Ghi nhận từ tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật tiêu biểu

  • 08:15 | Thứ Bảy, 06/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2024, thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện trọng đại của quê hương, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động và sự kiện chính trị, văn hóa-xã hội; trong đó có Cuộc vận động (CVĐ) sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi (1949-2024) và 35 năm Ngày tái lập tỉnh (1989-2024) trên phạm vi cả nước.
 
CVĐ được phát động từ ngày 28/11/2023-15/4/2024 đã thu hút đông đảo văn nghệ sĩ trong cả nước tham dự với 378 tác phẩm của 122 tác giả đến từ 10 tỉnh thành, ở 6 chuyên ngành. Qua hai cấp đánh giá, thẩm định (tiểu ban thẩm định chuyên môn và hội đồng giải thưởng tỉnh), Ban Tổ chức đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận kết quả và trao giải thưởng cho 55 tác phẩm (nhóm tác phẩm) của 55 tác giả.
 
Ở lĩnh vực nhiếp ảnh có 11 giải thưởng/70 tác phẩm tham gia và mỹ thuật có 10 giải thưởng/42 tác phẩm tham gia. Thông qua số lượng và chất lượng, Ban Tổ chức đã đánh giá các tác phẩm nhiếp ảnh và mỹ thuật đã làm nổi bật được các giá trị về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, con người và thiên nhiên cùng những thành tựu của công cuộc đổi mới xây dựng phát triển của tỉnh, đáp ứng được các tiêu chí và ý nghĩa của CVĐ sáng tác.
 
Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật có lợi thế trong việc chuyển tải thông tin bằng hình ảnh thông qua góc nhìn của các tác giả. Tác phẩm “Vòng xoay thời gian” (giải A) của tác giả trẻ Trần Phan Hoàng Anh thể hiện nhịp điệu công trường đêm của cầu Nhật Lệ 3. Bằng kỹ thuật phơi sáng và chọn góc chụp thoáng rộng để diễn tả ánh sáng rộn ràng trên công trường phản chiếu xuống dòng sông tạo nên sự chuyển động lung linh của ánh sáng.
 
Cùng đó, hai tác phẩm đoạt giải B là “Thành phố bên dòng Nhật Lệ” của nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Đức Thành và “Làng du lịch Tân Hóa” của Văn Thức đều có góc nhìn rộng, từ trên cao. Lê Đức Thành thể hiện một thành phố trẻ đang vươn lên phát triển hiện đại, lung linh ánh đèn hướng ra cửa biển. Văn Thức biểu đạt khoảnh khắc mây trắng phủ bồng bềnh trên núi non trùng điệp của Tân Hóa-Làng du lịch tốt nhất thế giới (được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh tháng 10/2023).
Tác phẩm
Tác phẩm "Vòng xoay thời gian" (giải A nhiếp ảnh) của Trần Phan Hoàng Anh.
Ba tác phẩm đoạt giải C, gồm: Tác phẩm ảnh bộ “Các chứng tích lịch sử trên quê hương Quảng Bình” của NSNA Nguyễn Hải, thể hiện từ Hoành Sơn quan cho đến lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Lệ Thủy. Tác phẩm được xây dựng thành câu chuyện có chiều dài thời gian thông qua các công trình kiến trúc cổ, di tích… nhằm tôn vinh các giá trị lịch sử-văn hóa đặc sắc tại Quảng Bình.
 
Tác phẩm ảnh bộ “Quảng Bình hôm nay” của NSNA Hoàng An là những khung cảnh đổi mới, phát triển của Quảng Bình như những cây cầu trên sông Nhật Lệ, Quảng trường Hồ Chí Minh với các góc nhìn trên cao và đặc tả kết hợp.
 
Tác phẩm “Năng lượng tái tạo” của NSNA Thành Vương đã thể hiện Quảng Bình là vùng đất có tiềm năng phát triển về năng lượng sạch, góp phần phát triển kinh tế thông qua dự án điện mặt trời tại huyện Lệ Thủy. Tác phẩm có bố cục chặt chẽ được kiến tạo bởi các đường kỷ hà của cánh đồng điện pin phản chiếu ánh nắng vàng tạo nên hiệu ứng thị giác ấn tượng.
 
Ban Tổ chức cũng trao 5 giải khuyến khích: “Long Đại linh thiêng hội tụ” (ảnh bộ) của Bùi Cường, “Phong Nha trong mây” của Bách Chiến, “Quyết liệt” của Trung Hoa, “Lễ hội vật truyền thống TX. Ba Đồn” của Lê Thanh Thu và “Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch” của NSNA Võ Thành Vinh (Nghệ An).
 
Các tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải thưởng khá đa dạng về đề tài và hình thức thể hiện, đặc biệt có sự tham gia của nhiều ảnh bộ. Tuy nhiên, do giới hạn thời gian theo thể lệ (diễn ra trong khoảng thời gian thời tiết không thuận lợi) nên còn thiếu vắng những mảng nổi bật của Quảng Bình, như: Về hang động, biển, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… đây cũng là điều nuối tiếc cho nhiều tác giả khi chưa thực hiện hết ý tưởng sáng tạo của mình.
 
