"Sơn ca" tuổi 15

  • 08:06 | Thứ Ba, 30/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi số đông bạn bè đồng trang lứa yêu thích các thể loại nhạc trẻ, nhạc điện tử, Trần Anh Thư lại có đam mê đặc biệt dành cho dòng nhạc dân ca, thính phòng. Với năng khiếu sẵn có, cùng những nỗ lực trên hành trình chạm đến ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, Anh Thư đang từng bước chinh phục những sân chơi âm nhạc trong và ngoài tỉnh.
 
Trở thành quán quân cuộc thi tiếng hát Quảng Bình lần thứ I, năm 2024, Trần Anh Thư ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi chất giọng ngọt ngào và đầy nội lực cùng phong cách biểu diễn tự tin, chững chạc dù cô bé chỉ mới tròn 15 tuổi.
 
“Tưới tắm” bằng dân ca
 
Khi gặp cô bé tại ngôi nhà nhỏ ở phường Hải Thành (TP. Đồng Hới), một Anh Thư thật khác khi đứng trên sân khấu rực rỡ sắc màu. Em trở về đúng nghĩa của cô học trò tuổi 15 hồn nhiên, yêu đời với nụ cười rạng rỡ, mái tóc xõa ngang lưng. Dẫu vậy, khi nhắc đến niềm đam mê âm nhạc của mình, Anh Thư trở nên chững chạc hơn bởi những chia sẻ sâu sắc, thẳng thắn và chân thành.  
 
Sinh ra trong gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng từ nhỏ, tình yêu âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc dân ca của bố Thư-anh Trần Đại Thắng cứ thế “tưới tắm” tâm hồn của cô gái nhỏ. Anh Thắng cũng là người thầy đầu tiên dạy Anh Thư biết nghêu ngao hát theo những làn điệu dân ca. Như cây cỏ, tình yêu âm nhạc của cô bé cứ hồn nhiên lớn lên, mộc mạc nhưng mạnh mẽ và bền bỉ. Anh Thư say mê luyến láy theo từng giai điệu, mà càng hát thì càng đắm chìm, dù lúc ấy, cô bé chưa đủ để hiểu hết những vỉa tầng ý nghĩa trong từng lời bài hát.
 
Càng lớn, khi đủ trải nghiệm để hiểu thêm về ca khúc, Thư càng dành tình cảm cho dòng nhạc đặc biệt này và càng tìm hiểu, cô bé thấy những giá trị riêng có của dân ca. Thư chững chạc bảo: “Càng hát, em càng thấy yêu dòng nhạc này và muốn lan tỏa tình yêu dân ca đến với bạn bè cùng trang lứa. Đó cũng là cách để thế hệ chúng em bảo tồn, phát huy giá trị của các làn điệu dân ca, trữ tình”. Nhờ tình yêu ấy, Anh Thư trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất của Câu lạc bộ chèo cạn, múa bông phường Hải Thành.
 
Thạc sĩ Phạm Diệu Vinh, Phó trưởng Khoa Tiểu học-Mầm non, Trường đại học Quảng Bình là giáo viên thanh nhạc gắn bó cùng Anh Thư suốt 2 năm nay. Cô tận tình chỉ dạy cho Thư từ những bài học đơn giản nhất, đến việc rèn luyện bản lĩnh, sự tự tin trước ánh đèn sân khấu. Cô cũng là người đồng hành cùng Anh Thư trong tất cả những sân chơi âm nhạc lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh.
 
Cô giáo Diệu Vinh kể, khi bắt đầu tiếp nhận, nghe Anh Thư hát, chị nhận định đây là một cô bé có giọng hát và tố chất âm nhạc tốt. Anh Thư như viên ngọc sáng nhưng còn thô mộc, nếu được rèn giũa, viên ngọc ấy sẽ càng được tỏa sáng. Sau một thời gian, bằng tâm huyết và niềm tin, cô giáo Diệu Vinh đã dạy cho Anh Thư những kỹ thuật thanh nhạc phù hợp với chất giọng, khả năng. So với cô học trò nhỏ ngày đầu bước đến lớp thanh nhạc, giờ, Anh Thư đã trưởng thành vượt bậc cả về giọng hát và phong cách biểu diễn.
Trần Anh Thư có phong cách biểu diễn tự tin, chuyên nghiệp.
Trần Anh Thư có phong cách biểu diễn tự tin, chuyên nghiệp.
Tự tin ra “biển lớn”
 
Anh Thư kể, sân khấu đầu tiên là buổi diễn văn nghệ của trường mầm non. Cô bé 5 tuổi ngày ấy bắt đầu yêu ánh đèn sân khấu, thích hát giữa đông người và hào hứng khi nhận được những tràng vỗ tay động viên của khán giả. Những sân khấu phong trào đã vun bồi cho Thư sự tự tin trên sàn diễn, hun đúc một tình yêu đặc biệt dành cho âm nhạc. Lên 9 tuổi, Anh Thư mạnh dạn tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí toàn quốc. Năm đó, cô bé nhận được giải triển vọng, mở đầu cho hành trình chinh phục những sân chơi âm nhạc lớn.
 
