệt. Bảo đảm GTVT hồi đó là nhiệm vụ chính trị số một. Toàn dân Quảng Bình bất chấp hy sinh, gian khổ cùng lực lượng công binh, GTVT, thanh niên xung phong (TNXP) quyết giữ “mạch máu” GTVT, mở đường vào tiền tuyến. Nhân dân Quảng Thuận (Quảng Trạch) sáng tác câu ca: “Hết nhà ta lại phá tường/Không để xe tắc và đường ta hư”. Quảng Bình là nơi xuất phát của phong trào “Xe chưa qua nhà không tiếc”.
Ông Hoàng Hữu Ninh nhớ lại: “Năm 1965, Trung ương quyết định mở đường 20, sau này mang tên Quyết thắng. Con đường dài hơn 120km được thi công với tốc độ đặc biệt, chỉ sau 77 ngày đêm đã hoàn thành. Ngày 23/4/1967, Ban Xây dựng 67 (gọi tắt là Ban 67)-tiền thân của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, được thành lập”.
Mặt trận GTVT của đất nước ở Quảng Bình bước sang giai đoạn mới. Ông Tô Huy Rứa, lúc đó là chiến sĩ TNXP được giao làm Đoàn trưởng Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom” của Ban 67. Một thời gian sau, đội văn nghệ xung kích của Ban 67 cũng ra đời. Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” lan tỏa khắp các lĩnh vực GTVT ở Quảng Bình. Các đội văn nghệ xung kích của các địa phương trong tỉnh cũng phát triển. Nói đến phong trào này ở Quảng Bình phải nhắc đến các đội văn nghệ xung kích các xã: Phong Thủy, Thanh Thủy (Lệ Thủy); Trung Trạch, Đại Trạch (Bố Trạch); Võ Ninh (Quảng Ninh).
Trong gian khổ, đạn bom, tiếng hát trên các cung đường, “tọa độ lửa” dọc Khu 4 cũ cất lên. “Chính Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GTVT, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ nhận ra sức mạnh to lớn của thơ ca, âm nhạc nên nghĩ ngay đến việc thành lập Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom” và giao cho Thứ trưởng Trịnh Ngọc Điệt phụ trách”, ông Hoàng Hữu Ninh nhớ lại. Đó là ngày 5/12/1967, sau này trở thành ngày truyền thống của đoàn.
Cũng xin nhắc lại khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, trọng điểm là GTVT, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ đã cho thành lập Đoàn Văn công GTVT, lấy Đội Văn nghệ TNXP Đường sắt làm nòng cốt, tổng số gồm 25 người. Đoàn do ông Hoa Nam làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Chi bộ.
Thời điểm đó, ông Hoàng Hữu Ninh mới ngoài 20 tuổi. Do có năng khiếu văn hóa, văn nghệ nên được Thứ trưởng Trịnh Ngọc Điệt điều sang Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom” của Ban 67 làm phó đoàn. “Đơn vị tôi tám mươi phần trăm dưới tuổi hai mươi/Sáu mươi phần trăm con gái/Ba mươi phần trăm lén cha mẹ đi tìm đồng đội/Hai mươi phần trăm đêm vẫn sợ ma/Mười phần trăm bỏ dở cấp ba/Chín mươi phần trăm áo quần lụng thụng/Nhưng khi bom trút xuống mặt đường báo động/Trăm phần trăm có mặt cứu đường”, (Báo cáo thống kê, thơ Hoàng Hữu Ninh).
“Quân số lúc đầu chỉ có 35 người. Anh em chúng tôi vừa lo sáng tác, vừa dàn dựng tiết mục, biểu diễn phục vụ bộ đội, TNXP trên các tuyến đường ở Quảng Bình. Biết bao gian khổ, gần như toàn bộ anh em đều bị sốt rét, ốm đau...”, ông Hoàng Hữu Ninh xúc động nhắc lại.