Các tác phẩm mỹ thuật thường thuận lợi hơn trong việc xây dựng nhiều không gian, thời gian theo phương thức đồng hiện khi muốn biểu đạt về lịch sử và văn hóa thông qua hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân là một tác giả lớn của nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay, tham dự nhiều tác phẩm, trong đó tiêu biểu là tác phẩm “Cứu dân vùng lũ” chất liệu sơn mài, kích thước 120cmx180cm.
 
Tác phẩm có tổng thể gam màu vàng-xanh đan quyện tạo thành các mảng chuyển động linh hoạt, thể hiện sự khẩn trương của công tác cứu trợ bão lụt, giúp đỡ nhân dân của lực lượng cứu hộ. Tác giả lựa chọn đề tài mang tính thời sự và xã hội để thể hiện một khía cạnh của mảnh đất Quảng Bình hứng chịu nhiều thiên tai, nhưng nổi bật lên là tình quân dân thắm thiết, tương trợ nhau lúc hoạn nạn.
 
Tác phẩm “Tiếng vọng” của Nguyễn Lương Sáng là câu chuyện kết nối giữa quá khứ-hiện tại-tương lai trong sự chuyển động thời gian theo hình thức bố cục đồng hiện và lắp ghép (tranh bộ). Tác phẩm còn là những câu chuyện lịch sử được vọng về từ trang sách, trên di tích, ngoài biển cả… được thế hệ trẻ hôm nay luôn khắc ghi. Hai tác phẩm trên cùng được trao giải B (không có giải A).
 
Có 3 tác phẩm đoạt giải C, cụ thể: “Sóng Nhật Lệ” của Phan Đình Tiến, đây là tác phẩm điêu khắc có yếu tố sắp đặt theo hướng sử dụng các mô-đun để xây dựng thành tác phẩm. Có thể nói là một sự khác lạ của khối bằng chất liệu đá tương tác cùng sự vô định của sóng tạo nên nhiều điều suy ngẫm. Tác phẩm nói về câu chuyện của dòng sông Nhật Lệ đã bao lần nổi sóng, là chứng nhân với sự biến thiên của lịch sử của dân tộc, quê hương.
 
Tác phẩm “Tình đất bazan” của họa sĩ lão thành Thế Hà (Nguyễn Hữu Song-Quảng Trị) nói về tình người trên những vùng đất đỏ phía tây nam Quảng Bình liền mạch với Quảng Trị. Bằng gam màu nồng ấm, biểu cảm hình phong phú, tác giả đã thể hiện được tình cảm đôn hậu của những con người gắn chặt cuộc đời mình với những triền xanh thắm trên vùng đất đỏ màu mỡ.
 
Tác phẩm “Giữ biển quê hương” của Trương Minh Dự (Quảng Trị) là tình cảm của một người con xa quê. Bằng bút pháp khoáng đạt, các mảng màu mạnh mẽ, thể hiện hình tượng các chiến sĩ biên phòng ngày đêm đang canh giữ vùng biển trời quê hương.
 
Tiêu biểu trong số các tác phẩm đoạt giải khuyến khích là tác phẩm “Vị tướng vì hòa bình” (chất liệu gắn vỏ trứng) của Nguyễn Quốc Vượng. Tác giả sử dụng các sắc độ trên vỏ trứng để diễn tả chân dung vị tướng huyền thoại cùng những cánh chim hòa bình. Tác phẩm đã tạo được hiệu quả tích cực khi công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Các tác phẩm cùng được trao giải khuyến khích, gồm: “Tuổi thơ tôi” (hội họa) của Nguyễn Thị Lương Giang (Quảng Trị), “Trầm tích Nhật Lệ” (điêu khắc) của Trương Trần Đình Thắng, “Quảng Bình quan một chiều thu” (đồ họa-in đồng) của Đỗ Thị Thu Trang (Thừa Thiên Huế), “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (tranh cổ động vi tính-in giấy) của Lê Thuận Long.
 
Có thể nói, trong khuôn khổ của một CVĐ sáng tác với thời gian tương đối ngắn, các tác giả khó để thể hiện được các ý tưởng sáng tạo, nhất là với loại hình nhiếp ảnh phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, khoảnh khắc... và với mỹ thuật cần thời gian để đào sâu diễn tả chất liệu, xây dựng hình tượng…
 
Tuy nhiên, thông qua các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật tham dự CVĐ và đoạt giải thưởng cho thấy quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, có trách nhiệm của các tác giả. Sáng tác là một quá trình tìm tòi và hoàn thiện, hy vọng từ đây sẽ mở ra những hướng sáng tác mới để các tác giả tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật về đề tài mảnh đất và con người Quảng Bình, trong đó có nhiếp ảnh và mỹ thuật.
Nguyên Sa

tin liên quan

Quê hương là máu thịt

(QBĐT) - Có lẽ hai tiếng "quê hương" là một trong những âm thanh quen thuộc và cũ kỹ nhất trong mỗi con người. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Quảng Bình có nhiều dòng sông, những bến sông không chỉ gắn liền với cuộc sống người dân mà còn là những kỷ niệm yên bình.

Bây giờ đang mùa sen

(QBĐT) - Bây giờ đang mùa sen, về làng là tôi đi ra đồng. Phía ấy, lúa tái sinh ven phá Hạc Hải đã cúi đầu chắc hạt, lác đác vào chín, sen cũng vừa rộ.