Người trẻ viết về đề tài thương binh, liệt sỹ: Thách thức nhưng đầy sức hút

  • 07:30 | Thứ Hai, 29/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đề tài về chiến tranh, về thương binh, liệt sỹ (TBLS) luôn có sức hấp dẫn với người viết cũng như người đọc. Nối tiếp dòng chảy tri ân đối với những hy sinh, đóng góp của các thế hệ đã viết nên lịch sử dân tộc, nhiều văn nghệ sĩ Quảng Bình đã có nhiều tác phẩm hay về mảng sáng tác này. Một trong những tác giả trẻ có khá nhiều tác phẩm ấn tượng là nhà văn Trác Diễm, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình. Trác Diễm bày tỏ: “Viết về đề tài này trong thời bình là một thách thức, khó khăn cho người cầm bút trẻ. Vì thế, đòi hỏi người viết phải tìm cho mình một góc nhìn, cách thể hiện mới để tạo nên sự hấp dẫn”.
 
- P.V: Không trải qua chiến tranh, không trực tiếp chứng kiến cảnh bom rơi, đạn nổ, vậy đâu là nguồn cảm hứng để nhà văn có tác phẩm hay về đề tài TBLS?
 
- Nhà văn Trác Diễm: Chúng ta đã học và đọc rất nhiều tác phẩm của các thế hệ nhà văn đi trước khi viết về đề tài TBLS, như: “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Đình Thi), “Hòn đất” (Anh Đức), “Rừng xà nu” (Nguyên Ngọc), “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng). Ở Quảng Bình có các tác phẩm tiêu biểu, như: “Hồi ức của một binh nhì” (Nguyễn Thế Tường), “Đường qua tuyến lửa” (Nguyễn Kim Cương)…
 
Đối với nhiều nhà văn, nhà báo chiến trường, đây là đề tài mang lại thành công trong sự nghiệp sáng tác, bởi tác phẩm của họ bám sát hơi thở của thời cuộc. Song đối với những người viết trẻ như chúng tôi lại gặp không ít khó khăn, thách thức khi không trực tiếp cuộc sống ở chiến trường để hiểu và chia sẻ một cách sâu sắc nhất về hy sinh, mất mát… Để bù đắp cho cái “thiếu” ấy, người trẻ đã tiếp cận các nguồn tư liệu, sử liệu hay qua các hồi ức, nhân chứng chiến tranh và khai thác, thể hiện theo cách riêng của mình.
 
Với tôi, nguồn cảm hứng để viết về đề tài chiến tranh và TBLS chính là từ người cha của mình. Cha tôi trước đây công tác ở Ban Tuyên huấn, Bộ Chỉ huy Quân sự Bình Trị Thiên. Ông có nhiều bài viết đăng ở Báo Quân đội nhân dân, Báo Dân... Ông đã ra hai đầu sách về đề tài người lính. Đó là 2 tập thơ: “Hát về con đường ta đã đi qua” “Nói với em về bàn chân chiến sĩ”. Cả 2 tập thơ này đều do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Ngày còn thơ bé, tôi được cha kể cho nghe rất nhiều câu chuyện và tiếp cận tư liệu quý mà cha tôi đã dành nhiều năm để đi tìm hiểu thực tế, thậm chí lao mình vào các trận đánh lấy tư liệu... Khi cha tôi mất, tôi đã đọc rất kỹ các nguồn tư liệu mà cha để lại và bắt đầu nhen nhóm ý tưởng viết về đề tài này. Tôi còn có người anh là bộ đội. Mỗi dịp rảnh, tôi đều tìm đến đơn vị công tác của anh để tìm hiểu và cảm nhận rõ hơn về cuộc sống của người lính trong thời bình.
Nhà văn Trác Diễm và tập truyện ngắn tâm huyết về đề tài thương binh, liệt sỹ “Mưa chuyển mùa”.
Nhà văn Trác Diễm và tập truyện ngắn tâm huyết về đề tài thương binh, liệt sỹ “Mưa chuyển mùa”.
Vì công việc sáng tác, tôi tham gia nhiều chuyến đi thực tế ở các vùng biên giới trong và ngoài tỉnh. Các chuyến đi cho tôi nhiều trải nghiệm và thu thập đầy ắp dữ liệu của cuộc sống thời bình. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng, càng sống trong bình yên thì càng nhận rõ đằng sau đó biết bao sự hy sinh thầm lặng cùng gian khổ của người lính đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Họ không chỉ là những anh hùng trong thiên tai bão lũ, mà còn anh hùng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm…
 

Nhà văn Trác Diễm tên thật là Trần Thị Trác Diễm (SN 1988, ở xã Hưng Trạch, Bố Trạch) là gương mặt trẻ nhất trong Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh. Chị có nhiều đầu sách ấn tượng, như: “Hồn lau trắng” (tiểu thuyết) được nhận giải trẻ Ủy ban Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; “Tiếng vọng Ma Coong” (tiểu thuyết) giải nhì giải VHNT Lưu Trọng Lư lần thứ V… Chị cũng là người có nhiều truyện ngắn hay về đề tài TBLS, như: “Đường qua tuyến lửa”, “Người đàn bà vẽ hoàng hôn”, “Duyên nợ mai vàng”, “Chỉ còn lại mùa quên”…

Theo tôi, điều kiện thuận lợi, khó khăn và thử thách đã mang đến cho văn xuôi hậu chiến tranh về chiến tranh nói chung, TBLS nói riêng những gam màu đa sắc, đa thanh, tạo nên diện mạo mới đầy ấn tượng sâu sắc.

- P.V: Chắc hẳn nhà văn có rất nhiều kỷ niệm trong những chuyến đi thực tế sáng tác về đề tài này?
 
