Phát huy giá trị "Đề cương về văn hóa Việt Nam" vào thực tiễn cuộc sống

  • 07:14 | Thứ Năm, 23/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Trải qua tiến trình lịch sử với rất nhiều biến động, việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của đề cương vẫn giữ nguyên sức sống và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng.
 
Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, cùng với chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, chính trị, các giá trị về lý luận của đề cương được kế thừa, vận dụng để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển về văn hóa. Tư tưởng lý luận của đề cương được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện của Đảng; đặc biệt là trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014), Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng…
 
Tại Quảng Bình, nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về phát triển văn hóa, xây dựng con người từng bước được nâng lên.
 
Nhiều phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã hội học tập, "đền ơn đáp nghĩa", phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới… được triển khai thực hiện hiệu quả, trở thành phong trào thi đua yêu nước của quần chúng, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
 
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) đã tổ chức nhiều hoạt động, như: Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hò thuốc cá cho nghệ nhân trên địa bàn huyện Minh Hóa; truyền dạy, nâng cao kỹ năng đàn, hát ca trù cho kép đàn, ca nương tại các câu lạc bộ (CLB) ca trù trên địa bàn tỉnh; truyền dạy, trình diễn lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy); tập huấn kỹ năng tổ chức lễ hội đập trống cho đồng bào Ma Coong, xã Thượng Trạch (Bố Trạch)…
Các liên hoan, hội diễn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân.
Các liên hoan, hội diễn tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người dân.
Nhiều đề tài, nghiên cứu về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được công bố góp phần phục dựng, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề, ẩm thực, đặc sản truyền thống phát triển phong phú. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có nhiều khởi sắc, đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, vùng sâu ngày càng được nâng cao. Ở các địa phương, phong trào văn hóa, văn nghệ thể thao diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân.
 
Quảng Bình hiện có 1 di sản thiên nhiên thế giới là Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh gồm: Ca trù của người Việt và nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam. Toàn tỉnh có 137 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 56 di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt. Tỉnh có 1 bảo vật quốc gia là "Ấn quan Tuần phủ Đô tướng quân" được công nhận từ năm 2018. Việc đầu tư, bảo tồn, tôn tạo di tích, quy hoạch di tích được tỉnh quan tâm đầu tư, đặc biệt là các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia quan trọng có lợi thế trong phát triển du lịch.
 
Ngành VH-TT đã và đang triển khai kịp thời có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình; thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng…
 
Một trong những nhiệm vụ được chú trọng là đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với xây dựng nông thôn mới. Sở VH-TT nỗ lực quản lý tốt hoạt động lễ hội, nếp sống văn minh trong việc cư­­ới, việc tang và làm tốt chức năng cơ quan thư­­ờng trực Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" để phong trào ngày càng phát triển mang tính bền vững, chất lượng. Ngành cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý và bảo vệ di tích, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
 
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở VH-TT cho biết: Toàn ngành đang tập trung công tác phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm triển khai tốt các hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm ra đời "Đề cương về văn hóa Việt Nam" (1943-2023) với nhiều nội dung, như: Tọa đàm hoặc nói chuyện chuyên đề, triển lãm sách, ảnh, tác phẩm văn học nghệ thuật, tổ chức tuần phim và một số nội dung liên quan khác.
Nh.V

tin liên quan

Nhọc nhằn bếp củi

(QBĐT) - Cuộc sống có hiện đại, tiện nghi đến mức nào, tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh mẹ già bên gian bếp xưa, dưới mái tranh nghèo. 

Thể lệ cuộc thi viết với chủ đề "Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở"

Bộ Công an phối hợp Báo Nhân Dân phát động cuộc thi viết với chủ đề "Bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở", nhằm tuyên truyền, lan tỏa hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an nhân dân và hướng đến chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ nêu "6 Điều dạy Công an nhân dân" (11/3/1948-11/3/2023).

Bài 2: Buổi đầu nhiều khó khăn của công nghiệp Quảng Bình

(QBĐT) - Sau giai đoạn sơ khai buổi ban đầu, công nghiệp Quảng Bình tiếp tục có những sự đổi thay.