Tất cả những người viết đều đang hoặc từng là người viết trẻ
(QBĐT) - Nhà thơ người Chile Pablo Neruda (Nobel văn học năm 1971) từng phát biểu: “Tôi không có lời khuyên nào dành cho các nhà thơ trẻ cả. Họ cần phải tự đi con đường của họ; họ phải đương đầu và vượt qua các trở ngại khi tìm cách diễn đạt bản thân”.
Thiết nghĩ, người viết nói chung và người viết trẻ nói riêng chỉ có thể đạt đến tự do thành thật trong những sáng tác thực sự cá nhân hóa. Nếu họ không được tự do chân thành biểu đạt bản thân thì đồng nghĩa với việc họ không bảo trì được ý thức làm… chính mình. Mặc dù khả năng thiên bẩm của mỗi người là khác nhau, nhưng đã lựa chọn theo đuổi sự nghiệp văn chương chữ nghĩa thì ai cũng muốn bung trổ hết mình.
Sứ mệnh nếu có của người viết đó là anh ta viết ra được những tác phẩm tử tế nhất, văn chương nhất trong khả năng của cá nhân. Người viết có quyền được giảm trừ trách nhiệm nghĩa vụ phải viết về hiện thực đương thời. Milan Kundera-nhà văn, nhà phê bình người Pháp gốc Séc-xác quyết: “Nghệ thuật không phải là một phường hát chèo theo sát dấu chân lịch sử”. Từ lâu, việc của văn chương là không phải chỉ chú mục mô phỏng/phản ánh thế giới khách quan. Và ngày nay, trước sự trương nở của các loại hình truyền thông đa phương tiện, thì văn chương càng tỏ rõ sự chậm trễ (và sự không mấy cần thiết) trong việc cập nhật phản ánh hiện thực cuộc sống.
Tất cả những gì xảy ra với chúng ta đều có thể đi vào văn chương. Nhà văn người Nga Anton Chekhov từng gửi thư cho một nhà báo, trong đó có ý: Bạn ơi, bạn không nhất thiết phải viết về những con người phi thường, những người có thành tựu phi thường hay về những hành động vĩ đại. Nhà văn người Mỹ gốc Nga Vladimir Nabokov, trong tác phẩm “Hành khách”, đã đưa ra chất vấn giàu sức phản tỉnh: “Chẳng lẽ không phải mỗi nhà văn đều chính là kẻ vẫn bận tâm với những thứ vặt vãnh đó sao?”…
Có nghĩa là, nhà văn chọn viết về đề tài gì thì không mấy quan trọng; quan trọng hơn là anh ta tiếp cận và xử lý đề tài đó-tức văn chương hóa đề tài đó-như thế nào. Mà xem ra đề tài càng “nhỏ” thì văn chương càng tiến sát con người, càng đứng về phe con người.
Văn chương nên thường xuyên biết phản tư, biết giải đại tự sự, lẩy hú họa “những ví dụ xoàng”, bớt tham vọng đúc kết khái quát… để trả con người từ tổng phổ cộng đồng về lược phổ cá nhân, từ trạng thái trời về trạng thái người, để giúp con người biết len sâu vào những tiểu ngạch của thế giới và bên trong chính mình nhằm bảo trì ý thức làm người.
Không ai phủ định vốn sống thực tế là tài sản vô giá đối với người viết. Nhưng, nói như nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết “Người tình” của nhà văn người Pháp Marguerite Duras thì “Tôi cảm nhận trước khi trải nghiệm”. Phải, nếu anten tâm hồn đủ thính nhạy, nếu vốn sống tưởng tượng đủ phong phú, thì chủ thể sáng tạo không cần phải “trải nghiệm” thực tế cũng có thể “cảm nhận” được những nông nỗi cắc cớ đời.
Nhà thơ Lê Đạt có lần phát biểu, rằng đứng về mặt phạm trù mà nói, không tuổi trẻ thời nào kém thời nào cả, họ chỉ khác nhau. Đúng vậy, mỗi thế hệ cầm bút thuộc về một môi sinh riêng, kiến tạo và sở hữu phông nền riêng, đường bay riêng, hệ giá trị riêng. Thế giới vạn trạng, văn chương muôn hình. Văn chương không có lối đi dành chung cho hai người. Nếu cứ xoa đầu can gián bắt bẻ người viết trẻ, áp đặt chân lý lên họ, thì sẽ không tạo sinh được “một cuộc gặp gỡ” nào cả, ngược lại, chỉ làm gia tăng sự xung đột đứt gãy thế hệ mà thôi.