- Nhà văn Trác Diễm: Viết về chiến tranh, về TBLS người ta thường đề cập đến sự hy sinh, mất mát và để diễn tả đến tận cùng nỗi đau ấy thì nhà văn cần phải “đi, đọc, viết” đúng tư tưởng chủ nghĩa xê dịch của nhà văn Nguyễn Tuân. Người viết phải đi để được đặt chân lên đến vùng đất từng chịu nhiều đau thương, để ngắm nhìn những tên sông, tên làng đi vào lịch sử và để chạm thấu vào “vỉa ký ức” đã lặn sâu trong tâm can mỗi con người. Phải đi đến tận cùng của từng thân phận, từng gia đình để chứng kiến từng nỗi đau, nhất là nỗi đau da cam âm ỉ, len lỏi, di truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác hay những chiến công thầm lặng, mảng ký ức “tươi rói” về một thời xông pha nơi trên chiến trường bom đạn… Mỗi lần tiếp xúc với những thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ, được nghe nhiều câu chuyện cảm động, chứng kiến nỗi đau lại thôi thúc tôi cầm bút và viết.
 
Các chuyến đi thực tế luôn để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, nhiều ấn tượng khó quên. Tôi từng được tiếp cận với đội rà phá bom mìn dự án MAG và vô cùng cảm phục việc làm của họ. Cũng từ chuyến đi này, tôi chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm của nhiều gia đình có người bị thương tật do ảnh hưởng của bom mìn và vật liệu nổ sau chiến tranh, không ít người phải bỏ mạng vì bom đạn còn sót lại. Tôi cũng có nhiều đêm mất ngủ khi nghĩ về những con người không còn nguyên “hình” người do chất độc da cam và câu chuyện đầy nước mắt của những người đã nhiều năm đi tìm người thân hy sinh trong chiến tranh mà chưa có kết quả… Cuốn tiểu thuyết “Đất khát” của tôi ra đời từ những cảm xúc ấy. Tác phẩm được trao giải B giải VHNT Lưu Trọng Lư lần thứ VI.
 

“Tôi đọc tập truyện “Mưa chuyển mùa” của Trác Diễm và cảm nhận rõ cách viết của người trẻ với một đề tài cần rất nhiều trải nghiệm, vốn sống. Cũng khai thác về nỗi đau do hậu quả chiến tranh, những hy sinh, mất mát nhưng truyện ngắn của Trác Diễm luôn toát lên niềm tin về ngày mai với tín hiệu vui, dự cảm tươi mới như “giữa đám gai góc trơ trụi, một chồi xanh vươn lên” (trích trong tác phẩm “Cây đời” của Trác Diễm)”, ông Phạm Xuân Điền ở phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) chia sẻ.

Một trong số tác phẩm dày công của tôi về đề tài này là tập truyện ngắn “Mưa chuyển mùa” viết về sự hy sinh, mất mát của những con người trải qua chiến tranh và nỗi đau của người ở lại. Tập truyện này tôi viết theo chương trình đầu tư sáng tác của Bộ Quốc phòng, xuất bản năm 2021. Gần đây nhất (năm 2024) là tác phẩm “Đứa con của sóng” (truyện ngắn) nhằm hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về đề tài “Biển, đảo-Người chiến sĩ Hải quân” do Cục Chính trị Hải quân phát động. Tôi may mắn được học chung lớp với cô bạn Trần Mai Thủy, con gái của Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương (hy sinh tại sự kiện Gạc Ma). Qua các câu chuyện kể của Mai Thủy, tôi cảm nhận được nỗi đau thương, mất mát của gia đình bạn và cả niềm tự hào, cảm phục trước nghị lực của bạn khi vượt qua khó khăn để tiếp nối hành trình của cha và trở thành người lính đảo hải quân.
 
- P.V: Là mảng đề tài khó bởi thực tế trải nghiệm, vốn sống của người viết trẻ chưa nhiều. Vậy theo nhà văn, người trẻ phải làm gì để thể hiện thành công đề tài này?
 
- Nhà văn Trác Diễm: Tôi cho rằng, viết về đề tài TBLS người trẻ phải mở rộng phạm vi khám phá, không chỉ gói gọn trong các cuộc chiến tranh mà cần khai thác vấn đề mới, như: Khám phá vùng đất hồi sinh sau chiến tranh; hy sinh, mất mát của người lính ngay trong thời bình... Góc độ phản ánh cần có sự phong phú, đa dạng để khai thác được hết những khía cạnh phức tạp, ẩn khuất, sâu kín của đề tài, mở rộng thêm nhiều vấn đề khác, như: Cuộc sống mưu sinh, nghị lực vươn lên của thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ… Có như thế, đề tài sáng tác về TBLS mới có sức hút mãnh liệt với người đọc và có vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam.
 
- P.V: Cảm ơn nhà văn Trác Diễm về những chia sẻ thú vị!
Nhật Văn (thực hiện)

tin liên quan

Bà đi gánh nước giếng chùa

(QBĐT) - Nhà bà ở cạnh giếng chùa
Bà đi gánh nước giữa trưa nắng hè
Vườn chùa văng vẳng tiếng ve
Sư thầy gõ mõ tiếng nghe đều đều
 

Nhớ tiếng chim gọi về

(QBĐT) - Con thuyền rẽ nước băng băng, lướt nhẹ trên áng mây chiều gấm hoa đang phản xuống mặt nước như gương.

Bất ngờ Trần Lý Minh

(QBĐT) - Tối 15/7/2024, xem QBTV truyền hình trực tiếp lễ trao giải thưởng sáng tác văn học nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, thấy Trần Lý Minh vượt qua những "cây cao bóng cả" để giành giải nhất văn học khiến tôi hết sức bất ngờ và xúc động!