Trong thời gian hoạt động, Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom” đã phục vụ hàng nghìn buổi cho hàng vạn lượt người xem. Ông Hoàng Hữu Ninh hồi ức: “Năm 1972, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ giao cho anh em chúng tôi biểu diễn phục vụ trước khai mạc một hội nghị Trung ương. Hôm ấy, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn xem và rất khen ngợi. Năm 1973, sau chiến thắng Đường 9-Nam Lào, đoàn phục vụ bộ đội tại làng Ho, thuộc xã Kim Thủy (Lệ Thủy). Những đợt biểu diễn này tôi không bao giờ quên”.
Không chỉ phục vụ trên các tuyến đường, năm 1970, nhiều tiết mục của đoàn tự biên, tự diễn, như vở chèo “Trên một tuyến đường” đã tham gia hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Các tiết mục tham gia hội diễn đã mang về cho đoàn, cả tập thể và cá nhân 4 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Những năm sau khi đất nước thống nhất, dù đoàn văn công đã có quyết định giải thể nhưng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” năm xưa vẫn tồn tại. Anh chị em tổ chức lại trong “Câu lạc bộ Lá Đỏ”, tiếp tục đưa các tiết mục tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng ngành GTVT, hội diễn văn nghệ công nhân viên chức toàn quốc.
Ông Tô Huy Rứa, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, năm 2007, nhân kỷ niệm 40 năm phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, ông viết cảm tưởng: “Những kỷ niệm về anh chị em TNXP trên tuyến đường ở Ban Xây dựng 67 Trường Sơn và sau đó là trên mặt trận văn hóa nghệ thuật đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp, những kỷ niệm không thể nào quên”.
Hoàng Hữu Ninh quê Diễn Châu, Nghệ An còn là một nhà thơ. Năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành GTVT Việt Nam, tập thơ “Báo cáo thống kê” của ông tham gia cuộc thi viết về đề tài GTVT được tặng giải ba về thơ. Trong tập thơ này, ông có nhiều bài thơ sáng tác trên đất Quảng Bình, như “Tuyến liên vận”, “Troóc”, “Đám cưới một nữ thanh niên xung phong”, “Thình thình”, “Xuân Sơn”, “Nữ Bí thư chi bộ thép”, “Tuyến lửa”...
“Trên đầu chúng tôi pháo sáng vật vờ/C130 cầm canh tới sáng/Cả một vùng nắng mưa bom đạn/Nhưng đêm đêm, đâu đó hát...đêm đêm” (Tuyến lửa, thơ Hoàng Hữu Ninh). Phải nói là, trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, Việt Nam đã có một vũ khí đặc biệt, đó là tiếng hát nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung. Nói như Chế Lan Viên “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”. Dân tộc Việt Nam là dân tộc văn hóa. Với mặt trận GTVT những năm tháng tuyến lửa, “Bài ca giao thông vận tải”, sáng tác năm 1966 của Hoàng Vân; “Yêu biết mấy những con đường”, sáng tác năm 1966 của Phạm Tuyên... đã tạo nên sức mạnh, giúp con người vượt qua gian khổ. Đó cũng là những tiết mục luôn có mặt trong chương trình biểu diễn phục vụ mặt trận của Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom”.
“Tôi hạnh phúc vì được có mặt từ những ngày đầu của cuộc chiến tranh phá hoại trên các tuyến đường địch đánh phá ác liệt, đến với các đơn vị GTVT và đặc biệt là các đơn vị TNXP bảo đảm giao thông...Các chuyến đi với anh chị em Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom”... mà tôi sáng tác được bài hát “Yêu biết mấy những con đường””, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết hồi ức.
Ông Hoàng Hữu Ninh bày tỏ, nay dù tuổi đã cao nhưng những anh em cựu thành viên Đoàn văn công “Tiếng hát át tiếng bom” năm xưa, hàng năm vẫn gặp nhau trong ngày thành lập. Tôi nhìn thấy trên khuôn mặt ông, phần ký ức không quên.
Ghi chép của Ngô Đức Hành