Lễ giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lần thứ 324

  • 16:50 | Thứ Hai, 24/06/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 24/6 (nhằm ngày 19/5 âm lịch), tại nhà thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) đã diễn ra lễ giỗ lần thứ 324 (năm 1700-2024) Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
 
Tham dự có lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao, huyện Quảng Ninh; Đảng bộ, chính quyền xã Vạn Ninh cùng đông đủ hậu duệ và bà con nhân dân trong vùng đã đến dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng thành kính tri ân với công đức to lớn của người mở cõi.
Dâng hương, dâng hoa tri ân Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại quê nhà Vạn Ninh nhân ngày giỗ lần thứ 324.
Dâng hương, dâng hoa tri ân Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại quê nhà Vạn Ninh nhân ngày giỗ lần thứ 324.
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm Canh Dần 1650, tại phường Chiêu Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Vạn Ninh, Quảng Ninh). Ông là cháu nội của quan Tham chiến Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn, là con trai của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật. Theo sử sách, gia tộc Nguyễn Hữu ở huyện Quảng Ninh từ đời Tham chiến Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn, là một dòng họ có công lớn không chỉ đối với công cuộc khai thiết vùng đất Quảng Bình mà còn có công khai phá nhiều vùng đất khác, đặc biệt trong công cuộc mở cõi về phương Nam.
 
Truyền thống dòng tộc, quê hương đã hun đúc nên trong Nguyễn Hữu Cảnh một tinh thần thượng võ, nghĩa hiệp. Để rồi, suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, bằng tài năng, đức độ, đi đến đâu, vị quan thời chúa Nguyễn cũng để lại những dấu ấn sâu sắc trên vùng đất mới.
 
Dấu ấn đậm nét nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ năm 1698 khi ông làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai. Tại xứ này, song song với việc khai hoang, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thi hành ngay việc chia ranh, định vùng. Ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (TP. Hồ Chí Minh ngày nay).
Ông Nguyễn Hữu Thắng, hậu duệ đời thứ 11 dâng hương lên bàn thờ  Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, hậu duệ đời thứ 11 dâng hương lên bàn thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Năm 1700, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Chúa Nguyễn nhận chức Thống suất dẹp giặc Chân Lạp làm phản. Khi trở lại vùng đất Nam bộ, ông đã để lại dấu ấn sâu sắc tại khu vực cù lao đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu của tỉnh An Giang. Mảnh đất giữa mênh mang sông nước này cũng là địa điểm ghi dấu ấn đậm nét của cuộc đời ông trong những năm tháng cuối đời. Chỉ chừng nửa tháng lưu lại xứ cù lao Cây Sao của An Giang nhưng vị quan Chúa Nguyễn đã thu phục lòng dân bằng chính sự đức độ, liêm khiết.
 
Theo sử sách ghi chép lại, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh trên đường trở về dinh Trấn Biên, đến Rạch Gầm (Tiền Giang) thì mất, nhằm ngày 9/5 Canh Thìn, hưởng thọ 51 tuổi. Thương nhớ ông, người dân cù lao Cây Sao nơi ông từng lưu lại trong những năm tháng cuối đời đã đặt tên cho vùng đất này là cù lao Ông Chưởng. Và không chỉ ở An Giang mà ở quê nhà Quảng Bình hay nhiều địa phương khác ở Nam bộ tên ông đã được đặt cho nhiều trường học, đường phố…
 
Như nhiều nhà nghiên cứu nhận định, có lẽ hiếm có danh nhân lịch sử nào lại được người dân tổ chức cúng giỗ kéo dài trong nhiều ngày đến vậy. Nếu người dân huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) tổ chức lễ kỳ yên và giỗ Đức ông từ ngày 7-10/5, tại cù lao Phố chọn ngày 16/5 thì tại quê nhà Quảng Bình, lễ giỗ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức vào ngày 19/5 âm lịch.
 
Những ngày này, người dân khắp nơi tìm về các dinh thờ để được dâng hương tưởng nhớ công lao ông. Hương khói không bao giờ nguội tắt nơi chốn linh thiêng như tấm lòng người mở cõi vẫn luôn thao thiết vì nước, vì dân.
 
Một số hình ảnh tri ân Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Vạn Ninh:
Nội Hà

tin liên quan

Về miền rơm rạ tuổi thơ

(QBĐT) - Trong ký ức tuổi thơ tôi có một miền rơm rạ, một mùa rơm rạ; có một không gian và thời gian rơm rạ. 

Đọc thơ "Xế chiều" của Mai Văn Hoan

(QBĐT) - Năm 2024, nhà thơ Mai Văn Hoan cho ra mắt tập thơ "Xế chiều" ở tuổi 75, cái tuổi mà người xưa thường cho là "xưa nay hiếm". 

Tìm về nơi an nghỉ của người thầy dạy anh em nhà Tây Sơn

(QBĐT) - Như một sự hữu duyên, tôi tình cờ biết được thông tin tại khu lăng mộ của dòng họ Trương Văn ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch) hiện có mộ phần của người thầy dạy anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và nhiều học trò kiệt xuất khác của vùng đất Bình Định xưa.