Năm 2022, Anh Thư cùng anh trai giành giải A liên hoan giai điệu thành phố Hoa Hồng với ca khúc “Em bé Bảo Ninh”. Tiếp đó, năm 2023, vượt qua hàng trăm thí sinh trên toàn tỉnh, Anh Thư tiếp tục giành giải nhất cuộc thi tiếng hát tuổi hồng tỉnh Quảng Bình. Tác phẩm mà Thư chọn biểu diễn trong đêm chung kết là “Cô gái vót chông”-ca khúc đã “đóng đinh” với tên tuổi của nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng. Với Thư, đó vừa là áp lực nhưng cũng là thử thách đáng để chinh phục. Và thực sự, cô bé đã chinh phục ban giám khảo cùng khán giả bằng chất giọng hiếm có và một phong thái biểu diễn tự tin, vững vàng.
 
Đầu năm 2024, Trần Anh Thư tiếp tục vươn ra “biển lớn” khi ghi danh tham gia cuộc thi tỏa sáng cùng âm nhạc do Học viện Âm nhạc Huế tổ chức. Sân chơi lớn đồng nghĩa với thách thức nhiều nhưng cũng là cơ hội rộng mở nếu thành công chinh phục. Ca khúc đi cùng năm tháng “Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng” được cô bé tuổi 15 thể hiện trong đêm chung kết đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả bởi chất giọng trong vắt, cao vút. Trần Anh Thư đã xuất sắc giành giải nhất và được tuyển thẳng vào Học viện Âm nhạc Huế.
 
Khi cuộc thi tiếng hát tỉnh Quảng Bình lần thứ I, năm 2024 được tổ chức, giữa gần 50 thí sinh dự thi, Trần Anh Thư là cái tên sáng giá. Ngay trong đêm chung kết, khi các thí sinh cùng hòa giọng vào ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Hoàng Vân “Quảng Bình quê ta ơi”, Trần Anh Thư nổi bật với ngoại hình trong trẻo, sáng sân khấu và phong cách biểu diễn đầy chuyên nghiệp. Đúng như kỳ vọng của nhiều người, cô bé lại một lần nữa xuất sắc giành quán quân của cuộc thi với ca khúc “Cánh chim báo tin vui”. Đó không phải là kết quả nhiều bất ngờ nhưng khiến cho những người yêu mến giọng hát của em vỡ òa trong niềm vui sướng. Thời điểm ấy, nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống vì hạnh phúc và tự hào.
 
Đường còn dài và còn nhiều thử thách
 
Bắt đầu kỳ nghỉ hè 2024, Trần Anh Thư ra Hà Nội để luyện thi vào Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Gặp gỡ với nhiều bạn bè cùng đam mê, Thư nhận ra, khoảng cách giữa học sinh các tỉnh với các thành phố lớn vẫn còn khá xa do không có nhiều điều kiện học âm nhạc chuyên sâu ngay từ nhỏ. “Em được đánh giá có chất giọng, khả năng thẩm âm tốt nhưng khả năng ký xướng âm vẫn còn nhiều hạn chế. Muốn bắt kịp các bạn ở thành phố lớn, em phải nỗ lực nhiều hơn”, Anh Thư chia sẻ.
 
Trong quá trình ôn thi tại Hà Nội, Anh Thư may mắn được gặp Nghệ sĩ ưu tú Thu Lan, nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhận ra khả năng hiếm có của cô bé sinh ra nơi vùng cát Quảng Bình, bà đã động viên Anh Thư tự tin lựa chọn đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Lời khích lệ ấy đúng thời điểm đang cần những định hướng nghề nghiệp tương lai, Anh Thư quyết định theo đuổi ước mơ trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và được gia đình hoàn toàn ủng hộ. 
 
Những ngày này, Anh Thư đang hồi hộp chờ đợi kết quả thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nhưng trong thẳm sâu ánh mắt của cô bé tuổi 15 là những nỗi lo lắng “trước tuổi”. Thư bảo, gia đình em không mấy khá giả nên việc theo học âm nhạc chuyên sâu chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính. “Nhưng càng khó, càng là động lực cho em nỗ lực học tập để giành được học bổng, san sẻ bớt khó khăn cho bố mẹ. Phía trước sẽ còn nhiều thử thách nhưng em sẽ không vì thế mà bỏ cuộc”, Thư bộc bạch, trong ánh mắt của “con chim sơn ca” ánh lên sự quyết tâm mạnh mẽ.  
Diệu Hương

tin liên quan

Người trẻ viết về đề tài thương binh, liệt sỹ: Thách thức nhưng đầy sức hút

(QBĐT) - Đề tài về chiến tranh, về thương binh, liệt sỹ luôn có sức hấp dẫn với người viết cũng như người đọc. Nối tiếp dòng chảy tri ân đối với những hy sinh, đóng góp của các thế hệ đã viết nên lịch sử dân tộc, nhiều văn nghệ sĩ Quảng Bình đã có nhiều tác phẩm hay về mảng sáng tác này. 

Mẹ và tháng 7

(QBĐT) - Mẹ ơi! Tháng bảy về rồi
Con nghe buốt lạnh rớt trên môi cười

Bà đi gánh nước giếng chùa

(QBĐT) - Nhà bà ở cạnh giếng chùa
Bà đi gánh nước giữa trưa nắng hè
Vườn chùa văng vẳng tiếng ve
Sư thầy gõ mõ tiếng nghe đều đều