Trong tác phẩm “Hoàng tử bé” của nhà văn và phi công người Pháp Antoine de Saint-Exupéry, một nhân vật nói với một nhân vật khác: “Cậu không cần cố gắng để trưởng thành đâu. Nó sẽ tự tìm tới cậu, làm cậu đau lòng, làm cậu muộn phiền, và làm cậu, phải lớn”. Văn chương cũng vậy, là câu chuyện cá nhân, là sự thôi thúc tự thân, tận tâm tận lực của mỗi chủ thể viết. Nói như tác giả, dịch giả Minh Anh (SN 2007) nơi tập thơ “Một ngày từ bên trong” là: “phải chăng, bởi vì quá rõ/bất kì ai lớn lên, sẽ lớn lên từ chính họ”.
Người viết trẻ đương nhiên là phải tự trang bị mọi thứ, phải không ngừng bổ khuyết vốn sống của mình bằng vốn đọc, đọc thiên kinh vạn quyển, làm đầy dần vốn văn hóa và vốn tâm hồn trong mình. Tất nhiên là họ không lý do gì phải mất công với những cuốn sách dở. Vậy nên, có sức thuyết phục hơn trăm ngàn lời khuyên nhủ là cứ tự xuất trình ra cuốn sách hay, để hy vọng có cơ may được người viết trẻ chọn đưa vào thực đơn đọc của họ. Trên mục “Tiếng nói nhà văn”, Báo Văn nghệ ra ngày 27/3/2021, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật viết: “Những người cầm bút trẻ có thể tôn vinh chúng ta, cũng có thể chôn vùi chúng ta như một xác chết, nếu chúng ta không xứng đáng để họ học hỏi”.
Người viết có quyền viết về bất cứ điều gì, hiển nhiên rồi. Vấn đề là, viết để làm gì và viết như thế nào. Nhà phê bình người Đức Erich Auerbach cho rằng nhà văn người Ireland James Joyce viết cuốn tiểu thuyết “Ulysses” tuy với khung cảnh đơn giản là một ngày vô bổ của một anh thầy giáo trung học và một anh chạy việc quảng cáo, dàn trải trong không đầy hai mươi bốn giờ, nhưng là tác phẩm đồ sộ, tác phẩm bách khoa, tấm gương soi Dublin, soi Irlande, soi Âu châu và mấy nghìn năm văn hiến.
Tức, mấu chốt vẫn là câu chuyện tài năng. Tài năng thì muôn đời là quý hiếm. Tài năng thì không đợi tuổi.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu, trong tiểu luận “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa”, viết: “Tài năng, nhất là những thiên tài, bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tị với họ, đừng làm họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta”. Đúng vậy, tài năng nếu có thì cũng muôn màu muôn vẻ. Tài năng thường đi liền với cá tính sáng tạo, từ chối mọi khuôn dạng mô hình.
Người viết trẻ tự chín theo cách của mình. Mà nói như dịch giả, nhà văn, họa sĩ Trịnh Lữ thì: “Người trẻ người ta không cần chín đâu. Người ta cứ viết đúng cái xanh của người ta chứ. Chuyện chín hay không chín nó không quan trọng bằng cái thật”. Cứ để người viết trẻ tự do tự chủ thành thật đi con đường của họ, tự đương đầu và vượt qua các trở ngại khi tìm cách diễn đạt bản thân, để khẳng định sức mạnh và vinh dự làm người, và làm người viết.
Người viết trẻ hôm nay như “bầy chim bạc rời nơi ẩn trú/sải niềm tin về phía mặt người” (thơ Nhung Nhung), như “lũ bồ câu cánh trắng/vãi từng chùm tự do lên cao” (thơ Hoàng Thúy), như “những chiếc bát trắng tinh/khát nỗi đầy/giêng hai mùa gạo mới” (thơ Bùi Thị Diệu). Họ “sắp đặt bản thảo cuộc đời theo cách của mình/thênh thang ngữ âm cỏ hoa/hoan ca lời lời nắng gió” (thơ Hoàng Thụy Anh). Họ như ngựa cong vó “không đứng xếp hàng/chẳng chen chúc vì cỏ/mà hý vang/xanh cả cánh đồng” (thơ Ngô Mậu Tình)...
Mọi chân lý đều có thể hoài nghi, nhưng cái câu “kinh điển” trong “Hoàng tử bé” thì có vẻ bất khả tư nghị: “Tất cả những người lớn đều từng là trẻ con... nhưng rất ít người trong số đó nhớ về điều đó”.
Hoàng Đăng Khoa